Hiện nay, một trong những lĩnh vực mà Việt Nam đang gặp thách thức lớn là thiếu nước ngọt. Đó là khẳng định của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải tại hội nghị trực tuyến với ngành tài nguyên - môi trường (TN-MT) vào cuối tháng 1-2013.
Hiện nay, một trong những lĩnh vực mà Việt Nam đang gặp thách thức lớn là thiếu nước ngọt. Đó là khẳng định của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải tại hội nghị trực tuyến với ngành tài nguyên - môi trường (TN-MT) vào cuối tháng 1-2013.
Nhân Ngày Đất ngập nước thế giới (2-2), Đồng Nai cũng như nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã có nhiều hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước. Bởi không có đất ngập nước thì cũng không có nước.
* Nguy cơ thiếu nước
Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế đã được ký ngày 2-2-1971 tại thành phố Ramsar (Iran). Để kỷ niệm ngày trọng đại này, các quốc gia thành viên đã thống nhất chọn ngày 2-2 hàng năm là Ngày Đất ngập nước thế giới. Hàng năm, các quốc gia thành viên của Công ước đã tổ chức kỷ niệm ngày này bằng cách tiến hành các hoạt động khác nhau để nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị, vai trò, lợi ích của đất ngập nước; đồng thời khuyến khích mọi người dân cùng bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước.
Trẻ em ở làng bè La Ngà đi học. Ảnh: H.GIANG |
Năm 1989, Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực phê chuẩn và là quốc gia thứ 163 tham gia Công ước. Kể từ năm 1997 đến nay, kỷ niệm Ngày Đất ngập nước thế giới đã trở thành một hoạt động thường niên của các bộ, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương.
Thực tế, những năm gần đây, nguy cơ thiếu nước ngọt để sinh hoạt và sản xuất càng trở nên trầm trọng. Theo đánh giá của Bộ TN-MT, vào mùa khô, 2/3 lưu vực sông bị khai thác ở mức căng thẳng. Trong đó, sông Đồng Nai là một trong 6 con sông lớn bị khai thác nhiều nhất.
Lý giải vấn đề này, một số nhà khoa học Việt Nam và thế giới cho rằng, khoảng 5-6 năm trở lại đây, Việt Nam là một trong 5 nước chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Vào mùa mưa, lượng mưa lớn nhưng chỉ tập trung trong thời gian ngắn, trong khi mùa khô nắng nóng kéo dài, lại ít có mưa trái mùa nên lượng nước trên các sông giảm mạnh, trong khi nhu cầu sử dụng nước ngọt ngày càng tăng. Kết quả quan trắc của Trung tâm Quan trắc và kỹ thuật môi trường thuộc Sở TN-MT cũng cho thấy, vào mùa khô mực nước ngầm tại nhiều huyện, thị ở vùng cao của tỉnh, như: Tân Phú, Định Quán, Long Khánh… sụt giảm mạnh dẫn đến hàng chục ngàn hộ dân thiếu nước sinh hoạt, sản xuất.
* Tài nguyên cần được bảo vệ
Sớm xác định được tầm quan trọng của tài nguyên nước, Đồng Nai đã triển khai nhiều chính sách để bảo vệ. Cụ thể, trong tháng 1-2013, tỉnh đã công bố rộng rãi quy hoạch tài nguyên nước trên địa bàn để người dân biết cùng góp phần sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên quý này. Bên cạnh đó, hàng năm còn có nhiều hoạt động thiết thực nhằm bảo vệ nguồn nước mặt, nước ngầm. Hiện đã có 24/26 khu công nghiệp đi vào hoạt động đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung, ngoài ra còn đầu tư xây dựng 7 trạm quan trắc tự động và di động để theo dõi chặt chẽ diễn biến chất lượng môi trường nước tại một số khu vực trọng điểm trong tỉnh. Đồng thời, các nhà máy có số lượng nước thải lớn cũng đang tiến hành lắp đặt trạm quan trắc tự động kết nối với Sở TN-MT để dễ dàng cho công tác quản lý, theo dõi và khắc phục ô nhiễm khi thải ra sông.
Lượng nước mặt trên địa bàn tỉnh khoảng 24 tỷ m3/năm. Theo quy hoạch tài nguyên nước đến năm 2020, tỉnh sẽ xây dựng mạng giám sát chất lượng nước mặt 22 vị trí trên địa bàn của các huyện: Tân Phú, Định Quán, Vĩnh Cửu, Long Thành, Nhơn Trạch, Xuân Lộc và TP. Biên Hòa nhằm đánh giá tiềm năng và trữ lượng có thể khai thác của nước dưới đất trên 12 tiểu lưu vực của tỉnh làm cơ sở hoạch định giải pháp tạo nguồn bổ sung; đồng thời bảo vệ nghiêm ngặt rừng đầu nguồn. |
Ông Võ Văn Chánh, Phó giám đốc Sở TN-MT cho biết: “Hiện sở đã có kế hoạch gửi các sở, ngành, địa phương đề nghị tiến hành các hoạt động hưởng ứng Ngày Đất ngập nước thế giới như: tổ chức hội thảo, hội nghị, các cuộc thi, triển lãm để cộng đồng cùng góp phần bảo tồn, phát triển bền vững các vùng đất ngập nước. Thời gian phát động các hoạt động hưởng ứng từ ngày 2-2 đến 15-3”. Từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã cho rà soát lại tất cả các giếng ngầm không sử dụng tại các địa phương và hỗ trợ kinh phí trám lấp để bảo vệ nguồn nước ngầm. Những khu vực đã có nước máy thì cấm mọi hoạt động khai thác nước ngầm.
Hương Giang