Một thị trường “ăn theo” đang xuất hiện khi đám đông ngày một cuồng nhiệt với các nhân vật phim hoạt hình bom tấn chiếu rạp.
Một thị trường “ăn theo” đang xuất hiện khi đám đông ngày một cuồng nhiệt với các nhân vật phim hoạt hình bom tấn chiếu rạp.
Lò đào tạo quái vật được chờ đợi sẽ tạo cơn sốt mới cho hoạt hình. |
Đập vào mắt người mua ở các cửa hàng đồ chơi, đồ lưu niệm những ngày này, là hình ảnh đội quân những chú Minion da vàng, đầu trọc, đeo kính bảo hộ và mặc bộ áo jean xanh liền quần. Các chú vừa bước ra từ Kẻ trộm mặt trăng 2, bộ phim ăn khách nhất mùa hè 2013 tại Việt Nam và thế giới.
* Từ phim “chỉ dành cho con nít”...
Cơn sốt nối dài từ màn ảnh ra đời thật, mà mọi người đang chứng kiến, vốn dĩ là điều mà truyện tranh manga Nhật Bản đã từng làm được cách nay hơn một thập niên với loạt nhân vật Doraemon, Songoku, Conan... Có khác chăng là dưới tác động của một thị trường thính nhạy hơn với cơ hội khai thác niềm yêu thích của đám đông, tốc độ xuất hiện của các chú Minion trong đời thật đã nhanh hơn rất nhiều, với đầy đủ các biến thể nhằm dễ dàng đưa hình ảnh các chú vào trong vật dụng hàng ngày hoặc quà tặng.
Không quá khó để thấy phim hoạt hình, với mức độ phân loại khán giả không hạn chế, đang chính là thể loại làm thay đổi diện mạo của ngành nhập phim. Chúng là những thương vụ béo bở, được cả phía đối tác Việt Nam lẫn Hollywood cố gắng chăm chút để hội đủ ba yếu tố hốt bạc ở phòng vé: phim bom tấn 3D + phát hành cùng ngày với Bắc Mỹ + được lồng tiếng Việt. |
Sự lên ngôi của các nhân vật khai sinh từ trí tưởng tượng và bàn tay khéo léo của các họa sĩ làm phim ở Hollywood dường như là điều đã được báo trước từ cách nay 5 năm. Còn nhớ năm 2008, hệ thống rạp chiếu khắp cả nước bất ngờ đón nhận thành công của Kungfu Panda, bộ phim về chú gấu mập Po hậu đậu bất ngờ được chọn làm truyền nhân kungfu. Ông Brian Hall, giám đốc điều hành hệ thống rạp Megastar nhớ lại, khi quyết định nhập phim này, nhiều người đã khuyên ông không nên đem Kungfu Panda vào Việt Nam. Ở thời điểm ấy, lời can ngăn là có cơ sở bởi thực tế khán giả chưa có thói quen ra rạp xem phim hoạt hình, và thể loại này còn đang gánh chịu định kiến là “phim chỉ dành cho con nít ngồi nhà xem trên tivi”. Bằng chứng của lời can ngăn này là thất bại nặng nề của phim Ice Age 2: The Meltdown phát hành năm 2006. Dù hình vẽ rất đẹp, nội dung vui nhộn, hợp với mọi lứa tuổi, nhưng Ice Age 2 chỉ kiếm được vẻn vẹn 25 ngàn USD ngoài phòng vé. Tuy nhiên, nhờ các yếu tố gần gũi về văn hóa, câu chuyện hài hước và cảm động, được thể hiện bằng kỹ xảo hoành tráng, Kungfu Panda đã làm được điều nhỏ bé đầu tiên: kéo người lớn và trẻ em ra rạp cùng ngồi xem chung một phim hoạt hình!
*...Thành bom tấn phòng vé
Có thể nói Kungfu Panda gần như là hình ảnh minh chứng cho bước tiến dài của phim hoạt hình trên màn ảnh Việt. Bộ phim đi từ con số khiêm tốn 364 ngàn USD mà phần 1 kiếm được trong toàn bộ đợt chiếu kéo dài suốt mùa hè năm 2008, đến con số 2,67 triệu USD của phần 2 ra mắt ba năm sau đó. Từ đó đến nay, những phim hoạt hình như: Megamind, How to Train Your Dragon, Shrek Forever After, Toy Story 3, Rio, Tangle, Brave... đã thay phiên nhau trở thành bom tấn phòng vé, đe dọa cả những bộ phim người hùng hành động lấy kỹ xảo thị uy.
Các Minion - những “nhân vật” được yêu thích trong Kẻ trộm mặt trăng 2. |
Không quá khó để thấy phim hoạt hình, với mức độ phân loại khán giả không hạn chế, đang chính là thể loại làm thay đổi diện mạo của ngành nhập phim. Chúng là những thương vụ béo bở, được cả phía đối tác Việt Nam lẫn Hollywood cố gắng chăm chút để hội đủ ba yếu tố hốt bạc ở phòng vé: phim bom tấn 3D + phát hành cùng ngày với Bắc Mỹ + được lồng tiếng Việt. Một tiết lộ từ Tập đoàn Megastar cho biết, việc chuẩn bị lồng tiếng Việt cho Kẻ trộm mặt trăng 2 được tiến hành trước ngày phát hành khoảng 3 tháng, thậm chí khi phim còn đang ở bản thô. Để mời các sao Việt và duy trì nhóm làm việc gồm 6 người (trong đó có một giám sát từ Hollywood), chi phí cho việc lồng tiếng thường lên tới 1 tỷ đồng, nhưng bù lại tiền vé từ bản lồng tiếng luôn chiếm 60-70% tổng doanh thu phim. Một bài học có thể rút ra trong ngành giải trí hôm nay: Khi niềm yêu thích mang tính tập thể đã được khơi dậy, vấn đề còn lại là khai thác.
Nam Vũ