Giá gà công nghiệp xuất tại trại hiện đang đứng ở mức 15-16 ngàn đồng/kg, mức giá thấp kỷ lục từ trước đến nay. Nhiều chủ trại gà sau thời gian cầm cự với tình trạng chăn nuôi liên tục thua lỗ từ đầu năm đến nay đã cạn vốn để tính tiếp việc duy trì chăn nuôi, thậm chí rơi vào cảnh phá sản.
Giá gà công nghiệp xuất tại trại hiện đang đứng ở mức 15-16 ngàn đồng/kg, mức giá thấp kỷ lục từ trước đến nay. Nhiều chủ trại gà sau thời gian cầm cự với tình trạng chăn nuôi liên tục thua lỗ từ đầu năm đến nay đã cạn vốn để tính tiếp việc duy trì chăn nuôi, thậm chí rơi vào cảnh phá sản.
Người chăn nuôi điêu đứng vì giá gà thấp ở mức kỷ lục từ trước đến nay. Trong ảnh: Một trại gà ở huyện Long Thành. |
Trước tình trạng thịt gà đông lạnh từ Mỹ nhập khẩu ồ ạt vào thị trường Việt Nam, từ tháng 8-2015, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ đã có bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương... đề nghị điều tra chống bán phá giá với mặt hàng thịt gà nhập khẩu. Nhưng đến nay, vụ việc vẫn chưa có nhiều tiến triển do thiếu kinh phí vì các doanh nghiệp, chủ trang trại chưa thống nhất được mức đóng góp kinh phí cho vụ kiện.
* Giá gà rẻ hơn rau
Theo các chủ trại nuôi gà công nghiệp tại Đồng Nai, chưa bao giờ giá gà lại rớt thê thảm với mức rẻ hơn cả giá rau như hiện nay. Với mức giá này, người chăn nuôi đang lỗ gần chục ngàn đồng/kg gà xuất chuồng. Ông Nguyễn Cao Lý, quản lý trại gà công nghiệp tại huyện Long Thành, chia sẻ: “Trại tôi nuôi có quy mô khoảng 80 ngàn con gà công nghiệp đều đến tuổi xuất chuồng, trung bình mỗi ngày trại tiêu thụ hết trên 100 triệu đồng thức ăn. Chính vì vậy, trại vừa buộc phải xuất khoảng 20 ngàn con và chủ trại đang như ngồi trên lửa vì không biết tính toán ra sao với lượng gà còn lại, vì giá 1 kg thịt gà bán ra hiện tại còn thấp hơn giá rau“.
Đa số các trại gà công nghiệp đều có quy mô lớn với hệ thống chuồng trại khép kín, chuồng lạnh với vốn đầu tư tiền tỷ, nên dù từ đầu năm đến nay giá gà công nghiệp liên tục xuống thấp, các chủ trại vẫn cố gắng giữ đàn gà. Nhưng với mức giá thấp kỷ lục như hiện nay, người chăn nuôi đang thật sự đối mặt với nguy cơ phá sản. Ông Trần Văn Hùng, chủ trại gà tại huyện Trảng Bom, lo lắng: “Từ đầu năm đến nay, gà liên tục rớt giá. Vài tháng trước, giá gà khôi phục ít nhiều nên một số chủ trại ở đây mạnh dạn tái đàn, tăng đàn mong gỡ lại đồng vốn, đâu ngờ giá gà bất ngờ “rớt không phanh” như hiện nay. Con gà đang ăn mòn hết đất đai, nhà cửa của người chăn nuôi“.
* Không thấy tương lai
Nhìn vào bức tranh hiện tại, hầu như không có tương lai cho ngành chăn nuôi gà trong nước. Chủ một doanh nghiệp đầu tư chuỗi trang trại chăn nuôi, giết mổ và phân phối gà công nghiệp trên địa bàn Đồng Nai cay đắng nói: “Sau một thời gian dư luận ồn ào việc cấm nhập khẩu gà Mỹ vì nước này đang xảy ra dịch cúm gia cầm, rồi đến việc chống bán phá giá gà nhập khẩu, tình hình gà nhập có tạm lắng xuống. Nhưng ngay sau đó, giá gà Mỹ tiếp tục được nhập khẩu ồ ạt với giá càng rẻ. Hiện giá đùi gà, cánh gà Mỹ nhập vào Việt Nam chỉ còn 11-12 ngàn đồng/kg, thấp hơn rất nhiều so với vài tháng trước“. Tại các chợ đầu mối cho đến chợ lẻ, hoạt động kinh doanh, buôn bán gà nhập khẩu diễn ra tấp nập hơn lúc nào hết. Tình trạng thương lái, tiểu thương trà trộn gà nhập vào gà nuôi trong nước bán cho người tiêu dùng ngày càng phổ biến mà không thấy cơ quan nào kiểm soát.
Người chăn nuôi hiện nay đang chịu thiệt hại kép, vì ngoài áp lực cạnh tranh với gà nhập khẩu thì tình trạng nông dân bán rẻ, người tiêu dùng mua đắt do các khâu trung gian ăn hết phần lời. Ông Lê Văn Quyết, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đồng Nam bộ, bức xúc cho biết hiện giá gà bán đến tay người tiêu dùng tại các siêu thị cao gấp 3-4 giá gà nông dân bán ra thị trường là điều quá bất hợp lý. Vì giá bán lẻ quá cao nên không kích cầu được sức mua khiến người chăn nuôi càng khó khăn.
Theo ông Quyết: “Giải pháp căn cơ hiện nay đều từ cơ chế, chính sách của Nhà nước về quản lý thị trường, xây dựng hàng rào kỹ thuật với thịt nhập khẩu... Vì ngay tại sân nhà, người chăn nuôi trong nước vẫn chưa được tạo một môi trường cạnh tranh công bằng thì làm sao có thể tồn tại được. Với thịt nhập khẩu cũng vậy“.
Bình Nguyên