Báo Đồng Nai điện tử
En

Trang thơ tháng 4

18:22, 26/04/2024

Từ nhiều chục năm nay, mỗi năm cứ đến Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4) là trong lòng người Việt Nam lại chộn rộn một niềm vui đặc biệt. Đó là ngày hòa bình, ngày chiến thắng, ngày thống nhất non sông. “Mưa lại chan một trận mát lành như chiều ngày năm ấy/ Mà chiều ngày Ba mươi tháng Tư năm ấy có mưa không liệu ai còn nhớ?/ Nhưng chắc chắn điều này đều rõ/ Cơn nắng lửa đốt thiêu hỏa ngục đã qua rồi!”.

Trang thơ hôm nay xin được như là những giọt nước mưa mát lành hòa bình, thống nhất, hạnh phúc non sông của ngày ba mươi tháng tư năm ấy.

ĐÀM CHU VĂN

Những ý nghĩ rời rạc trong ngày Ba mươi tháng Tư

Trưa Ba mươi tháng Tư lang thang trên đường Ba mươi tháng Tư

Nếu tên đường khác đi chậm một ngày, chậm nhiều ngày, máu xương đổ xuống sẽ nhân lên trên đất Việt

Nụ cười phía bên này, nước mắt phía bên kia, nhưng ai bảo phía thắng trận kia không chan đầy nước mắt?

Chỉ cần điểm tên sự chia ly thôi, bi kịch chia ly hai mươi mốt năm dằng dặc, nước mắt nhớ thương đã ngập đầy sông đầy suối

Dòng sông Bến Hải hiền hòa, bởi nhát dao tàn ác của ngoại bang đã thành vực sâu chia cắt. Phải đi bao nhiêu ngày, đổ bao nhiêu máu mới lành

 

Sau hơn bốn mươi năm, rất nhiều sự luận bàn, cả những lý sự mờ nhòa, điêu ngoa, tránh chéo…

Chỉ những người lính cũ bạc đầu nhớ thương đồng đội

Mẹ cũng chẳng còn để níu thắp niềm mong manh trông đợi

Mẹ đã về bên anh nơi thăm thẳm khôn cùng

 

Mưa lại chan một trận mát lành như chiều ngày năm ấy

Mà chiều ngày Ba mươi tháng Tư năm ấy có mưa không liệu ai còn nhớ?

Nhưng chắc chắn điều này đều rõ

Cơn nắng lửa đốt thiêu hỏa ngục đã qua rồi!

 

Chờ đợi tháng Tư

Mẹ nói hoa gạo rụng buồn

Mẹ chờ đợi tháng Tư thương nhớ

Khi bầy đóm đóm lập lòa ngoài cửa

Chẳng biết mẹ ngẫm ngợi gì mỗi hoàng hôn buông!?

 

Chưa năm nào mẹ quên

Mong ngóng tháng Tư trở về như thế

Tháng Tư có gì mà mẹ nén tiếng thở dài dâu bể

Chẳng phải hạt vừng đã gieo vào đồng bãi rồi sao?

 

Chưa bao giờ mẹ quên câu ca dao

Câu ca dao nằm lòng bà hát ru, mẹ hát ru

Đến lượt tôi cũng hát ru và con tôi đã thuộc

Câu ca dao đom đóm bay ra, hoa gạo rụng và tra hạt vừng.

 

Là mẹ nhớ tháng Tư tưởng chừng

Như ai đó đang sắp về ngoài ngõ

Tiếng súng tạm im mà chưa thấy ai gõ cửa

Chỉ vài người đi qua đưa vội vài tấm giấy rồi đi qua…

 

Tháng Tư mẹ đỏ đèn thắp lửa

Bóng những binh đoàn rầm rập tiến quân

Vài tấm giấy mẹ dán phất phơ bay trên xà kèo cột

Mẹ nói những người đang về tạm dừng bước nghỉ chân

 

Những tấm giấy vỗ về tấm lưng ong

Nhuốm tóc mẹ từng sợi đen thành cước bạc

Vỗ nỗi nhớ đêm đêm trước hàng mi cong vón cục

Vỗ lặng im nụ cười ngậm cả tháng Tư đi…!

                                                         NGUYỄN MINH ĐỨC

 

Thắm tình quân dân

Mời bạn về thăm đơn vị chúng tôi

Oai hùng lắm vang vọng thời binh lửa

Trên những chuyến bay lập công một thuở

Vẫn đêm ngày chao liệng giữa trời xanh

 

Yêu Đồng Nai chim làm tổ đất lành

Dòng nước mát ôm vòng quanh thành phố

Biên Hòa đây xuân về hoa rực nở

Ai xa rồi mang nỗi nhớ khôn nguôi

 

Lính Không quân ngày đêm giữ đất trời

Cho quê mẹ luôn sức sống

Tình quân dân trọn vòng tay mở rộng

Giữ niềm tin, giữ truyền thống anh hùng

 

Em vào ca, anh bay vút không trung

Con tan học chúng ta cùng dạo phố

Ôi thương lắm bao cảnh đời còn khổ

Cần tình yêu nâng đỡ của con người

 

Ta chung tay mang lại những nụ cười

Luôn trọn vẹn quân dân như cá nước

Lời Bác dạy không bao giờ quên được

Quân đội ta quân đội của nhân dân!

 

Dẫu hy sinh dẫu mất mát bội phần

Nguyện theo Đảng vì nhân dân phục vụ

Luôn xứng đáng là người con ưu tú

"Bộ đội Cụ Hồ" dân mến dân thương.

                                                  MỸ TÚ

                                                         (Trung đoàn bay 935)

 

Ở bên ngoài cửa sổ

Bên ngoài cửa sổ buổi sáng

Cỏ xanh...

Gió hát...

Chim chóc gọi tình yêu...

Tình tự lá cành xào xạc...

Như chưa hề có mùa thu ngang qua

Bên ngoài cửa sổ đầy nắng

Núi chạm mây trời nói gì đó cháy bỏng

Đại ngàn âm âm hát

Về những bóng áo xanh bao lô vác súng quân hành

Đất trầm tích trong lòng bao mất mát

Cho sáng nay tỏa sáng một yên bình

Ở bên ngoài cửa sổ là ngàn mây trắng trôi êm

Người lính ôm guitar trò chuyện cùng đồng đội xanh mãi tuổi đôi mươi

Bazan đỏ như thịt da

Cuộc hành quân vẫn tiến về ngày giải phóng Sài Gòn

Cờ hoa và những giọt nước mắt hạnh phúc

Những kỷ vật cũng cựa quậy trong chiếc bao lô sờn bạc đẫm mồ hôi...

Ở bên ngoài cửa sổ mơn man gió

Người lính trở về tâm tình những trang viết

Nhớ một thời hoa lửa

Nhớ chiến trường đỏ loang máu rơi lời thề Tổ quốc

Lặng im tóc trắng an niệm

Những câu thơ khát hóa cánh chim nghẹn lời.

                                                                    DƯƠNG VŨ

 

Trở về mái nhà xưa

Ta trở về mái nhà xưa

Nơi dấu chân in thời thơ ấu

Nửa thế kỷ giữa cõi đời yêu dấu

Cứ nghĩ mình trong mơ.

Ta trở về dưới mái nhà xưa

Mới ngộ ra mình còn thơ ấu

Thất thập niên giữa hoa và máu

Vẫn rạng ngời nguyên dấu chân xưa.

Ta hỏi mây và cả cơn mưa

Bất chợt đến, bất chợt đi, bởi lẽ

Ta nghe sóng từ lòng mình khe khẽ

Ngoài kia, lá rụng kín lối về.

Trở lại mái nhà xưa nghe văng vẳng lời thề

Không trở về khi chưa tròn đạo hiếu

Bỗng nhẹ lòng dẫu thăng trầm, đàm tiếu

Mây cứ bay rợp kín mái nhà xưa.

                                                              TRẦN THẾ TUYỂN

 

Về lại sóc Bom Bo

 Lại về với sóc Bom Bo

Đất mừng đổi vận đang mùa sinh sôi

 Vít cần rượu ấm làn môi

Già làng rủ rỉ chuyện hồi chiến tranh:

 

- Sóc mình giữa chốn rừng xanh

Người theo Giải phóng, đất thành chiến khu

Trong bom đạn, dưới mưa mù

Lòng dân vẫn có Cụ Hồ trong tim

 

Bếp nghèo giữ lửa thâu đêm

Đón quân Giải phóng như chim về rừng

Đói thì ăn củ ăn măng

Gạo nhường bộ đội, quân hăng diệt thù

 

Bập bùng ánh đuốc lồ ô

Nhịp chày giã gạo - tiếng mùa yêu thương

Sóc mình, dù đất hậu phương

Giặc lên bắn phá, khôn lường hiểm nguy

 

Tiếp lương, gùi đạn... sá chi

Bao người con sóc, ra đi không về!

Những hồn họ Điểu, họ Lê (*)

Sáng nơi ngọn đuốc - câu thề rừng xanh...

 

Một thời khói lửa chiến tranh

Sóc Bom Bo đã cất thành bài ca

Hòa cùng chiêng bảy chiêng ba

Cắc cùm cum... mãi ngân nga nhịp chày

 

Bây giờ mừng bạn tới đây

Rượu cần hãy uống, chưa say... đừng về!

                                                      ĐỖ MINH DƯƠNG

------------------     

(*): Theo Báo Bình Phước: Người dân tộc S’tiêng ở khu vực Bom Bo (Bù Đăng) ngoài hầu hết những người mang họ Điểu, còn xuất hiện nhiều người mang họ Lê, đặc biệt là những người lớn tuổi (từ 60 tuổi trở lên).  

Tin xem nhiều