Ngày 28-11-2024, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai kỷ niệm 20 năm thành lập. Khi ấy, nhiều niềm vui lớn vì đã đạt thành tích lớn. Nhưng cũng có những trăn trở, băn khoăn vì những mong ước chưa thành hiện thực.
Chạm tay tìm hiểu chim kiwi ở Bảo tàng Te Papa, New Zealand. |
Mong ước chưa thành xem như là những giấc mơ đẹp ngủ yên. Khi tham quan Bảo tàng Te Papa ở New Zealand, một trong những giấc mơ ấy được đánh thức.
Giấc mơ ấy: tháp dầu
Khi xưa, cũng chưa thật xưa lắm, những năm đầu Khu Bảo tồn Vĩnh Cửu mới được thành lập, Dự án Tháp trái dầu (gọi tắt là Tháp dầu) được bàn đến khơi dậy mong đợi thiết tha. Gọi là tháp dầu vì lấy trái dầu làm biểu tượng của chủ đề “miền Đông gian lao mà anh dũng” theo gợi ý của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt; bởi cây dầu thuộc hệ chò chỉ, gắn với cội nguồn tổ tiên, phổ biến ở miền Nam, bền bỉ với đất trời, kiên cường trong chiến tranh.
Tháp dầu dự kiến xây dựng ở trung tâm Bà Hào làm điểm nhấn thu hút các dự án đầu tư, phát triển Khu Bảo tồn sinh thái, văn hóa, lịch sử Chiến khu Đ. Tòa tháp cao 90m để phóng tầm nhìn xa rộng bao quát các dải rừng thăm thẳm, hồ Trị An mênh mông và vùng đất trẻ trung từng ngày đổi thịt thay da.
Trái dầu cứng cáp, có cánh, khi rời thân mẹ tự tạo được lực xoay nhảy múa, bay xa trước khi buông mình về đất. Khi về đất, nhanh chóng bám trụ, nảy mầm, vững chãi tái sinh. |
Ý tưởng thiết kế đơn giản mà hiện đại. Nhà tư vấn trình bày phác thảo 3D, qua đó hình dung một tòa tháp độc lạ về kiến trúc, đa dụng về công năng, kiêu hãnh, hài hòa trong không gian văn hóa sinh thái, văn hóa, lịch sử Chiến khu Đ. Các cánh dầu mạnh mẽ và mềm mại như đôi cánh thiên thần. Một trục lõi vươn cao, có thang máy vận chuyển an toàn, có đài quan sát lộng gió để phóng tầm nhìn bao la bằng mắt thường hoặc kính viễn vọng. Trọng tâm là phần thân trái dầu to rộng, đa chức năng gồm các dịch vụ thiết yếu phục vụ du khách và trưng bày, giới thiệu di sản văn hóa. Nội dung trưng bày, giới thiệu di sản văn hóa được chăm chút bởi nhiều ý tưởng, xem đó là cách bảo tồn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc ở vùng Chiến khu Đ, ứng dụng công nghệ cao, giải pháp trưng bày hiện đại để phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu của cộng đồng và du khách.
Di sản thiên nhiên, văn hóa vật thể và phi vật thể đã được quan tâm, sưu tầm, nghiên cứu từ nhiều năm qua, đã tích hợp thành hệ thống, gồm nhiều bộ sưu tập, nhiều thông tin và hiện vật quý hiếm. Tất cả đều mong chờ, sẵn sàng. Tiếc thay, đến giờ này, vẫn còn ngủ yên trên giấy, trong kho. Bởi vì, tòa tháp đang chuẩn bị bỗng ngừng ngang.
Bảo tàng Te Papa gợi nhớ giấc mơ
Bảo tàng Te Papa Tongarewa, được gọi ngắn gọn là Te Papa, là bảo tàng quốc gia của New Zealand, nằm tại thủ đô Wellington, trong tiếng Māori có nghĩa là “Chiếc hộp của những báu vật”, thể hiện ý nghĩa lưu giữ và tôn vinh lịch sử, văn hóa và thiên nhiên của đất nước này. Te Papa là niềm kiêu hãnh của New Zealand, được Chính phủ đầu tư trọng điểm, trở thành một trong những bảo tàng hiện đại nhất thế giới, nổi bật với cách trưng bày tương tác và sáng tạo. Nơi đây kết hợp độc đáo giữa nghệ thuật, khoa học, lịch sử và văn hóa, mang đến trải nghiệm học hỏi sống động và đầy cảm hứng; nhằm để kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa con người và thiên nhiên
Te Papa tập trung trưng bày các chuyên đề: Văn hóa Māori và Thái Bình Dương, Triển lãm Tự nhiên, Triển lãm Chiến tranh thế giới thứ nhất, không gian tương tác. Điểm nhấn ấn tượng gợi nhớ giấc mơ tháp dầu là chuyên đề Triển lãm Tự nhiên trưng bày ở tầng 2. Nơi đây, Te Papa giới thiệu về hệ sinh thái độc đáo của New Zealand, từ những loài động thực vật quý hiếm đến các hiện tượng tự nhiên.
Để trưng bày hệ thống di sản văn hóa mang chủ đề thiên nhiên, văn hóa New Zealand, những nhà lãnh đạo, quản lý, thiết kế, thi công đã huy động hết tâm trí cùng ngôn ngữ đặc thù của bảo tàng, di sản văn hóa, nghệ thuật âm thanh, ánh sáng, tâm lý học, nhân học, công nghệ thông minh… để diễn đạt, làm sống động giá trị đích thực của hiện vật. Để giới thiệu loài chim kiwi - biểu tượng của New Zealand, Te Papa trưng bày hình ảnh rất đẹp trong bối cảnh ánh sáng rất đẹp, chi tiết đặc trưng từ hình dáng hiền lành, cánh nhỏ, mỏ dài, bộ lông mượt mà; đặc biệt giới thiệu cả quá trình sinh sản đến trưởng thành, từ cái trứng đến tiếng kêu và tập quán cư trú. Xem là hiểu cả về đời sống của loài chim quý hiếm.
Bảo tàng truyền thống thường kiêng kỵ việc chạm vào hiện vật. Te Papa tận dụng công nghệ chạm (touch) để tìm hiểu, nhưng là chạm vào ký hiệu với hiệu ứng đa thông tin. Vào phòng tổ chim (nest), sẽ thấy hình ảnh các loài chim quý hiếm, chạm vào ký hiệu, có thể nghe được tiếng chim trong các trạng thái. Đến xem heo rừng, vừa chạm đến khu vực quan sát, liền nghe tiếng heo rừng kêu bởi cảm ứng vị trí. Khi đặt chân vui chơi vào bản đồ trên đất, trẻ em có thể chạm đến thế giới kỳ thú ở bản đồ cảm ứng. Tương tự như vậy, du khách có thể chạm tay vào các ký hiệu để tìm hiểu thêm thông tin từ các hình ảnh, hiện vật được trưng bày.
Bảo tàng truyền thống thường tập trung vào các hoạt động xem trực quan, nghe thuyết minh, Te Papa có các giải pháp tương tác để du khách tham gia vào hoạt động bảo tàng, qua đó giáo dục nhận thức, khơi gợi cảm xúc và định hướng ứng xử văn minh với thiên nhiên, văn hóa. Du khách là trẻ em và thanh thiếu niên đặc biệt hào ứng với các trò chơi tương tác. Khi chạm tay vào ký hiệu trồng cây, hình ảnh sẽ hiện lên cả hoạt động trồng cây với đầy đủ thao tác từ ươm giống, đào đất, đặt cây vào hố đào, tưới nước… Với ký hiệu bảo vệ rừng, du khách sẽ hiểu cả các tình huống cần bảo vệ, các hoạt động chống cháy, trồng cây, dọn rác… Xem một em bé chơi trò lái tàu trên biển khơi, “thèm quá”!, nghĩ đến trò chơi lái xe điện đi xuyên rừng Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai.
Thức trong mơ!
Xem Bảo tàng Te Papa, giấc mơ về việc trưng bày di sản văn hóa thiên nhiên ở Dự án Tháp dầu được đánh thức với câu hỏi “vì sao?”. Công nghệ, giải pháp của Te Papa ở thời điểm này không xa lạ, có thể nói là trong tầm tay. Bộ hiện vật và giá trị di sản văn hóa, thiên nhiên ở Khu Bảo tồn thiên nhiên, văn hóa Đồng Nai không kém Te Papa về số lượng, giá trị và bản sắc. Vậy, sao vẫn còn trong giấc mơ dài? Nghe đâu, lý do được giải thích là: “Không tiền”. Điều có thể trở thành không thể! Hồi ấy, có cảm xúc tiếc nuối, rồi thôi. Bây giờ, tỉnh thức nghĩ đến hình ảnh Nguyễn Tất Thành xòe đôi bàn tay trắng khi xuống tàu xuất ngoại: “Tiền đây!”. Khi được tin và xem hình ảnh “Tháp hình cánh hoa dầu” khánh thành dịp Quốc khánh 2024 ở Thủ Dầu Một, lòng lại nôn nao, mừng mừng tủi tủi.
Vậy, đang tỉnh hay là đang mơ đây? Hình như, câu hỏi đang thức, còn giấc mơ đang chìm sâu...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin