Báo Đồng Nai điện tử
En

Kết nối cộng đồng khởi nghiệp miền Đông

08:07, 16/07/2022

Đông Nam bộ là nơi phát triển kinh tế sôi động nhất cả nước nên có điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp hình thành và phát triển. Cùng với TP.HCM, các địa phương như: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước… ngày càng được đánh giá cao trong công tác khuyến khích, thúc đẩy khởi nghiệp.

Đông Nam bộ là nơi phát triển kinh tế sôi động nhất cả nước nên có điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp hình thành và phát triển. Cùng với TP.HCM, các địa phương như: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước… ngày càng được đánh giá cao trong công tác khuyến khích, thúc đẩy khởi nghiệp.

Các doanh nghiệp ở Đông Nam bộ tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại Khu trưng bày  sản phẩm của doanh nghiệp khởi nghiệp đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao bên lề  lễ công bố Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2022. Ảnh: L.Phương
Các doanh nghiệp ở Đông Nam bộ tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại Khu trưng bày sản phẩm của doanh nghiệp khởi nghiệp đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao bên lề lễ công bố Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2022. Ảnh: L.Phương

* Đẩy mạnh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Trong những năm qua, các địa phương Đông Nam bộ đã thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) với nhiều phong trào, cuộc thi, hoạt động kết nối, tư vấn về khởi nghiệp…

Là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế và tạo dựng DN, Đồng Nai đang xây dựng kế hoạch hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.

Mục tiêu của chương trình là thúc đẩy hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình DN có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới, tập trung vào các ngành, lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tạo điều kiện thuận lợi hình thành ý tưởng, hiện thực và thương mại hóa các ý tưởng, dự án thông qua các cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp ĐMST, hỗ trợ các tổ chức khởi nghiệp ĐMST. Tăng cường liên kết trong hệ sinh thái khởi nghiệp, các cộng đồng khởi nghiệp, kết nối các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư.

Phó chủ tịch Hội đồng Tư vấn khởi nghiệp quốc gia phía Nam HUỲNH THANH VẠN chia sẻ, trong thời gian qua, các địa phương như: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương… có nhiều chương trình hỗ trợ khởi nghiệp từ Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên của địa phương. Đây là những kênh hỗ trợ khởi nghiệp sát sườn, mang lại hiệu quả, đa dạng các hình thức kết nối, tư vấn về khởi nghiệp…

Sở KH-CN là đơn vị được UBND tỉnh giao nhiệm vụ chủ trì phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của Đồng Nai. Giám đốc Sở KH-CN Lại Thế Thông cho biết, những năm qua, tỉnh đã nỗ lực kết nối các thành tố khởi nghiệp. Từ kết nối các nguồn lực trong vùng cho tới kết nối con người với nhau, đồng thời liên kết giữa Nhà nước, nhà trường và DN để hình thành nên các trung tâm khởi nghiệp ĐMST. Sở KH-CN đang phối hợp cùng với các trường đại học, cao đẳng để xây dựng các vườm ươm, các khu ươm tạo cho các dự án khởi nghiệp tại các trường.

Tương tự, tỉnh Bình Dương luôn quan tâm đến vấn đề xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, trong đó tỉnh đã hình thành được Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và hỗ trợ khởi nghiệp với sứ mệnh phục vụ cộng đồng, người dân, DN và thúc đẩy khởi nghiệp Bình Dương.

Mới đây, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Kế hoạch thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ và ĐMST trên địa bàn tỉnh năm 2022. Theo đó, mục tiêu của kế hoạch nhằm thúc đẩy khởi nghiệp ĐMST và phát triển thị trường KHCN trên địa bàn; tăng cường mối quan hệ liên kết trong mạng lưới ĐMST quốc gia, quốc tế nhằm góp phần nâng cao năng lực ĐMST các thành phần trong hệ sinh thái; tăng cường vai trò kết nối, hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo toàn tỉnh của Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh và phòng thí nghiệm chế tạo (Fablab) tại trung tâm này…

Phó chủ tịch Hội đồng Tư vấn khởi nghiệp quốc gia phía Nam Huỳnh Thanh Vạn chia sẻ, trong thời gian qua, hoạt động tư vấn, kết nối về hướng nghiệp đổi mới tại các tỉnh, thành Đông Nam bộ diễn ra khá sôi nổi. Nhiều hoạt động được triển khai trở lại sau thời gian bị ảnh hưởng, gián đoạn bởi dịch bệnh Covid-19.

Trong đó, nhiều hoạt động tư vấn về khởi nghiệp ĐMST, tư vấn về khởi nghiệp, kinh doanh liêm chính… được triển khai. Bên cạnh đó, các cuộc thi về khởi nghiệp ĐMST, Ngày hội khởi nghiệp ĐMST (Techfest)… cũng được các địa phương trong khu vực triển khai. Đây chính là những tiền đề để phát triển, mở rộng mạng lưới hệ sinh thái ĐMST, giúp cho các sinh viên, DN trẻ có điều kiện trau dồi, phát triển các kỹ năng về kinh doanh, quản trị, khởi sự DN…

* Chủ động kết nối mạng lưới khởi nghiệp

Để hoạt động khởi nghiệp được lan tỏa, tạo hiệu ứng cao thì bên cạnh các chương trình kết nối khởi nghiệp ở từng địa phương, hoạt động khởi nghiệp cần được liên kết với các địa phương khác, tăng cường kết nối vùng để tạo thêm động lực cùng phát triển, phát huy các thế mạnh của các địa phương…

Giám đốc Sở KH-CN Đồng Nai Lại Thế Thông cho biết thêm, trong thời gian tới, Đồng Nai mong muốn học hỏi được những kinh nghiệm hay từ các địa phương lân cận và trên cả nước, tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh, đồng thời thu hút được sự tham gia của các DN khởi nghiệp, nhà đầu tư, chuyên gia tốt nhất tại Việt Nam cũng như trên thế giới…

Đánh giá về sự cần thiết phải hợp tác, liên kết giữa các địa phương trong khu vực với nhau, TS Nguyễn Văn Tân, thành viên Hội đồng Cố vấn khởi nghiệp ĐMST quốc gia, Trưởng bộ phận khởi nghiệp Trường đại học Lạc Hồng, cho rằng cần xây dựng mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp.

Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Vfarm (TP.Biên Hòa) LÊ THỊ CẨM VÂN cho hay, bà đi lên từ cuộc thi khởi nghiệp cấp tỉnh, hướng tới các dòng sản phẩm thân thiện môi trường. Để có thể phát triển DN của mình, bà học hỏi và lấy cảm hứng từ các công ty đi trước, từ đó mở rộng kinh doanh ra các khu vực lân cận, trong đó có vùng Đông Nam bộ, phấn đấu phát triển thị trường cả ở nước ngoài. Theo bà Vân, ngoài sự nỗ lực của mình, cộng đồng DN khởi nghiệp rất cần sự hỗ trợ từ phía các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương thông qua những chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm…, đó là cơ hội cho các sản phẩm của DN quảng bá với công chúng.

Theo TS Tân, để đạt được những thành quả bền vững hơn trong việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, tỉnh Đồng Nai nói riêng và vùng Đông Nam bộ nói chung, các cơ quan chức năng cần thúc đẩy hình thành mạng lưới cố vấn khởi nghiệp ĐMST địa phương trên địa bàn để kết nối các cấu phần của hệ sinh thái và hỗ trợ, trong đó có hỗ trợ về vốn đầu tư cho các dự án.

Cuối tháng 3-2022, Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao trao chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2022 do người tiêu dùng bình chọn cho 524 DN. Một điểm đáng lưu ý trong đợt bình chọn lần này là có 87 DN đạt danh hiệu lần đầu, trong đó tập trung nhiều vào các DN đạt OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm), DN khởi nghiệp hoặc DN đã áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế trong thực hành sản xuất…

Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao Vũ Kim Hạnh chia sẻ, bên cạnh các thương hiệu hàng Việt đã lớn mạnh, tinh thần hàng Việt cần được nhân rộng tới các DN nhỏ và vừa, DN trẻ trong nước để vươn lên phát triển về quy mô, thương hiệu. Trong thời gian tới, Hội sẽ chú trọng các hoạt động kết nối nhóm các DN Việt dẫn đầu, đã tạo được thương hiệu lớn mạnh chia sẻ với nhóm các DN nhỏ và vừa, DN trẻ, DN khởi nghiệp ở các địa phương… để nhóm này có thể học hỏi thêm những kinh nghiệm, bài học về quản trị, vận hành, phát triển thương hiệu từ các DN đi trước, kết nối các DN ở các thành phố lớn như TP.HCM với các DN địa phương.   

Bên cạnh hệ thống các chính sách khuyến khích hoạt động ĐMST ở mọi lĩnh vực, phong trào khởi nghiệp ở các tỉnh, thành Đông Nam bộ còn nhận được nhiều lợi ích từ các nguồn quỹ hỗ trợ của DN...

Đơn cử, Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai là một trong những đơn vị tiềm năng thúc đẩy phong trào khởi nghiệp của địa phương. Hiện nay, Hội tiếp tục triển khai Quỹ Hỗ trợ cho vay khởi nghiệp nhằm hỗ trợ cho những bạn trẻ trên có dự án khả thi nhưng thiếu vốn, kinh nghiệm và quản lý. Hội cũng tiếp tục duy trì quỹ tương trợ do các hội viên đóng góp với mục đích hỗ trợ, đáp ứng nhu cầu cần vốn cấp bách của các DN hội viên.

Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai Lê Bạch Long cho biết, cùng với thi đua sản xuất, kinh doanh, Hội đã lồng ghép các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, kết nạp các DN mới, doanh nhân khởi nghiệp vào Hội để cùng giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác phát triển.

Thời gian tới, Hội sẽ đẩy mạnh các hoạt động liên kết, hợp tác giữa các hội viên trong tỉnh với hội viên các tỉnh, thành phố trong khu vực và toàn quốc; giao lưu xúc tiến thương mại với Hội Doanh nhân trẻ các tỉnh bạn, với Hiệp hội DN khu vực phía Nam. Qua đó, giúp hội viên, nhất là các DN khởi nghiệp có cơ hội quảng bá thương hiệu, mở rộng mối liên kết, hợp tác kinh doanh trong và ngoài tỉnh.

Lam Phương - Vương Thế

Tin xem nhiều