Sự phát triển nhanh của công nghệ đã tác động lớn đến thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Điều này mở ra nhiều loại mua sắm, tiêu dùng, các hoạt động bán hàng, tiếp thị đa kênh, rút ngắn khoảng cách về địa lý giữa các địa phương trong khu vực.
Sự phát triển nhanh của công nghệ đã tác động lớn đến thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Điều này mở ra nhiều loại mua sắm, tiêu dùng, các hoạt động bán hàng, tiếp thị đa kênh, rút ngắn khoảng cách về địa lý giữa các địa phương trong khu vực.
Người dân trải nghiệm các ứng dụng thanh toán số bên lề hội thảo Chuyển đổi số doanh nghiệp TP.Biên Hòa năm 2022. Ảnh: Hải Hà |
Việc thúc đẩy các kênh bán hàng, tiêu dùng đa kênh là giải pháp được các địa phương, doanh nghiệp (DN) thúc đẩy nhằm kết nối phục hồi sản xuất, mở rộng thị trường, trong đó có các địa phương khu vực Đông Nam bộ và các tỉnh, thành phía Nam.
* Nhiều trải nghiệm mua sắm trên nền tảng số
Xu hướng mà nhiều DN, nhà bán lẻ trong lĩnh vực thương mại đang triển khai hiện nay là mở rộng kênh bán hàng, đưa sản phẩm lên nhiều nền tảng kinh doanh khác nhau, tận dụng sức mạnh của các kênh bán hàng trực tuyến. Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra trên mọi lĩnh vực thì ngành bán lẻ dần thích ứng thông qua các dịch vụ mua sắm, giải trí, sáng tạo nội dung số đi kèm với tiếp thị sản phẩm như các sàn thương mại điện tử (TMĐT) Shopee, Lazada..., hay TikTok Shop đang ứng dụng.
Thời đại công nghệ phát triển nhanh nên các hình thức kinh doanh, thương mại cũng đã thay đổi nhiều so với trước. Hiện nay, người mua hàng đã trở thành “người tiêu dùng kỹ thuật số”, vừa duy trì các kênh mua truyền thống, vừa gia tăng đặt hàng, sử dụng các nền tảng TMĐT và mua sắm trực tuyến. Đặc biệt, mua hàng online trên đa kênh mang lại nhiều trải nghiệm ấn tượng và mới mẻ cho người tiêu dùng như xem live stream, nhạc hội, vừa được tích lũy nhiều ưu đãi vào các ngày sale đôi (3-3, 8-8, 11-11...).
CEO Công ty AccessTrade Việt Nam ĐỖ HỮU HƯNG chia sẻ, trong bối cảnh kinh tế ngày càng hội nhập, khoa học công nghệ ngày càng phát triển, nhu cầu chuyển đổi số là sống còn đối với nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực thương mại, bán lẻ. Điều này mở ra không gian tăng trưởng mới cho các DN, đặc biệt là các kênh tiêu dùng trực tuyến. |
Tại diễn đàn Kết nối DN đồng hành chuyển đổi số công thương diễn ra vào cuối năm 2022, Giám đốc Marketing Công ty CP Công nghệ Haravan Nguyễn Mạnh Tấn - một công ty xây dựng nền tảng kinh doanh đa kênh chia sẻ, xu hướng tiêu dùng, hành vi mua sắm của người tiêu dùng đã có nhiều thay đổi, nhất là sau những tác động của đại dịch Covid-19. Điều này đòi hỏi các DN, nhất là các DN nhỏ và vừa cần chủ động chuyển đổi số, phát triển mô hình kinh doanh online để tiếp cận khách hàng trên nền tảng số, phải tìm hiểu kỹ “hành trình” mua sắm trực tuyến của khách hàng để có các kênh tiếp thị, bán hàng phù hợp.
Cũng theo ông Tấn, một trong những xu hướng tiêu dùng mới, ngày càng được nhiều DN theo đuổi và người tiêu dùng quan tâm đó là mô hình kinh doanh D2C (Direct-to-Consumer - tạm dịch: bán hàng trực tiếp tới người tiêu dùng). Xu hướng này có nhiều ưu điểm như: DN có thể trực tiếp tiếp cận khách hàng mà không bị can thiệp bởi các bên trung gian, cắt giảm các chi phí phát sinh không đáng có, trực tiếp nắm bắt những trải nghiệm của khách hàng.
Chị Thùy Linh (P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) cho biết: “Người tiêu dùng ngày nay có thể chủ động, linh hoạt trong việc mua sắm và lựa chọn kênh mua sắm, tiêu dùng. Hầu hết các cửa hàng, thương hiệu bán lẻ, thậm chí các cửa hàng ăn uống đều đang kinh doanh trên ít nhất 2 kênh - tại cửa hàng và một số kênh online. Điều này không chỉ giúp chủ cửa hàng ngành bán lẻ mở rộng kinh doanh, vận hành hiệu quả mà còn giúp người tiêu dùng được trải nghiệm, mua sắm nhanh chóng, tiện lợi hơn dù lúc nào và ở đâu”.
* Xây dựng hệ sinh thái tiêu dùng số
Thời gian qua, các tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ đã chủ động phát triển và đưa các sàn TMĐT của địa phương vào vận hành. Đơn cử như các sàn TMĐT của Đồng Nai, Bình Dương, Long An… Các sàn này được thiết kế là một sàn giao dịch TMĐT đa chức năng, kết hợp các mô hình kinh doanh như B2B (mô hình kinh doanh TMĐT trong đó giao dịch xảy ra trực tiếp giữa các DN với nhau); B2C (mô hình giao dịch, mua - bán giữa DN với người tiêu dùng cuối cùng).
Tại hội thảo Thương mại điện tử - Xu thế phát triển bền vững diễn ra trong chuỗi hoạt động của Techfest 2022 tổ chức tại tỉnh Bình Dương, nhiều chuyên gia cho rằng, kinh doanh TMĐT là “cuộc chiến” về chiến lược tư duy bền vững. Đặc biệt, trước những diễn biến phức tạp của nền kinh tế, các DN ở địa phương nên có những bước chuyển đổi số khi đưa ra các chiến lược kinh doanh dài hạn. Điều này giúp DN “giữ sức đường dài” để phục vụ người tiêu dùng tốt nhất, đặc biệt là những nhóm DN kinh doanh đa kênh, đa nền tảng.
Tại Đồng Nai, thời gian qua, nhiều DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh đã quan tâm hơn tới việc phát triển đa dạng các kênh bán hàng, tiếp thị, nhất là các kênh trên các nền tảng số. Bên cạnh website quảng bá, nhiều DN, cơ sở kinh doanh còn phát triển các trang mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm.
Ông Ngô Thanh Long, đại diện Cơ sở sản xuất rượu vang thanh long Anna (H.Thống Nhất) cho hay, cơ sở chú trọng các bài viết chuẩn SEO (tối ưu hóa công cụ tìm kiếm), phù hợp với thuật toán của Google, triển khai chạy quảng cáo trên Facebook, Google Ads… để thông tin về sản phẩm của cơ sở xuất hiện nhiều hơn trên các công cụ tìm kiếm, từ đó tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng.
Trao đổi tại diễn đàn Kết nối DN đồng hành chuyển đổi số công thương năm 2022, bà Lại Việt Anh, Phó cục trưởng Cục TMĐT và kinh tế số cho rằng, cần có giải pháp kết nối các đơn vị cung cấp giải pháp chuyển đổi số uy tín để đồng hành, hỗ trợ quá trình chuyển đổi của DN. Trong đó, xây dựng hệ sinh thái chuyển đổi số công thương sẽ tạo thêm một kênh hỗ trợ thiết thực và hiệu quả cho các DN ngành Công thương trong thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. Qua đó, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, vượt qua khó khăn, thách thức, hướng tới phát triển DN bền vững trên nền tảng số…
Hải Quân