Báo Đồng Nai điện tử
En

Bà Somhatai Panichewa, Tổng giám đốc Amata Việt Nam: Chọn Đồng Nai vì chúng tôi đầu tư vào đây rất thành công

10:07, 24/07/2015

Công ty cổ phần Amata Việt Nam vừa được Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái trao giấy chứng nhận đầu tư dự án Khu công nghiệp (KCN) công nghệ cao Long Thành (huyện Long Thành) với tổng vốn gần 300 triệu USD.

Công ty cổ phần Amata Việt Nam vừa được Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái trao giấy chứng nhận đầu tư dự án Khu công nghiệp (KCN) công nghệ cao Long Thành (huyện Long Thành) với tổng vốn gần 300 triệu USD. Trước đó, công ty từng rất thành công với KCN Amata (TP.Biên Hòa). Bà Somhatai Panichewa, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Amata Việt Nam, nhận định công ty sẽ tiếp tục thành công với dự án mới và tự tin thu hút được nhiều nhà đầu tư FDI.

Công ty cổ phần Amata Việt Nam đầu tư xây dựng hạ tầng KCN Amata (TP.Biên Hòa) cách đây gần 20 năm. KCN này được coi là hình mẫu của cả nước trong việc xây dựng và thu hút các nhà đầu tư FDI. Hiện KCN Amata đã thu hút khoảng 120 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư lên đến hơn 1 tỷ USD.

Sẽ nâng tầm cho Amata mới

* Lý do nào khiến bà quyết định tiếp tục chọn đầu tư KCN công nghệ cao Long Thành?

- Chúng tôi chọn Đồng Nai để tiếp tục mở rộng đầu tư là vì đã rất thành công với KCN Amata Biên Hòa. Lần này, với KCN công nghệ cao Long Thành, chúng tôi sẽ nâng tầm để phù hợp với nhu cầu phát triển chung của các nước trong khu vực ASEAN, và đây cũng là mong muốn của tỉnh Đồng Nai. Với KCN Amata Biên Hòa, chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ phía chính quyền địa phương nên quá trình xây dựng và đi vào hoạt động, thu hút đầu tư rất thuận lợi. Tôi coi Amata Biên Hòa là một KCN kiểu mẫu để nhân rộng ra một số tỉnh, thành khác. Còn việc chọn huyện Long Thành để đầu tư tiếp một KCN công nghệ cao vì Long Thành cách TP. Hồ Chí Minh không xa, giao thông thuận tiện. Tới đây, khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành được xây dựng và đi vào hoạt động, cùng với hệ thống giao thông đường bộ ngày càng hoàn thiện sẽ là thuận lớn để thu hút đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghệ cao.

*  KCN công nghệ cao Long Thành sẽ được Amata đầu tư theo mô hình nào?

- Tập đoàn Amata đã đầu tư xây dựng hạ tầng KCN ở một số nước, trong đó có Việt Nam, và chúng tôi khá thành công. Tập đoàn cũng đã xây dựng một KCN công nghệ cao ở Thái Lan tương đối tốt. Từ kinh nghiệm làm KCN công nghệ cao ở Thái Lan, tôi tin tưởng sẽ tiếp tục thành công với KCN công nghệ cao Long Thành. KCN này sẽ được chúng tôi xây dựng hoàn chỉnh về cơ sở hạ tầng, tiện nghi, tiện ích công cộng, nhà xưởng, kho hàng, sân bãi, các công trình xử lý chất thải đạt yêu cầu theo quy định của Chính phủ Việt Nam... Sau đó, chúng tôi mới tiến hành mời gọi các nhà đầu tư FDI đến thuê nhà xưởng, thuê đất để sản xuất.

 * Những ngành nghề nào sẽ được ưu tiên thu hút vào KCN công nghệ cao Long Thành?

- Tôi đã có sẵn mối quan hệ với nhiều tập đoàn lớn trên thế giới sản xuất trong lĩnh vực công nghệ cao và họ đang tìm hiểu để đầu tư vào Việt Nam để hưởng các lợi thế từ những Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã ký kết. Như tôi đã nhắc đến ở trên, địa điểm chúng tôi làm KCN công nghệ cao Long Thành nằm gần đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Với một vị trí thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa KCN sẽ là điểm đầu tư lý tưởng cho các tập đoàn đang muốn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao ở Việt Nam.

Cuối năm nay, Cộng đồng ASEAN chính thức thành lập và chúng tôi cũng đang mong đợi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam - EU, sẽ được ký kết vào cuối năm, đây là cơ hội lớn cho Việt Nam cũng như chúng tôi để thu hút các nhà đầu tư FDI, đặc biệt trên lĩnh vực công nghệ cao. Điều này sẽ rất tốt cho chúng tôi và giúp cho Việt Nam cũng như Đồng Nai sản xuất nhiều mặt hàng có giá trị gia tăng cao.

* Vốn đầu tư cho KCN công nghệ cao Long Thành khoảng 282 triệu USD, cao gấp hơn 20 lần KCN Amata Biên Hòa. Với số vốn đầu tư lớn như vậy, bà mong đợi điều gì?

- Với KCN Amata Biên Hòa chúng tôi đầu tư khoảng 12 triệu USD nhưng thu hút được 120 nhà đầu tư FDI vào xây dựng nhà xưởng, thuê nhà xưởng để sản xuất và số vốn của các nhà đầu tư đã bỏ ra đầu tư nhà xưởng, máy móc, nguyên liệu để sản xuất lên đến hơn 1 tỷ USD. Cũng từ thành công này, tôi quyết định đầu tư thêm KCN công nghệ cao Long Thành và hy vọng khi đi vào hoạt động sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư đến từ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều quốc gia, lãnh thổ khác với số vốn đầu tư gần 2 tỷ USD.

Có thể đẩy nhanh tiến độ dự án

* Tới đây, lao động đáp ứng cho KCN công nghệ cao Long Thành phải hội đủ các tiêu chuẩn nào?

- Khi hoàn thành đi vào hoạt động, KCN công nghệ cao Long Thành sẽ thu hút khoảng 20 ngàn lao động có tay nghề cao. Vì đây là lĩnh vực công nghệ cao nên sẽ đòi hỏi những lao động phải có trình độ, chuyên môn cao mới đáp ứng được nhu cầu của các nhà tuyển dụng. Những lao động đáp ứng được các yêu cầu trên sẽ có công việc ổn định với mức thu nhập khá. Và đương nhiên, tôi sẽ ưu tiên tuyển các lao động tại địa phương trước.

Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành được xây dựng trên địa bàn các xã Tam An, An Phước và thị trấn Long Thành (huyện Long Thành). Dự án có tổng diện tích hơn 410 hécta với tổng vốn đầu tư hơn 282 triệu USD. Dự án được Chính phủ cấp phép ngày 25-6-2015. Đây là khu công nghiệp công nghệ cao đầu tiên của Đồng Nai.

* Từ cuối năm 2014 đến nay, nhiều tập đoàn lớn của nước ngoài đã đến Đồng Nai tìm cơ hội đầu tư để hưởng các ưu đãi về thuế quan từ các FTA. Nhân cơ hội này, bà có dự tính đẩy nhanh tiến độ dự án KCN công nghệ cao Long Thành để đón làn sóng đầu tư từ nước ngoài vào Đồng Nai?

- Theo kế hoạch, dự án KCN công nghệ cao Long Thành sẽ được chia làm 2 giai đoạn để xây dựng: giai đoạn 1 từ năm 2015-2017 và giai đoạn 2 từ năm 2017-2020 và tổng vốn đầu tư trên 282 triệu USD. Tuy nhiên, nếu khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng triển khai nhanh, sớm có đất sạch, công ty sẽ tiến hành đẩy nhanh tiến độ dự án để thu hút các nhà đầu tư.

*  Nhiều năm gắn bó với Đồng Nai, theo bà tỉnh Đồng Nai nên làm gì để việc thu hút đầu tư nước ngoài nhiều hơn nữa và đúng định hướng hơn?

- Theo nhận định của riêng cá nhân tôi thì chính quyền tỉnh Đồng Nai luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, mọi khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư FDI đều được UBND tỉnh kịp thời tháo gỡ. Do đó, phần lớn các nhà đầu tư FDI tại KCN Amata Biên Hòa đều hoạt động hiệu quả, và sau một vài năm họ đều mở rộng sản xuất. Tôi có cơ hội làm việc với một số lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và điều tôi cảm thấy yên tâm nhất khi đầu tư vào tỉnh là có vướng mắc gì đều có thể đăng ký làm việc trực tiếp lãnh đạo tỉnh để bày tỏ và tỉnh chỉ đạo các sở, ngành hỗ trợ tháo gỡ rất nhanh. Song, tôi nghĩ nếu Đồng Nai làm tốt công tác đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng, sớm có đất sạch để nhà đầu tư triển khai dự án sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa trong  thu hút đầu tư nước ngoài. Hiện khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng thường kéo dài vài năm, dẫn đến nhà đầu tư hạ tầng phải chờ đợi, mà dự án chưa xong hạ tầng không thể mời gọi các nhà đầu tư FDI vào thuê đất để làm nhà xưởng sản xuất.

  Xin cảm ơn bà!

Hương Giang (thực hiện)

 

Tin xem nhiều