Tổng cục Thuế vừa tổ chức hội nghị đối thoại với 300 người nộp thuế ở 5 tỉnh, thành: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và Thành phố Hồ Chí Minh, nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn đối với các vấn đề liên quan đến thuế.
Đồ họa thu ngân sách nhà nước vùng Đông Nam Bộ 9 tháng của năm 2024. Đồ họa: Đình Trung |
Qua buổi đối thoại, nhiều doanh nghiệp (DN), người nộp thuế đã mạnh dạn, thẳng thắn bày tỏ những khó khăn và đề xuất, kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến các quy định, chính sách thuế…
Vùng trọng điểm trong thu ngân sách nhà nước
Theo thống kê của Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) 9 tháng của năm 2024 ước đạt 1,4 triệu tỷ đồng, tăng gần 18% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, chỉ tính riêng thu NSNN của vùng Đông Nam Bộ (ĐNB) đã đạt 554,4 ngàn tỷ đồng, chiếm trên 38% tổng thu cả nước.
Với những kết quả đạt được, vùng ĐNB đã khẳng định vị trí, vai trò quan trọng là đầu tàu kinh tế của cả nước, đi đầu trong đổi mới, sáng tạo, năng động và phát triển, thu hút hàng trăm ngàn DN trong và ngoài nước đến đầu tư các dự án hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, trong lĩnh vực xuất - nhập khẩu, ĐNB luôn dẫn đầu khi liên tục đạt kết quả xuất siêu nhiều năm qua. Hàng hóa xuất khẩu của vùng đã có mặt ở gần 200 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó tập trung ở các thị trường Việt Nam đã ký hiệp định thương mại tự do như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Asean, châu Âu…
Sự năng động và phát triển không ngừng của vùng ĐNB đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có lĩnh vực thuế và hải quan, phải nhanh nhạy, kịp thời đổi mới những giải pháp quản lý, thu ngân sách trên cơ sở đồng hành với DN, vừa thúc đẩy sự phát triển của DN trong khuôn khổ quy định của pháp luật, vừa bảo đảm mang lại những giá trị, kết quả cao nhất trong thu NSNN.
Để các hoạt động sản xuất, kinh doanh luôn thông suốt, nhất là trong quá trình áp dụng các quy định trong xuất - nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu sản xuất cũng như việc thực hiện nghĩa vụ đóng thuế với Nhà nước, Tổng cục Thuế đã chủ động tổ chức hội nghị đối thoại, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn đối với các vấn đề liên quan đến thuế.
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn nhấn mạnh, trên tinh thần cầu thị và lắng nghe, không né tránh, Tổng cục Thuế mong muốn nắm bắt, trao đổi, giải đáp và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, phản ánh của người nộp thuế trong thực hiện các quy định, chính sách thuế. Đồng thời, muốn giải quyết ngay hoặc tiếp thu các đề xuất, kiến nghị của cộng đồng DN để từ đó nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền đưa ra các giải pháp hoàn thiện, sửa đổi cơ chế, chính sách và công tác quản lý thuế ngày càng minh bạch, cụ thể hơn, phù hợp với tất cả loại hình DN, giúp người nộp thuế thực hiện các chính sách thuế, nghĩa vụ thuế được đầy đủ, nhanh chóng và thuận tiện.
Trong 9 tháng của năm 2024, tổng thu NSNN vùng ĐNB đạt khoảng 554 ngàn tỷ đồng, chiếm 38% tổng thu cả nước. Lần lượt vị trí dẫn đầu là Thành phố Hồ Chí Minh thu trên 371,3 ngàn tỷ đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu thu trên 71,6 ngàn tỷ đồng, Bình Dương thu trên 51 ngàn tỷ đồng và Đồng Nai thu trên 43,3 ngàn tỷ đồng...
Tháo gỡ kịp thời vướng mắc về thuế cho vùng Đông Nam Bộ
Hàng trăm câu hỏi về những vướng mắc của DN trên các lĩnh vực liên quan đến thuế đã được ngành thuế tiếp thu và có sự trao đổi trực tiếp tại hội nghị. Cụ thể như: về lĩnh vực hóa đơn điện tử đã tiếp nhận trên 30 vướng mắc; nội dung về thuế giá trị gia tăng và hoàn thuế ghi nhận 29 vướng mắc. Ngoài ra, hội nghị còn tiếp thu hàng trăm câu hỏi liên quan đến thuế giá trị gia tăng, hoàn thuế giá trị gia tăng, hóa đơn, thuế thu nhập DN, thuế nhà thầu, xử phạt vi phạm hành chính… được DN gửi tới hội nghị qua email, văn bản…
Đơn cử như phản ánh trực tiếp tại hội nghị về vấn đề hóa đơn của Công ty TNHH Kỹ thuật Nam Dương tại Thành phố Hồ Chí Minh liên quan đến nhập khẩu vật tư linh kiện điện tử, thiết bị lắp ráp trụ bơm xăng dầu. Theo đó, công ty có tờ khai hải quan đầy đủ nhưng trên hệ thống hóa đơn điện tử của Tổng cục Thuế không cập nhật giá trị hàng hóa của những tờ khai hải quan, dẫn đến chênh lệch giá trị hàng tồn kho rất lớn giữa sổ sách thực tế với số liệu trên hệ thống hóa đơn điện tử của Tổng cục Thuế. Vấn đề này khiến cho mỗi khi Công ty Nam Dương xuất hóa đơn bán ra đều bị cảnh báo rủi ro làm cho khách hàng hoang mang, chậm thanh toán, thậm chí có khách hàng còn yêu cầu Công ty Nam Dương phải có văn bản xác nhận của cơ quan thuế về việc hóa đơn của Công ty Nam Dương không có rủi ro thì đối tác mới đồng ý thanh toán tiền. Việc chậm trễ cập nhật thông tin cho DN đã gây những khó khăn cho DN trong giao dịch hàng hóa và thu hồi vốn để tái hoạt động sản xuất.
Ghi nhận phản ánh của Công ty TNHH Kỹ thuật Nam Dương, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ tăng cường trao đổi thông tin với cơ quan hải quan để cập nhật thông tin tờ khai kịp thời. Đồng thời, tiến tới thu hẹp phạm vi cảnh báo rủi ro khi xuất hóa đơn, xác định đúng, trúng những DN có rủi ro phải ngưng sử dụng hóa đơn. Từ đó, nhằm tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, loại trừ “DN ma”, bảo vệ người nộp thuế.
Lĩnh vực thương mại dịch vụ đóng góp nhiều cho thu ngân sách. Ảnh: Hoàng Hải |
Ngoài ra, những thắc mắc liên quan đến thời điểm lập hóa đơn điện tử giá trị gia tăng cho hàng hóa xuất khẩu; thắc mắc về khai thuế giá trị gia tăng vãng lai khi phát sinh doanh thu từ vận chuyển giao hàng… được ngành thuế tiếp thu và có những trả lời thỏa đáng.
Đánh giá những tác động từ việc đối thoại về chính sách thuế đối với DN, đại diện Công ty TNHH Sài Gòn PTS (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, DN mong có thêm nhiều cuộc đối thoại thẳng thắn, cởi mở hơn nữa. Qua những buổi đối thoại, DN có cơ hội nói lên những vấn đề vướng mắc đang gặp phải.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành nhận định, trên 400 nội dung câu hỏi vướng mắc của các DN và người nộp thuế được gửi về Ban tổ chức và khoảng 300 nội dung đã được trao đổi trực tiếp tại hội nghị. Điều này chứng tỏ chính sách thuế và thủ tục hành chính về thuế vẫn đang là vấn đề nóng. Với mục tiêu tạo sự thuận lợi cho người nộp thuế, sự đồng thuận giữa cơ quan thuế và người nộp thuế, ngành thuế cam kết sẽ tiếp tục lắng nghe những khó khăn, vướng mắc cũng như đề xuất, kiến nghị của các DN và người nộp thuế. Để từ đó nghiên cứu, đưa ra các giải pháp quản lý thuế, hoàn thiện cơ chế, chính sách, không ngừng cải cách, hiện đại hóa và chuyển đổi số một cách toàn diện, xây dựng môi trường quản lý thuế công khai, minh bạch, công bằng.
Ngọc Liên
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin