Báo Đồng Nai điện tử
En

Liên kết phát triển du lịch xanh

Ngọc Liên
08:17, 04/01/2025

Vùng Đông Nam Bộ (ĐNB) gồm các tỉnh, thành: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh vừa cùng nhau điểm lại những kết quả của một năm liên kết, thúc đẩy phát triển du lịch cấp vùng. Từ đó, các địa phương tiếp tục gắn kết, hướng đến phát triển du lịch vùng bền vững.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng (giữa) cùng lãnh đạo các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ tham quan mô hình Sân bay Long Thành tại Hội nghị Sơ kết liên kết phát triển du lịch Đông Nam Bộ 2024. Ảnh: N.Liên

Những vấn đề về đầu tư hạ tầng, sản phẩm du lịch cũng như các hoạt động xúc tiến, quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực… được rà soát, đánh giá và rút ra những bài học kinh nghiệm chung trong liên kết phát triển du lịch vùng ĐNB nói chung và từng địa phương nói riêng một cách bền vững.

Tăng cường liên kết vùng

Năm 2024, Sở Văn hóa, thể thao và du lịch (VHTTDL) các tỉnh, thành phố trong vùng ĐNB đã chủ động triển khai, phối hợp thực hiện các nội dung ký kết, có vận dụng sáng tạo theo hướng hợp tác song phương, đa phương, khai thác lợi thế cạnh tranh của mỗi địa phương để tạo những sản phẩm du lịch liên kết, có sức hấp dẫn, góp phần kéo dài thời gian lưu trú, nâng mức chi tiêu của khách du lịch, thúc đẩy sự hồi phục của du lịch của các tỉnh, thành trong vùng.

Nhiều sản phẩm du lịch độc đáo của từng địa phương cũng như sản phẩm du lịch liên kết cấp vùng đã được xây dựng và triển khai hiệu quả.

Phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng cho biết, với vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, thành phố luôn ý thức rõ trách nhiệm dẫn dắt trong việc xây dựng chiến lược phát triển du lịch bền vững cho toàn vùng. Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch xanh, Thành phố Hồ Chí Minh cam kết dẫn đầu trong việc triển khai các dự án liên kết vùng, từ việc xây dựng các tuyến du lịch xanh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đến việc thúc đẩy các chính sách ưu đãi đầu tư cho các dự án bền vững.

Phó giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Đỗ Phước Trung cho rằng, để thực hiện hiệu quả Thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng ĐNB giai đoạn 2020-2025 cần tiếp tục tập trung khảo sát, hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch, chương trình du lịch trở thành bản đồ du lịch chung cho vùng. Tăng cường công tác trao đổi, thông tin về công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực du lịch, trong đó chú trọng công tác quy hoạch, kế hoạch dài hạn của vùng. Ngoài ra, các địa phương cần tập trung phát triển và liên kết sản phẩm du lịch nổi bật để doanh nghiệp du lịch hình thành tour, tuyến du lịch liên kết vùng. Đồng thời, tăng cường thực hiện công tác truyền thông quảng bá, xúc tiến về du lịch vùng ĐNB cũng như công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho ngành du lịch.

Phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng nhấn mạnh, phát triển du lịch xanh, bền vững không chỉ giúp bảo vệ môi trường, mà còn nâng cao giá trị kinh tế, văn hóa, xã hội cho vùng ĐNB. Do đó, du lịch vùng ĐNB cần hướng đến “xanh hơn - sạch hơn - bền vững hơn” trong suốt quá trình phát triển những năm tiếp theo.

Đa dạng hóa các sản phẩm

Dựa trên thế mạnh, tiềm năng du lịch, các địa phương vùng ĐNB đã phát triển thêm nhiều sản phẩm du lịch, tạo sự đa dạng, thu hút du khách tham gia nhiều hơn. Thời gian qua, nhiều sản phẩm du lịch nổi bật của vùng thu hút du khách như: Khu du lịch quốc gia Côn Đảo của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen của Tây Ninh thu hút hàng triệu du khách; Khu du lịch Sơn Tiên của Đồng Nai được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận 11 công trình đạt kỷ lục…

Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bình Dương Bùi Hữu Toàn chia sẻ, trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái với quy mô lớn, gắn với các hoạt động du lịch sinh thái, tham quan, trải nghiệm. Bình Dương còn có thế mạnh về cây ăn trái và chăn nuôi được phát triển ở Thuận An, Bến Cát, Dầu Tiếng, Phú Giáo, Tân Uyên và Bắc Tân Uyên… Cùng với 4 khu nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn thành phố Tân Uyên và huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương đang có đủ các điều kiện thuận lợi để hình thành những điểm đến hấp dẫn, sản phẩm du lịch nông nghiệp thu hút khách du lịch.

Chia sẻ những thông tin, tiềm năng và lợi thế của Đồng Nai, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng nhấn mạnh, Đồng Nai nằm trong tứ giác phát triển kinh tế gồm: Thành phố Hồ Chí Minh - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu. Với điều kiện tự nhiên phong phú gồm: hệ sinh thái rừng, sông, hồ, núi, thác cũng như bề dày lịch sử, vốn di sản văn hóa, làng nghề khá đa dạng cùng với các lợi thế về hạ tầng, vị trí… Đồng Nai có nhiều cơ hội lớn để tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời liên kết, phát triển du lịch địa phương và toàn vùng ĐNB trong thời gian tới.

Ngọc Liên

Tin xem nhiều