Báo Đồng Nai điện tử
En

Giữ lửa hôn nhân

Nhật Minh - Lê Duy
09:35, 08/03/2025

Trước những nguy cơ đổ vỡ hôn nhân trong thời đại công nghệ, các giải pháp để “giữ lửa” trong mỗi gia đình, nhất là các gia đình trẻ cần được quan tâm đúng mức.

Gia đình văn hóa tiêu biểu trên địa bàn huyện Trảng Bom tham gia sân khấu hóa mô hình xây dựng gia đình hạnh phúc. Ảnh:My Ny
Gia đình văn hóa tiêu biểu trên địa bàn huyện Trảng Bom tham gia sân khấu hóa mô hình xây dựng gia đình hạnh phúc. Ảnh:My Ny

Theo Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Lê Thị Ngọc Loan, để “giữ lửa” cho ngôi nhà cần tập trung ở việc vừa củng cố các giá trị văn hóa gia đình truyền thống vừa phát huy giáo dục, bổ sung các giá trị mới theo tiến trình phát triển xã hội…

Coi trọng giá trị văn hóa gia đình

Bà Lê Thị Ngọc Loan cho hay, cuộc vận động xây dựng gia đình văn hóa và tiêu chí gia đình văn hóa hiện nay dựa trên những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt. Trong quá trình xây dựng gia đình văn hóa, từng cá nhân, gia đình phải biết giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đó là cơ sở xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống tốt đẹp, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh từ trong mỗi gia đình, lấy gia đình làm “pháo đài” chống lại sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội và những tác động xấu từ mặt trái của cơ chế thị trường, mặt trái của internet...

Hiện nay, phong trào xây dựng gia đình văn hóa sôi nổi rộng khắp trên toàn tỉnh góp phần gắn kết các thế hệ, giúp người dân nhận thức được tầm quan trọng của gia đình đối với mỗi cá nhân và đối với sự phát triển của toàn xã hội. Từ đó hình thành nhận thức đúng đắn về trách nhiệm đối với gia đình, mỗi thành viên cảm thấy tự hào, tự tin về truyền thống gia đình, có ý thức trao truyền cho nhau những tình cảm tốt đẹp của gia đình… Năm 2024, toàn tỉnh có 689.789/697.492 gia đình văn hóa (đạt trên 98,8%, chỉ tiêu nghị quyết Tỉnh ủy đề ra trên 90%).

“Vợ chồng cũng có thể dùng công nghệ để kết nối nếu biết sử dụng đúng cách. Chẳng hạn, vợ chồng cần gọi video khi ở xa nhau thay vì chỉ nhắn tin hoặc thường xuyên chia sẻ những bài viết, video hoặc hình ảnh thú vị để tạo chủ đề trò chuyện, gắn kết…” - thạc sĩ tâm lý Lê Thị Hường hướng dẫn.  

Thời gian tới, ngoài tiếp tục thực hiện hiệu quả Phong trào Xây dựng gia đình văn hóa, Sở Văn hóa, thể thao và du lịch cũng tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục về gia đình; làm tốt công tác tư vấn hòa giải và đi đôi với phòng, chống tệ nạn xã hội; tích cực triển khai Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022. Xây dựng các thiết chế gia đình bền vững được xem là giải pháp nội lực để phòng tránh bạo lực gia đình, tạo dựng hình ảnh gia đình chuẩn mực, hướng tới xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững đất nước.

Học cách kiểm soát công nghệ

Thạc sĩ tâm lý Lê Thị Hường, chuyên gia tâm lý tình yêu hôn nhân hạnh phúc gia đình (Tổng giám đốc Công ty CP Đào tạo và tư vấn tâm lý Hạnh Phúc Việt, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) cho rằng, để tình cảm vợ chồng không bị xa cách trong thời đại công nghệ số, các cặp vợ chồng cần tăng cường giao tiếp trực tiếp, dành thời gian chất lượng cho nhau, duy trì sự tôn trọng, yêu thương và cùng nhau phát triển; học cách kiểm soát công nghệ, tránh để mạng xã hội ảnh hưởng tiêu cực đến hôn nhân. Đồng thời, cần trang bị kỹ năng giải quyết mâu thuẫn và vun đắp tình cảm thường xuyên.

“Các cặp vợ chồng cần thiết lập “Giờ không công nghệ” trong gia đình. Theo đó, đặt ra khoảng thời gian “không công nghệ” giúp hai người dành trọn vẹn thời gian cho nhau; tắt thông báo mạng xã hội khi trò chuyện để tránh bị phân tâm; để điện thoại xa tầm tay khi dành thời gian cho nhau…” -  thạc sĩ tâm lý Lê Thị Hường hướng dẫn.

Tiến sĩ Lê Minh Công, Phó trưởng khoa Công tác xã hội, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ sức khỏe tinh thần Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), thì cho rằng để duy trì hôn nhân bền vững, các cặp đôi cần chuẩn bị kỹ trước khi kết hôn, đặc biệt về sự trưởng thành cảm xúc và khả năng tự chủ. Vợ chồng cần trao đổi, thống nhất các nguyên tắc chung như: không to tiếng, không bạo lực, tôn trọng tài sản chung, bình đẳng trong giáo dục con cái và quản lý tài chính. Xây dựng thói quen lành mạnh như: về nhà đúng giờ, hạn chế sử dụng điện thoại trong thời gian bên nhau giúp gắn kết gia đình.

“Việc đảm bảo nền tảng tài chính ổn định, có công việc vững chắc và duy trì sức khỏe tinh thần là yếu tố quan trọng trong giữ gìn hạnh phúc lứa đôi. Khi mỗi người đều hạnh phúc và tích cực, họ sẽ có đủ năng lượng vun đắp tổ ấm” - tiến sĩ Lê Minh Công cho hay.

Nhật Minh - Lê Duy

Tin xem nhiều