Các tỉnh, thành phía Nam có lợi thế để phát triển năng lượng tái tạo (NLTT), còn gọi là điện sạch. Tuy nhiên, trong Dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII do Bộ Công thương soạn thảo, chỉ tiêu công suất nguồn điện sạch dự kiến phân bổ thấp, chưa xứng với tiềm năng và lợi thế.
Hệ thống điện mặt trời trên mái công trình trường học tại thành phố Biên Hòa. Ảnh: B.Mai |
Nhiều địa phương, trong đó có Đồng Nai, đã kiến nghị tăng chỉ tiêu để đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng xanh, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
* Chỉ tiêu thấp so với tiềm năng, lợi thế
Năng lượng là hạ tầng quan trọng, cần đi trước một bước để tạo nền tảng cho phát triển bền vững. Với quan điểm này, tháng 5-2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt Quy hoạch điện VIII). Điểm đáng chú ý trong quy hoạch này là Chính phủ đặt mục tiêu NLTT đạt tỷ lệ khoảng 31-39% vào năm 2030 và đạt 67-71% vào năm 2050 trong tổng cơ cấu năng lượng.
Chính phủ giao Bộ Công thương xây dựng, trình ban hành kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch, thế nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Điều này khiến các dự án đầu tư xây dựng nguồn, lưới điện chưa có cơ sở triển khai; nguy cơ ảnh hưởng nguồn cung ứng điện cho sản xuất và tiêu dùng; ảnh hưởng đến kết quả thực hiện chỉ tiêu phát triển điện sạch cũng như mục tiêu net zero vào năm 2050. Một trong những vướng mắc lớn nhất của kế hoạch này là chỉ tiêu công suất phát triển NLTT chưa có sự thống nhất giữa phân bổ của bộ và đề xuất của địa phương.
Trong dự thảo kế hoạch mới nhất của Bộ Công thương, Đồng Nai được phân bổ chỉ tiêu phát triển nguồn điện năng lượng mặt trời nhiều nhất cả nước với 229MW, điện rác đứng thứ 3 cả nước với 66MW, điện sinh khối 12MW và không có chỉ tiêu điện gió.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, chỉ tiêu phát triển NLTT dự kiến phân bổ cho tỉnh còn thấp, chưa xứng với tiềm năng. Cụ thể, về điện mặt trời, đến năm 2030, tổng công suất điện mặt trời mái nhà tỉnh có khả năng phát triển thêm là 3,5 ngàn MW, nhưng dự thảo kế hoạch chỉ được phân bổ 229MW. Tương tự, đến năm 2030, tổng công suất nguồn điện rác tỉnh có thể thực hiện đạt 102-108MW, nhưng dự thảo kế hoạch chỉ có 66 MW. Vì vậy, tỉnh kiến nghị Chính phủ, Bộ Công thương xem xét, phân bổ thêm công suất 2 nguồn điện này.
Dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII do Bộ Công thương xây dựng đưa ra tổng chỉ tiêu công suất các nguồn đến năm 2030 là: điện gió trên bờ gần 21,9 ngàn MW, điện gió ngoài khơi 6 ngàn MW, điện mặt trời mái nhà (tự sản, tự tiêu) 2,6 ngàn MW, điện sinh khối và điện sản xuất từ rác gần 2,3 ngàn MW, thủy điện 29,3 ngàn MW. |
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về kế hoạch thực Quy hoạch điện VIII diễn ra giữa tháng 12-2023, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho hay, thành phố có nguồn rác thải sinh hoạt khổng lồ, khoảng 10 ngàn tấn/ngày, khả năng phát triển điện rác đến năm 2030 là 340MW, nhưng dự thảo kế hoạch chỉ có 123MW điện rác, rất thấp. Đối với nguồn điện mặt trời, công suất được tăng thêm từ nay đến năm 2030 chỉ có 73MW, rất ít so với nhu cầu, tiềm năng.
“Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị cho tổng công suất nguồn điện rác ít nhất 200MW, công suất điện mặt trời mái nhà khoảng 1,5 ngàn MW để triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24-6-2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh” - ông Mãi kiến nghị.
Một số tỉnh, thành khác như: Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, Kiên Giang cũng đề xuất chỉ tiêu công suất nguồn điện rác, điện mặt trời, điện gió cao hơn so với chỉ tiêu dự kiến phân bổ.
* Có thể linh hoạt trong phân bổ chỉ tiêu
Phát triển NLTT là yêu cầu bức thiết để đảm bảo an ninh năng lượng trong điều kiện than, khí ngày càng khan hiếm, giá cao; biến đổi khí hậu, El Nino dẫn đến thiếu nước sản xuất điện. Đây cũng là giải pháp để bảo vệ môi trường, thực hiện chuyển đổi công bằng năng lượng nhằm đạt trung hòa carbon theo cam kết của Chính phủ. Tuy nhiên, những năm gần đây, phát triển NLTT chưa đáp ứng được kỳ vọng của các địa phương, doanh nghiệp. Nguyên nhân do chính sách phát triển nguồn năng lượng này thiếu ổn định, hạ tầng truyền tải chưa đáp ứng, kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII chậm ban hành.
Giải trình nguyên nhân chậm trình kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch điện VIII, Bộ Công thương cho biết, danh mục dự án và quy mô công suất nguồn các loại hình NLTT nhiều địa phương đề xuất cao hơn chỉ tiêu dự kiến phân bổ khiến tổng công suất đề xuất vượt “room” của quy hoạch.
Cụ thể, trong 46 tỉnh, thành phố đã đề xuất danh mục dự án NLTT, chỉ 11 địa phương có danh mục dự án phù hợp với quy mô công suất nguồn dự kiến phân bổ; còn lại 35 địa phương đề xuất quy mô công suất lớn hơn so với công suất dự kiến phát triển. Bộ phải xem xét, cân nhắc lại công suất từng loại hình, của từng địa phương.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, quan điểm của Chính phủ là ưu tiên điện sinh khối, điện rác, điện mặt trời áp mái trên cơ sở tính toán, cân đối các nguồn điện khác và bảo đảm an toàn lưới điện. Các dự án điện gió ngoài khơi, điện mặt trời xuất khẩu trực tiếp cũng khuyến khích phát triển. Do đó, kế hoạch sẽ không hạn chế hay làm mất đi cơ hội phát triển NLTT.
Đối với các tỉnh, thành đề xuất vượt chỉ tiêu công suất dự kiến phân bổ, Phó thủ tướng yêu cầu phân loại thứ tự ưu tiên theo tính khả thi, tính pháp lý, hiệu quả kinh tế. Bộ Công thương cũng cân nhắc có thể điều chỉnh công suất giữa các loại hình, các địa phương.
“Tổng công suất nguồn là không thay đổi nhưng cơ cấu nguồn, dự án, chỉ tiêu từng địa phương trong vùng có thể thay đổi” - Phó thủ tướng nói.
Mới đây nhất, ngày 29-2, Văn phòng Chính phủ có thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ về kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII tại cuộc họp ngày 20-2-2024. Thông báo đã chỉ ra, việc chưa ban hành kế hoạch là quá chậm, ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện các mục tiêu của quy hoạch. Bộ Công thương phải khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu, làm rõ các ý kiến tại cuộc họp để hoàn thiện kế hoạch, trình Thường trực Chính phủ trước ngày 2-3.
Về danh mục các dự án NLTT, địa phương và Bộ Công thương tính toán và thống nhất, nhưng phải đảm bảo các yêu cầu về pháp lý, cơ sở khoa học, đáp ứng các tiêu chí/yêu cầu kinh tế, kỹ thuật, khả thi và phù hợp Quy hoạch điện VIII.
Ban Mai
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin