Trong tương lai, Nhơn Trạch là thành phố mới của Đồng Nai. Tốc độ đô thị hóa của địa phương này diễn ra nhanh chóng. Tuy nhiên, vùng đất Nhơn Trạch lại nổi tiếng với nhiều đặc sản đồng quê, nhất là các món thủy sản vùng nước lợ.
Chủ cơ sở tôm chua bà Tám tại xã Phước An, huyện Nhơn Trạch đang đóng gói món mắm tôm chua. Ảnh: B.Nguyên |
Không chỉ có nhiều món đặc sản tươi sống, nắm bắt nhu cầu cao thưởng thức đặc sản quê của các vùng đô thị cao, một số cơ sở trên địa bàn huyện làm đặc sản quê, xây dựng thương hiệu bằng uy tín chất lượng cung cấp ra thị trường.
Thưởng thức đặc sản đồng quê
Tuy phát triển mạnh về đô thị, Nhơn Trạch vẫn có những địa phương có thế mạnh phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Nhơn Trạch lại nằm cạnh các đô thị lớn là Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Vũng Tàu, thành phố Biên Hòa nên đây là điểm hẹn thu hút nhiều thực khách từ các khu đô thị trên tìm về thưởng thức đặc sản đồng quê.
Các xã Phước Khánh, Phú Đông, Phước An là những địa phương giáp sông, còn nhiều diện tích đồng lúa, có hệ thống sông ngòi với nhiều tuyến kênh, rạch kéo dài nên phát triển được nghề nuôi vịt lấy trứng. Vịt ở các địa phương này được nuôi thả trên đồng, trên kênh rạch. Nguồn thức ăn của vịt ngoài lúa, bắp còn được bổ sung thêm thức ăn thức ngoài tự nhiên như cá, tép, ốc, hến, cây bèo... Trứng vịt Nhơn Trạch có lòng đỏ to, đậm màu, thơm ngon và giàu chất dinh dưỡng nên từ xưa đã nổi tiếng là đặc sản được thị trường ưa chuộng. Trứng vịt đồng Nhơn Trạch được người tiêu dùng ở các khu đô thị lớn săn lùng về dùng hoặc làm quà biếu nên thường bán được giá cao hơn so với mặt bằng chung ngoài thị trường nhưng vẫn cung không đủ cầu.
Đặc sản vịt nướng đồng quê Đại Hiệp tại thị trấn Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch. |
Ngoài nuôi vịt đẻ, địa phương này cũng nổi tiếng về vịt cỏ nuôi thả đồng cho chất lượng thịt thơm ngon. Quán cơm vịt nướng đồng quê Đại Hiệp tại thị trấn Hiệp Phước đã có mặt trên thị trường hơn 20 năm nay. Quán vịt nướng đồng quê này chỉ có vịt nướng và lòng xào nhưng luôn nhộn nhịp thực khách đến thưởng thức. Vịt được chính tay chủ quán nướng bằng than theo cách truyền thống ngay phía trước quán.
Theo chủ quán cơm Đại Hiệp, bí quyết để làm ra món vịt nướng thơm ngon, ấn tượng đầu tiên là phải chọn được con vịt ngon. Vịt ở quán là vịt cỏ nuôi chạy đồng, và phải chọn con vừa đủ lớn để làm ra món nướng có chất thịt thơm ngon, thịt ăn dai nhưng không bị sài. Để đạt độ tươi ngon nhất, người chế biến để nguyên vịt tươi nướng trên than củi chứ không ướp trước. Gia vị ướp là bí quyết riêng của quán được quết liên tục trong suốt quá trình nướng. Người nướng phải có kinh nghiệm canh độ nóng của bếp than phù hợp để thịt vịt chín từ từ, vừa thấm gia vị, vừa giữ được chất ngọt của thịt. Vịt nướng được chấm với muốn sả do quán tự làm, muối không quá mặn và thơm lừng vị sả khiến món thịt và cơm càng thêm hấp dẫn.
Chính vì vậy, không chỉ người dân địa phương, quán nướng vịt đồng quê này còn là điểm hẹn thu hút rất nhiều thực khách ở các thành phố lớn, nhất là những đoàn khách đi du lịch Vũng Tàu qua địa phương này đều ghé vào thưởng thức. Ngày thường, quán bán 50 con/ngày, quán bán từ trưa nhưng nhiều khi bán chỉ vài tiếng là hết hàng. Ngày cuối tuần, ngày lễ, quán tăng từ 80-100 con/ngày.
Nhơn Trạch cũng có nhiều quán đặc sản bán gà chụp hay còn gọi là gà chỉ, khách đến quán có nhu cầu có thể vào vườn tự chọn con gà đang nuôi thả. Lúc đó, chủ quán mới đem đi chế biến thành nhiều món ngon như gà hấp, gà nướng... Trong đó, độc đáo nhất phải kể đến món gỏi gà rau lang. Những đọt rau lang xanh non còn tươi được đem đi trộn gỏi, rau thấm gia vị nhưng vẫn giữ nguyên độ giòn mát, tươi ngon.
Nhờ lợi thế về vị trí địa lý và thiên nhiên giàu sản vật sông nước, huyện Nhơn Trạch đang thu hút phát triển mạnh mô hình du lịch sinh thái. Toàn huyện hiện có 8 điểm kinh doanh khu vui chơi, du lịch sinh thái, hàng năm thu hút trên 20 ngàn lượt khách tham quan.
Nức tiếng tôm chua Nhơn Trạch
Nhơn Trạch còn được trời phú cho vùng nước lợ rộng lớn nên có rất nhiều đặc sản nước lợ như: tôm, cua, bạch tuộc, chem chép và các loại cá nâu, cá đối, cá ngát… Ngày nay, những món ngon dân dã của người địa phương này đã trở thành đặc sản du lịch thu hút du khách. Thực khách về vùng đất Nhơn Trạch trù phú không chỉ thích thú khi được thưởng thức những món thủy sản tươi sống mà còn lựa chọn được nhiều đặc sản chế biến đem về làm quà.
Các món chế biến có thể điểm danh như: tôm chì phơi khô, tôm sấy, khô cá nâu... Trong đó, đặc sắc nhất phải kể đến món mắm tôm chua chế biến từ tôm chì thiên nhiên. Ở Nhơn Trạch có một số cơ sở làm món ăn đặc sản này nhưng nổi tiếng nhất phải kể đến mắm tôm chua bà Tám ở xã Phước An. Trung bình mỗi năm, cơ sở này cung cấp ra thị trường hàng ngàn hũ mắm. Ngoài bán cho người dân tại địa phương, khách quen của cơ sở chủ yếu là cư dân ở các thành phố lớn có nhu cầu thưởng thức đặc sản quê.
Tôm chua xã Phước An, huyện Nhơn Trạch. |
Để làm ra món mắm tôm chua ngon, người làm phải chọn được con tôm chì thiên nhiên vừa bắt lên vẫn còn sống đem rửa sạch, ngâm qua rượu, để ráo rồi ướp với tỏi ớt và nước mắm đường nấu keo. Mỗi cơ sở có bí quyết nấu mắm đường với độ mặn ngọt vừa khẩu vị của nhiều thực khách. Thường tôm ngâm khoảng 1 tháng có thể đem ra sử dụng.
Theo bà Phan Thị Thài, chủ cơ sở tôm chua Bà Tám, trước đây, tôm chua chỉ làm trong gia đình ăn, dịp Tết thì làm thêm để bán cho láng giềng. Thời trước làm cho nhà ăn thường để cả đầu tôm. Sau này, thực khách từ các khu đô thị rất chuộng món đặc sản này nên bà làm quanh năm để bán. Cách chế biến cũng thay đổi ít nhiều, tôm được nhặt sạch đầu, nước đường được gia giảm thêm về độ mặn ngọt tùy theo khẩu vị của đa số thực khách.
Bà Phan Thị Thài chia sẻ thêm, bí quyết làm món mắm tôm chua này của gia đình bà được truyền qua nhiều thế hệ. Cơ sở bà làm bán được hơn 20 năm nay. Hiện bà đang đăng ký làm chứng nhận nhận OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) cho món đặc sản này để giới thiệu rộng rãi đến thực khách khắp nơi trong cả nước.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin