Ca sĩ Trần Thanh Thảo. |
Khi bị tai nạn giao thông, bại liệt 1 cánh tay, nguy cơ phải cắt bỏ, ca sĩ cải lương đầy triển vọng Trần Thanh Thảo phải nghỉ hát và tưởng chừng như khép lại con đường nghệ thuật. Nhưng đam mê ca hát từ nhỏ, Thanh Thảo không cho phép mình đầu hàng số phận, chị nhẫn nại tập trị liệu, từng bước quay trở lại sân khấu để thỏa được niềm mong mỏi biểu diễn.
Gần đây, ngoài ca hát, Thanh Thảo còn được biết đến như là phóng viên của một tạp chí chuyên về văn hóa. Hoạt động nghệ thuật, tiếp cận các sự kiện văn hóa cũng là điều kiện thuận lợi để cô được thử sức thêm ở địa hạt mới.
Mê cải lương từ nhỏ
Cải lương là bộ môn nghệ thuật dân tộc đặc sắc nhưng để theo đuổi lâu dài là điều không dễ dàng so với các thể loại âm nhạc khác. Vì sao chị lại đam mê cải lương đến vậy?
- Tôi vốn sinh ra trong một gia đình nghệ sĩ có nhiều đời đi hát. Ông ngoại là soạn giả cải lương; ba là nghệ sĩ cải lương, diễn viên Đoàn Văn công tỉnh Sông Bé một thời nên vốn dĩ tôi tiếp xúc và yêu cải lương từ nhỏ.
Hồi ấy, tôi thường đến đoàn cải lương chơi và học theo để hát. Sau này, ba mẹ thấy tôi đam mê cải lương nên đã cho theo cố Nghệ sĩ Ưu tú Tư Còn học ca vọng cổ. Rồi từng ngày lớn lên, tôi lại càng thấy cải lương là niềm đam mê không thể nào dứt được.
Ở Bình Dương và đang đầu quân cho Nhà hát Nghệ Thuật Đồng Nai, cơ duyên nào đưa chị đến với vùng đất này?
- Thanh Thảo vốn sinh ra và lớn lên tại Bình Dương (Sông Bé cũ) nhưng để hoạt động thực sự chuyên nghiệp thì phải đến khi về với Đồng Nai. Lúc nhỏ và khi còn trẻ, tôi tham gia ca hát, làm việc cho trung tâm văn hóa của địa phương nhưng ngặt nỗi đam mê của tôi là cải lương mà ở đây lại không có đoàn cải lương chuyên nghiệp.
Theo Nghệ sĩ Nhân dân Quế Anh, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai, Trần Thanh Thảo là ca sĩ đa năng và không ngại khó. Mỗi khi đơn vị giao việc, chị đều nỗ lực hoàn thành một cách tròn vai nhất. Ngoài ra, là một phóng viên, Thảo giúp cho nhà hát rất nhiều trong việc lưu giữ hình ảnh, truyền tải các hoạt động của đơn vị lên các phương tiện truyền thông mà chị làm việc cũng như cộng tác.
Năm 2011, tôi tham gia một cuộc thi về cải lương ở Thành phố Hồ Chí Minh và gặp một bạn cùng thi đến từ Đồng Nai. Lúc đó, tôi mới biết ở Đồng Nai có đơn vị chuyên nghiệp trong lĩnh vực này và lại sát bên Bình Dương. Thế là tôi xin về đầu quân cho Đoàn Nghệ thuật cải lương Đồng Nai (nay là Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai) và phát triển thêm nghề nghiệp của mình.
Chị đã từng bị tai nạn giao thông, thậm chí có nguy cơ cắt bỏ cánh tay và cũng đã nghỉ ca hát một thời gian. Vì sao chị vẫn có được nghị lực để trở lại với cải lương?
- Cuộc sống vốn dĩ có nhiều điều mà mình không lường trước được. Trong một lần tham gia giao thông, tôi bị tai nạn và cánh tay trái bị gãy đến 5 đoạn dẫn đến tê liệt và thậm chí bác sĩ nói rằng có thể phải cắt bỏ. Tôi rất sợ, bởi mình đi hát, đi biểu diễn mà bị tàn tật thì phải làm sao. Lúc đó, con tôi còn nhỏ, tôi lại là mẹ đơn thân, mọi sự mưu sinh phải trông chờ vào chính mình. Tôi không thể gục ngã. May mắn là sau đó cánh tay của tôi không phải cắt bỏ nhưng lại không thể cử động được, nếu không muốn nói là tàn phế.
Sau cuộc phẫu thuật, tâm lý tôi bị ảnh hưởng nặng nề, nhưng phải nuôi con nên cố gắng gượng dậy. Tôi tập vật lý trị liệu, nỗ lực để có thể phục hồi, dần dần cánh tay cũng có thể cử động trở lại dù còn rất hạn chế và điều hạnh phúc hơn cả là sau mấy năm không thể xuất hiện trên sân khấu, tôi có thể quay lại với nghề.
Cuộc đời là những bước ngoặt, mỗi lần thử thách là mỗi lần cho mình thêm nhựa sống để có thể tiếp tục góp vui cho đời. Làm nghệ thuật thì sức khỏe, tài năng là vốn quý nhất nên phải tự đi lên bằng chính năng lực bản thân. Tôi rất biết ơn mọi người đã không quên mình sau những tháng ngày tôi gặp khó khăn.
Hát cải lương và yêu nghề báo
Bên cạnh ca hát, được biết, chị đang là phóng viên cho một tờ tạp chí. Chị có thể chia sẻ đôi điều về công việc này?
- Tôi vẫn đang thuộc quân số của Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai và nghề nghiệp chính vẫn là ca hát chuyên nghiệp. Viết báo đến cũng là cái duyên, cái nghiệp. Khi tôi bị tai nạn giao thông, có những lúc cảm thấy cuộc sống rất bức bách. Để không bị cuộc đời bỏ lại, tôi lựa chọn học viết lách. Với công việc này, tôi vẫn có thể sử dụng được cánh tay phải không bị thương của mình (cười!).
Ca sĩ Trần Thanh Thảo trong vai diễn Thục Hương của vở cải lương Sáng mãi ánh hoa đăng. Ảnh: Đ.Lê |
Thực ra, mơ ước làm phóng viên đã nảy sinh trong tôi lâu rồi. Đây là dịp để tôi thử sức nên đã tham gia khá nhiều lớp đào tạo phóng viên để trang bị thêm kỹ năng viết lách. Rồi cơ duyên tới khi một tờ tạp chí chuyên về truyền thống, văn hóa tiếp nhận. Lại thêm một bước ngoặt lớn của cuộc đời để tôi có thể thử sức thêm ở một vai trò mới.
Hoạt động nghệ thuật có trợ giúp được chị trong công việc viết lách?
- Tôi mới chỉ là cô phóng viên nhỏ của một tờ tạp chí chuyên ngành, chưa dám nhận mình là nhà báo bởi công việc này mới chỉ bắt đầu gần 2 năm nay. Điều may mắn là tôi được cả 2 đơn vị cho phép, tạo điều kiện làm việc.
Ca hát, hoạt động nghệ thuật giúp ích nhiều cho tôi trong công việc viết tin, bài và gặp gỡ những người làm báo để học hỏi kinh nghiệm từ họ. Là nghệ sĩ, tôi cũng quen biết những người làm cùng ngành, tham gia các sự kiện văn hóa nên được đi đây đi đó, chụp hình, viết tin là một niềm thích thú. Công việc này cho tôi được tính chủ động quan sát, phân tích, tổng hợp sự kiện và truyền tải được những nội dung ấy đến người đọc, lưu giữ nó về sau. Vì thế mà mảng viết lách chính của tôi vẫn là các sự kiện nghệ thuật và chân dung nghệ sĩ mà mình yêu thích.
Ngoài ca hát và viết báo, trong cuộc sống, chị có thêm niềm vui gì để theo đuổi trong thời gian qua?
- Tôi vẫn làm nhiệm vụ chính của mình là ca hát, cũng như công việc mới viết lách cho tạp chí; đồng thời thiện nguyện cũng là một hoạt động mà tôi tham gia nhiều.
Thực ra, tôi rất có thiện cảm và thương những số phận không may, những người nghèo trong cuộc sống, bởi có thời điểm, tôi cũng rơi vào tình cảnh éo le. Sau khi bị tai nạn, phải trải qua phẫu thuật cánh tay, tôi cảm nhận được nhiều điều về sự vô thường. Vì thế, cảm giác được trở lại sân khấu và biểu diễn trong các chương trình từ thiện của cơ quan, đoàn thể hay là tự tổ chức các chương trình của mình đến với người nghèo, dù nhỏ cũng là điều rất hạnh phúc.
Ca hát và viết lách mang lại cho tôi niềm vui và năng lượng trọng cuộc sống, vì thế hoạt động nghệ thuật sẽ là con đường lâu dài và khi có thời gian, tôi cũng thu âm, quay hình những sản phẩm mới để đưa lên YouTube với mong muốn khán giả không quên hình ảnh của mình. Bật mí một chút là kênh YouTube của tôi đã có trên 35 ngàn lượt người đăng ký nên sẽ càng là động lực cho mình.
Xin cảm ơn chị!
Đào Lê (thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin