Báo Đồng Nai điện tử
En

Chỉ 1/3 doanh nghiệp nộp thuế điện tử

11:07, 05/07/2015

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc cải thiện môi trường kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đến ngày 30-9-2015 các địa phương cần đạt tối thiểu 90% doanh nghiệp (DN) nộp thuế điện tử.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc cải thiện môi trường kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đến ngày 30-9-2015 các địa phương cần đạt tối thiểu 90% doanh nghiệp (DN) nộp thuế điện tử. Trong khi đó, đã hết tháng 6 nhưng số DN nộp thuế điện tử tại Đồng Nai chỉ mới đạt gần 30%.

Là một tỉnh công nghiệp có lượng DN khá đông, nộp thuế điện tử được cho là hết sức cần thiết để giảm thời gian cho người nộp thuế cũng như giảm áp lực cho cán bộ thuế, nhưng thời gian qua việc triển khai việc này không mấy dễ dàng.

* Doanh nghiệp nhỏ không mặn mà

“Ngao ngán” nhất của chương trình phổ biến thu thuế điện tử hiện nay của ngành thuế nằm ở khối doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Theo phân tích của Cục Thuế, đây là khối DN có trình độ kế toán và hạ tầng công nghệ thông tin thấp nhất, chưa kết nối được với hạ tầng công nghệ thông tin của cục.

Nhiều doanh nghiệp ngoại còn e dè với tính bảo mật của hệ thống thu thuế điện tử của ngành thuế.  Trong ảnh: Công nhân đang dỡ hàng tại Công ty TNHH Sankyu (100% vốn Nhật Bản) ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3.
Nhiều doanh nghiệp ngoại còn e dè với tính bảo mật của hệ thống thu thuế điện tử của ngành thuế. Trong ảnh: Công nhân đang dỡ hàng tại Công ty TNHH Sankyu (100% vốn Nhật Bản) ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3.

Trao đổi về nộp thuế điện tử, anh Nguyễn Xuân Dương, chủ một DN nhỏ sản xuất ván nguyên liệu ở xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom), cho biết anh thuê kế toán với giá trọn gói nên việc báo cáo và nộp thuế do kế toán này thực hiện, do đó anh không quan tâm lắm đến nộp thuế điện tử. Tương tự, chị Phương, chủ DNTN Hoàng Minh Phương (ở phường Tân Biên, TP.Biên Hòa) cũng không biết đến việc nộp thuế điện tử cụ thể ra sao, bởi mọi việc liên quan đến thuế đều được giao cho kế toán thuê. “Là DN nhỏ, nếu tuyển một kế toán riêng thì không đủ việc cho họ làm, nên tôi nhờ một người chuyên làm kế toán thuê cho các DN gần đây thực hiện báo cáo và nộp thuế, mỗi tháng chỉ phải trả tiền công 2 triệu đồng. Nếu kế toán riêng mỗi tháng phải trả 4 - 5 triệu họ mới làm” - chị Phương nói.

Số lượng DN nhỏ và siêu nhỏ của tỉnh hiện khá lớn, thống kê của Cục Thuế Đồng Nai cho thấy có tới 10 ngàn/13 ngàn thuộc dạng DN nhỏ và siêu nhỏ. Đây đang là một “khối băng” làm chậm tiến độ thu thuế điện tử  trong thời gian qua. Chị Phạm Thị Thanh Mai, Phó giám đốc Công ty cổ phần tư vấn thuế, kế toán Luật Việt Á (một trong những DN được Cục Thuế Đồng Nai công nhận là đại lý thuế - ở phường Tân Biên, TP.Biên Hòa), chia sẻ: “Với DN siêu nhỏ, những chi phí phát sinh tưởng chừng là nhỏ lẻ nhưng lại là gánh nặng. Do đó, khi thực hiện nộp thuế qua mạng sẽ phát sinh thêm tiền chữ ký số, nếu người làm kế toán không giải thích kỹ những tiện lợi và hiệu quả để chủ DN hiểu thì họ sẽ không thực hiện”.

* E dè tính bảo mật

Trong khi DN nhỏ và siêu nhỏ còn khá thờ ơ thì nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lại tỏ ra e ngại tính bảo mật của hệ thống nộp thuế điện tử của Việt Nam. Anh Từ Thiện Toàn, Phó giám đốc Vietinbank Nhơn Trạch, cho hay nhiều DN FDI không tin vào tính bảo mật của hệ thống, vì vậy họ rất ngại tham gia. Việc này ngành thuế cần nghiên cứu và có các giải pháp để họ yên tâm.

Đại diện Cục Thuế Đồng Nai cũng đưa ra một số nguyên nhân nữa khiến tiến độ nộp thuế điện tử chậm trong thời gian qua, như: sử dụng phần mềm khai thuế qua mạng làm phần mềm nộp thuế điện tử dẫn đến hạ tầng chưa được đảm bảo; Cục Thuế Đồng Nai được triển khai trong đợt 2 (đợt đầu từ tháng 2-2014) từ tháng 9 nhưng để tích hợp phần mềm phải đến tháng 10 mới thực hiện được; về phía ngân hàng cũng có những ngân hàng chưa thực sự tích cực tham gia việc này. Theo ông Nguyễn Văn Công, trong những tháng tới Cục Thuế Đồng Nai sẽ sử dụng mọi phương án để đạt kết quả như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo ông Nguyễn Văn Công, Cục trưởng Cục Thuế Đồng Nai, sở dĩ các DN còn nghi ngờ tính bảo mật là do DN FDI khi nộp thuế có rất nhiều chữ ký số nhưng phần mềm của Tổng cục Thuế thiết kế chỉ có 2 chữ ký, mặc dù tính bảo mật của chương trình là rất cao nhưng họ vẫn e dè. Ông Công cũng cho biết thêm, việc triển khai nộp thuế điện tử trong khối DN FDI thời gian qua còn gặp một số trở ngại, như: trên địa bàn tỉnh hiện nay cục quản lý thuế 1.700 DN FDI, trong các DN này có nhiều DN quan hệ tín dụng với ngân hàng quốc tế và ngân hàng liên doanh, 2 dạng ngân hàng này Tổng cục Thuế chưa tích hợp phần mềm nên không thực hiện được. Mặt khác một số ngân hàng liên doanh và ngân hàng quốc tế không coi chữ ký số của Việt Nam có tính pháp lý do họ có hệ thống chữ ký số từ ở nước ngoài, trong khi đó chữ ký số là điều kiện ban đầu để  thực hiện nộp thuế điện tử. Bên cạnh đó, một số cơ quan, ban, ngành chưa chấp nhận chứng từ điện tử, nhất là cơ quan thanh tra, kiểm toán. Đơn cử như việc khai thuế qua mạng của tỉnh đã đạt 100%, nhưng khi kiểm tra cơ quan vẫn bắt in tờ khai ra dẫn đến DN thấy phức tạp.

Khắc Giới

 

 

 

 

Tin xem nhiều