Là vùng kinh tế lớn nhất cả nước và có dư nợ tín dụng chiếm tỉ trọng khoảng 35% cả nước, thế nhưng tăng trưởng tín dụng tại khu vực Đông Nam bộ (ĐNB) trong quý I vừa qua lại chậm hơn mức tăng trưởng chung của cả nước.
Là vùng kinh tế lớn nhất cả nước và có dư nợ tín dụng chiếm tỉ trọng khoảng 35% cả nước, thế nhưng tăng trưởng tín dụng tại khu vực Đông Nam bộ (ĐNB) trong quý I vừa qua lại chậm hơn mức tăng trưởng chung của cả nước.
Nhiều ngân hàng trong tỉnh triển khai các gói ưu đãi, hỗ trợ tín dụng cho người dân, doanh nghiệp trong thời gian qua. Trong ảnh: Hoạt động giao dịch tại một chi nhánh ngân hàng thương mại ở TP.Biên Hòa. Ảnh: HẢI HÀ |
Trong bối cảnh tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp (DN) cần sớm tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nhất là các chương trình tín dụng với lãi suất ưu đãi, chương trình cơ cấu lại thời hạn trả nợ để duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
* DN mong sớm tiếp cận nguồn vốn vay
Trong bối cảnh khó khăn, nhiều DN đang phải duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh mà không có lợi nhuận, thậm chí thua lỗ. Do đó, nhiều DN, hiệp hội đã kiến nghị ngành ngân hàng cần đưa ra nhiều giải pháp về vốn, tín dụng để giải quyết vốn lưu động, thanh toán ngắn hạn cho các DN, hỗ trợ DN trong việc hoãn, giãn, giữ nguyên nhóm nợ đối với những khách hàng, DN gặp khó khăn.
Đại diện một DN về gỗ ở tỉnh Bình Dương chia sẻ, việc tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi, hỗ trợ DN vẫn cần thêm cầu nối giữa ngân hàng và DN. Với tình hình xuất khẩu gặp nhiều khó khăn như hiện nay, các DN ngành gỗ mong muốn ngành ngân hàng có thêm những chính sách hỗ trợ, nhất là các gói giảm lãi suất vay vốn, cơ cấu lại thời gian trả nợ. Đây là giải pháp giúp DN duy trì sản xuất, từng bước phục hồi.
Theo NHNN Việt Nam, tại khu vực ĐNB, đến hết quý I-2023, huy động vốn đạt trên 4,1 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 1/3 vốn huy động toàn quốc, giảm 0,75% so với cuối năm 2022 (thấp hơn mức tăng chung của cả nước quý I là 1,24%); tín dụng đạt gần 4,3 triệu tỷ đồng, chiếm gần 35% dư nợ toàn quốc, tăng 1,72% so với cuối năm 2022 (thấp hơn mức tăng chung của cả nước quý I là 2,61%). |
Nhiều ý kiến của DN cho rằng, cần có các phương án tháo gỡ khó khăn về vốn, tín dụng để giải quyết vốn lưu động, thanh toán ngắn hạn cho các DN; các cơ chế, chính sách về giãn nợ, cơ cấu lại thời gian trả nợ. Đối với các khoản vay mới, nhiều ý kiến đề nghị các ngân hàng nghiên cứu các điều kiện phù hợp như: định giá tài sản thế chấp, tỷ lệ giải ngân/tài sản, thẩm định phương án kinh doanh… để các DN có thể sớm tiếp cận nguồn vốn vay duy trì, phục hồi sản xuất.
Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai Lê Bạch Long chia sẻ, nhiều DN mong muốn được tiếp cận các chương trình hỗ trợ lãi suất vay để có thêm vốn phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, nhiều DN chờ đợi các ngân hàng có phương án giảm lãi suất đối với các khoản vay hiện hữu, đặc biệt là đối với những ngành, lĩnh vực được hỗ trợ, ưu tiên; chương trình hỗ trợ lãi suất 2%…
* Triển khai nhanh các chương trình hỗ trợ tín dụng
Ngày 11-5 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã phối hợp với UBND TP.HCM tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho các DN khu vực ĐNB nhằm ổn định sản xuất, kinh doanh. Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng yêu cầu, các đơn vị trong ngành ngân hàng điều hành chính sách tiền tệ bám sát diễn biến của thị trường. Các tổ chức tín dụng phải đồng hành với DN và người dân bằng cách giảm lãi suất.
Theo đó, về tín dụng, cần tiếp tục hướng dòng vốn vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Đồng thời, tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù đối với một số ngành, lĩnh vực theo chỉ đạo của Chính phủ.
Đồ họa thể hiện mức huy động vốn, dư nợ tín dụng tại khu vực Đông Nam bộ và tỷ trọng mức huy động vốn, dư nợ tín dụng của khu vực Đông Nam bộ so với cả nước tính đến hết quý I-2023 (Nguồn: Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Đồ họa: Hải Hà) |
Bên cạnh đó, NHNN Việt Nam cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo quy định tại Thông tư 02/2023/TT-NHNN (gọi tắt là Thông tư 02) của NHNN Việt Nam. Nhanh chóng triển khai chương trình kết nối ngân hàng - DN, tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN trong tiếp cận vốn tín dụng.
Tại Đồng Nai, Phó giám đốc NHNN Việt Nam chi nhánh Đồng Nai Phạm Quốc Bảo chia sẻ, ngay sau khi Thông tư 02 được ban hành, chi nhánh đã triển khai kịp thời đến các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện và yêu cầu khẩn trương xây dựng và ban hành các quy định nội bộ về tiêu chuẩn đánh giá khách hàng và triển khai ngay gói hỗ trợ cơ cấu thời hạn trả nợ trong thời gian sớm nhất.
NHNN Việt Nam chi nhánh Đồng Nai sẽ theo dõi công tác triển khai thực hiện Thông tư 02 của các tổ chức tín dụng, kịp thời báo cáo những vấn đề phát sinh, đánh giá thực trạng khó khăn, vướng mắc về hoạt động tín dụng khi triển khai thông tư này (nếu có).
Thời gian qua, nhiều hệ thống ngân hàng thương mại đã triển khai các chương trình giảm lãi suất nhằm hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế. Đơn cử, hệ thống Vietcombank giảm tới 0,5%/năm lãi suất đối với các khoản vay VNĐ cho toàn bộ khoản vay của khách hàng cá nhân và DN với thời gian áp dụng trong 3 tháng, từ ngày 1-5-2023 đến hết 31-7-2023 (không áp dụng với các khoản vay chứng khoán, vay kinh doanh bất động sản…).
Hệ thống Agribank cũng công bố chương trình tín dụng giảm 1,5%/năm lãi suất cho vay bằng VNĐ và 1%/năm cho khoản vay bằng USD, áp dụng từ ngày 15-3 đến hết tháng 6-2023. Ngoài ra, mới đây Agribank tiếp tục giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với dư nợ trung dài hạn hiện hữu của khách hàng, thời gian áp dụng từ ngày 15-5-2023 đến hết 30-9-2023.
Hải Quân