Báo Đồng Nai điện tử
En

Khơi thông nguồn lực để phát triển

Phạm Tùng
09:00, 22/06/2024

Đầu tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức ký quyết định phê duyệt quy hoạch vùng Đông Nam Bộ (ĐNB) thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Công nhân thi công cầu Bạch Đằng 2 kết nối tỉnh Đồng Nai với tỉnh Bình Dương. Ảnh: P.Tùng
Công nhân thi công cầu Bạch Đằng 2 kết nối tỉnh Đồng Nai với tỉnh Bình Dương. Ảnh: P.Tùng

Quy hoạch này là cơ sở quan trọng để vùng ĐNB tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt, khơi thông nguồn lực để bứt tốc phát triển mạnh mẽ.

Tiếp tục phát triển nhanh, toàn diện, chất lượng và bền vững

Vùng ĐNB có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và đối ngoại của đất nước. Những năm qua, với những tiềm năng, lợi thế vượt trội, vùng ĐNB luôn là trung tâm đổi mới, năng động, sáng tạo hàng đầu của cả nước; là đầu tàu kinh tế, trung tâm phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ lớn nhất cả nước.

Trong quy hoạch vùng ĐNB thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu được đặt ra là đến năm 2030 trở thành vùng văn minh, hiện đại, có công nghiệp phát triển, vượt qua ngưỡng thu nhập cao, đời sống vật chất, tinh thần của người dân dẫn đầu cả nước; là vùng động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước, phát triển năng động, tốc độ tăng trưởng cao; trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực.

Cùng với đó, vùng ĐNB cũng sẽ đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo, y tế, phát triển kinh tế xanh, phát thải carbon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển nhanh hệ thống đô thị xanh, thông minh, hiện đại. Là đầu tàu về kinh tế số, xã hội số; trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ của cả nước; trung tâm tài chính quốc tế, nơi tập trung của các định chế tài chính quốc tế, các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới; có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á và phát triển ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực châu Á.

Tại Hội nghị Hội đồng Điều phối vùng ĐNB lần thứ 3, công bố Quy hoạch vùng ĐNB thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được tổ chức tại tỉnh Tây Ninh vào ngày 5-5, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết, quy hoạch vùng đề ra việc phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 8-9%/năm, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh tăng trưởng khoảng 8,5-9%/năm. GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 380-420 triệu đồng, tương đương 14,5-16 ngàn USD; phấn đấu tỷ trọng kinh tế số trong GRDP khoảng 35- 40%...

Tại hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh, để việc triển khai hiệu quả Quy hoạch vùng ĐNB trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch vùng. Tập trung cơ cấu lại các ngành kinh tế theo hướng hiện đại; ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực có thế mạnh, phát triển công nghiệp theo chiều sâu, phát triển nhanh các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, thế mạnh của vùng và trung tâm tài chính quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, ưu tiên đầu tư các dự án động lực, trọng điểm có tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội có tính lan tỏa lớn, có tính kết nối quốc tế, liên vùng và hướng biển, ngoài các dự án đã triển khai là các dự án hạ tầng giao thông mới như: đường cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành, Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, hạ tầng đường sắt, đường thủy. Tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực, thu hút nhân tài, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, đặc biệt là nhân lực ngành bán dẫn, nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ.

Chú trọng công tác truyền thông; phát triển văn hóa, xã hội, con người, nâng cao chất lượng cuộc sống, môi trường sống lành mạnh cho người dân; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xúc tiến đầu tư; tăng cường các hoạt động liên kết vùng ĐNB, phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, liên kết các chuỗi đô thị, chuỗi cung ứng, logistics, dịch vụ chất lượng cao.

Về phát triển kết cấu hạ tầng, Quy hoạch vùng ĐNB thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt ra mục tiêu đến năm 2030 hoàn thành cơ bản hệ thống kết cấu hạ tầng khung kết nối vùng ĐNB và liên vùng. Trong đó bao gồm hoàn thành khoảng 850km đường bộ cao tốc, các tuyến đường sắt kết nối vùng, đường sắt đô thị, các cảng biển cửa ngõ có chức năng trung chuyển quốc tế, các cảng hàng không, đường thủy nội địa.

Đồng bộ quy hoạch để phát triển

Là địa phương nằm ở vị trí trung tâm của Vùng ĐNB, Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đang được các cơ quan chức năng của tỉnh hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chính vì vậy, ngay sau khi Quy hoạch vùng ĐNB thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt, Đồng Nai đã tiến hành rà soát, cập nhật để đảm bảo đồng bộ giữa các cấp quy hoạch.

Theo Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, Quy hoạch vùng ĐNB đã được nghiên cứu rất kỹ, trong đó đưa ra 7 phương hướng phát triển và 6 giải pháp triển khai. Đồng Nai cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, chung tay với 4 tỉnh, thành phố còn lại đưa vùng ĐNB không ngừng nêu cao vai trò đầu tàu dẫn dắt phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ mới.

Chính vì vậy, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh một lần nữa xác định rõ chức năng, rà soát quy hoạch cho đồng bộ, thống nhất, tránh xung đột lợi ích, tích cực tham mưu đề xuất các giải pháp huy động nguồn lực, hiện thực hóa hiệu quả quy hoạch, khẳng định vị trí quan trọng của Đồng Nai trong khu vực.

Sân bay Long Thành là dự án đầu tư xây dựng lớn nhất cả nước có vai trò thúc đẩy sự phát triển của Đồng Nai nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung trong thời gian tới.

“Tinh thần là phải chấp hành quy hoạch chung của vùng, chỉ tiêu nào của từng ngành, địa phương còn “vênh” thì phải điều chỉnh, cập nhật cho đồng bộ, thống nhất vì mục tiêu phát triển chung” - Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức yêu cầu.

Trong Quy hoạch vùng ĐNB, Đồng Nai cũng đã xác định, địa phương là đầu mối giao thông liên kết vùng và có nhiều lợi thế phát triển thời gian tới. Với vị trí trung tâm của vùng, tất cả các tuyến giao thông kết nối đều đi qua địa bàn Đồng Nai, có ý nghĩa chiến lược với cả vùng, là tuyến duy nhất di chuyển đến Cảng hàng không quốc tế (Sân bay) Long Thành và Cảng Cái Mép.

“Phát triển hệ thống đường cao tốc, logistics là vấn đề rất lớn hiện nay. Đồng Nai phải nỗ lực hình thành đô thị vùng không gian bên ngoài Sân bay Long Thành để phát huy tối đa dịch vụ, mang lại giá trị lợi ích cao nhất cho địa phương” - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cũng yêu cầu trong quá trình hoàn thiện quy hoạch tỉnh phải chú ý tính toán, đáp ứng 2 giải pháp quan trọng nhất quyết định sự phát triển của địa phương là nguồn vốn và chất lượng nguồn nhân lực. Các mục tiêu phát triển của tỉnh phải ngang bằng hoặc cao hơn khu vực đã nêu rõ trong quy hoạch vùng, không thể thấp hơn.

Phạm Tùng

Tin xem nhiều