Một trong những dấu ấn quan trọng của ngành giáo dục và đào tạo năm 2024 đó chính là hoàn thành chu trình thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 ở cả 3 cấp học. Sau nhiều ý kiến khác nhau, chương trình này đang cho thấy kết quả ban đầu của nó trong đổi mới phương pháp dạy và học, hướng đến sự đổi mới, sáng tạo, hiệu quả thật, chất lượng thật.
Chương trình GDPT mới được triển khai từ năm học 2020-2021 ở khối lớp 1; từ năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6; từ năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; từ năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; từ năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12. Năm 2024 cũng là năm cuối cùng học sinh lớp 12 thi theo Chương trình GDPT 2006. Từ năm 2025, Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ thi theo Chương trình GDPT 2018, đảm bảo đúng lộ trình, kế hoạch đã đề ra.
Sau hơn 5 năm triển khai Chương trình GDPT 2018, điểm mới được các nhà trường và giáo viên đánh giá cao, đó chính là về phương pháp dạy học. Theo đó, thay vì thụ động trong các tiết học, học sinh được chủ động, linh hoạt, thỏa sức sáng tạo trong việc tiếp thu kiến thức. Giáo viên cũng không còn gò bó trong việc chuẩn bị giáo án, có thể việc chuẩn bị bài giảng sẽ tốn nhiều thời gian hơn (do phải tìm kiếm thêm tư liệu minh họa, ứng dụng công nghệ thông tin trong thiết kế bài giảng…) nhưng lại mang đến sự hứng khởi, tránh tình trạng nhàm chán ở mỗi tiết dạy. Phương pháp dạy học tích cực đã chú trọng tổ chức hoạt động học nhằm hình thành và phát triển năng lực tự học cho học sinh; thực hiện phương châm “học qua làm”.
Bên cạnh đó, việc dạy và học cũng không còn phải phụ thuộc hoàn toàn vào sách giáo khoa. Sách giáo khoa đóng vai trò là “học liệu” (không phải là nguồn kiến thức duy nhất) để tổ chức hoạt động dạy học. Mỗi môn học có nhiều sách giáo khoa nhằm mục tiêu dạy học từ “truyền thụ kiến thức” sang dạy học “phát triển năng lực”.
Đánh giá chung về Chương trình GDPT 2018, điều thấy rõ là giáo viên được thỏa sức sáng tạo còn học sinh được thực hành nhiều hơn ở mỗi môn học. Do đó, với việc phủ kín chương trình ở tất cả các cấp học, nhất là chuẩn bị chu đáo cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025, mục tiêu mà chương trình đặt ra từng bước hoàn thành, bước đầu cho thấy thành công ở lần đổi mới căn bản giáo dục đào tạo này.
Minh Ngọc
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin