Báo Đồng Nai điện tử
En

Huy động nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông

Phạm Tùng
08:00, 02/11/2024

Với mục tiêu xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển, hàng loạt dự án hạ tầng giao thông quan trọng kết nối vùng Đông Nam Bộ (ĐNB) đã và sẽ được triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Thi công Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua địa bàn Đồng Nai. Ảnh: P.Tùng
Thi công Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua địa bàn Đồng Nai. Ảnh: P.Tùng

Để thực hiện các dự án hạ tầng giao thông kết nối quan trọng của vùng ĐNB cũng đòi hỏi một nguồn lực rất lớn.

Triển khai hàng loạt dự án hạ tầng giao thông kết nối

Giao thông kết nối vốn được xem là một “điểm nghẽn” đã làn ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng ĐNB trong một thời gian dài. Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7-10-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐNB đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã chỉ ra hệ thống hạ tầng là điểm nghẽn quan trọng cần khơi thông đầu tiên để tạo ra đột phá phát triển vùng ĐNB. Theo đó, ưu tiên hàng đầu là phát triển hệ thống hạ tầng giao thông kết nối, gồm các tuyến đường bộ cao tốc, hành lang kinh tế.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 24, trong gần 2 năm qua, nhiều dự án hạ tầng giao thông quan trọng kết nối vùng ĐNB đã được triển khai đầu tư xây dựng. Tháng 6-2023, đồng loạt 2 dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng ĐNB gồm đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và đường vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh đã được khởi công.

Ngoài 2 dự án trên, hàng loạt dự án hạ tầng giao thông kết nối khác của vùng ĐNB cũng đang được triển khai các thủ tục đầu tư.

Theo Bộ Giao thông vận tải, đến năm 2025, vùng ĐNB sẽ cần hoàn thiện các tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đường cao tốc nối Thành phố Hồ Chí Minh với các tuyến đường cửa ngõ quan trọng như: vành đai 3, vành đai 4; các tuyến đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài, Thành phố Hồ Chí Minh - Chơn Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu, Dầu Giây - Liên Khương, Gò Dầu - Xa Mát, Chơn Thành - Đức Hòa, Chơn Thành - Gia Nghĩa. Đồng thời, tiếp tục đầu tư mở rộng các tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận.

Trong giai đoạn 2026-2030, vùng ĐNB cần hoàn thiện việc nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam và khu đầu mối Thành phố Hồ Chí Minh. Cùng với đó, tiếp tục đầu tư hệ thống metro Thành phố Hồ Chí Minh và sớm đầu tư đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành, tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, tuyến đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ…

Theo Bộ Giao thông vận tải, dựa trên quy hoạch vùng, giai đoạn 2021-2025, vùng ĐNB cần khoảng 342 ngàn tỷ đồng để đầu tư vào các dự án trọng điểm, liên kết vùng. Trong đó, nguồn vốn từ ngân sách trung ương khoảng 60,8 ngàn tỷ đồng, vốn của doanh nghiệp nhà nước khoảng 109 ngàn tỷ đồng. Giai đoạn 2026-2030, nhu cầu vốn khoảng 396,5 ngàn tỷ đồng.

Giải phóng nguồn lực

Hiện nay, Chính phủ đã chính thức giao Thành phố Hồ Chí Minh là cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đường vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến đường bộ lớn nhất từ trước đến nay của vùng ĐNB.

Dự án Đường vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh có tổng chiều dài gần 207km, đi qua 5 tỉnh, thành phố: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An và Thành phố Hồ Chí Minh. Dự án sẽ được triển khai thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) với tổng mức đầu tư hơn 136 ngàn tỷ đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho biết, Dự án Đường vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh có tổng chiều dài hơn 45km. Trong đó, phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 đối với đoạn tuyến qua địa bàn tỉnh sẽ được chia làm 2 dự án thành phần với tổng mức đầu tư hơn 24 ngàn tỷ đồng.

Không chỉ Dự án Đường vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh, một số dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng ĐNB cũng sẽ được triển khai thực hiện bằng phương thức đầu tư PPP như các tuyến đường cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành; Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài.

Trước đó, các dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Đường vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã được triển khai đầu tư theo hình thức 50% vốn ngân sách trung ương và 50% vốn ngân sách địa phương.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, nhu cầu đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông của vùng ĐNB đang rất lớn. Do đó, vùng phải có cơ chế huy động nguồn lực riêng, bởi nếu chỉ phụ thuộc vào ngân sách nhà nước thì rất khó thực hiện các mục tiêu đề ra.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, vùng ĐNB sẽ cần khoảng 738,5 ngàn tỷ đồng để đầu tư vào các dự án trọng điểm, liên kết vùng. Trong đó, giai đoạn 2021-2025, khu vực cần khoảng 342 ngàn tỷ đồng để hoàn thiện các dự án hạ tầng giao thông.

Phạm Tùng

 

 

Tin xem nhiều