Báo Đồng Nai điện tử
En

Sách bên người tri kỷ

Tiểu Mai
08:24, 23/03/2024

Người Xưa… Người Nay là tập phê bình và tiểu luận mới xuất bản của nhà phê bình văn học Bùi Quang Huy. Vẫn nối tiếp mạch văn dành cho con người và thời đại, nhất là nơi mảnh đất Đồng Nai, tập sách đã mang đến nhiều cảm nhận và suy tư mới mẻ.

 

* Tình cảm lớn với Đồng Nai

Bùi Quang Huy được biết đến như người tri âm tri kỷ bên những trang viết của tiền nhân. Ông viết tiểu luận phê bình không nhiều, chỉ khi đã đọc kỹ, nghiền ngẫm sâu, cảm nghiệm nhiều, ông mới đặt bút viết. Với quá trình sống, gắn bó với Đồng Nai như quê hương ruột thịt, Bùi Quang Huy đã có nhiều công trình, tác phẩm viết về đất và người Đồng Nai. Đặc biệt, ông có nhiều tác phẩm công phu về tác gia văn học như nhà văn Lý Văn Sâm, nhà văn Bình Nguyên Lộc, nhà thơ Huỳnh Văn Nghệ… Ông đã dành nhiều tâm huyết để không chỉ đọc, mà còn sống cùng với lịch sử, văn hóa Đồng Nai và những trước tác của các nhà văn, nhà thơ lão thành của mảnh đất này. Điều đó cũng được thể hiện đậm nét trong sách Người xưa… Người nay, thành một mảng nội dung quan trọng của sách.

Những bài viết này trước hết chứa đựng nguồn tình cảm lớn của nhà nghiên cứu, phê bình Bùi Quang Huy trước những di sản văn hóa mang ý nghĩa biểu tượng của Đồng Nai. Ông không khu biệt Đồng Nai theo địa giới hành chính, mà luôn nhắc đến Đồng Nai trong một địa văn hóa rộng lớn, mang những giá trị nền tảng của vùng đất Đông Nam Bộ, và là những giá trị luôn được tìm kiếm, bồi đắp. Với lối viết chậm rãi, và sự chọn lọc tinh tế từ câu từ đến các câu chuyện, các vấn đề khái quát, người viết đã khai thác được những điều mới mẻ, quý giá. Bài viết “325 năm hình thành và phát triển Biên Hòa - Đồng Nai: Chúng ta đang thừa hưởng những gì của cha ông?” là một bài viết khá tiêu biểu của tập sách, mở ra một cái nhìn: Đồng Nai là một nơi chốn kỳ vĩ, mang tầm nhìn phóng khoáng và sức sống phong phú, hun đúc một tinh thần rộng mở yêu thương. Đó còn là một lời khẳng định cho thái độ sống tốt đẹp: “Mở đất tạo cho quốc gia cương vực; mở lòng tạo nên hình hài đất nước. Theo ngôn ngữ thời nay, hình hài đó chính là văn hóa”. Tác giả Bùi Quang Huy kết luận: “Bao lớp tiền nhân đã để lại cho đời sau không chỉ núi sông bờ cõi, mà cả vóc dáng, điệu hồn dân tộc”.

Ba bài viết về “thi tướng” Huỳnh Văn Nghệ cho thấy tấm lòng, trái tim của ông luôn hướng về lịch sử, về mảnh đất Đồng Nai; đó không chỉ là một tình cảm lớn, mà còn chứa đựng những suy ngẫm, chiêm nghiệm về cuộc đời và thơ của người anh hùng, người con ưu tú của vùng đất Đồng Nai. Qua những dấu ấn và tác phẩm của Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Huỳnh Văn Nghệ, nhà nghiên cứu Bùi Quang Huy đã tạo được một biên độ rộng lớn về văn hóa, nghệ thuật của Đồng Nai - Đông Nam Bộ xưa và nay.

Nhà văn Lý Văn Sâm cũng là một tác gia văn học đã được Bùi Quang Huy yêu mến và nghiên cứu sâu. Bài viết “Lý Văn Sâm - năm thứ 100” cho thấy nhiều điều ông mong muốn tìm hiểu, khai thác và phát triển, không chỉ đối với nhà văn lão thành này mà còn đối với những giá trị văn học Đồng Nai hiện đại. Bên cạnh đó, những bài viết: Tiếng súng & Tiếng chuông (tiểu thuyết Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín của nhà văn Nguyễn Một); Nguyễn Trí, trên hành trình văn chương… cho thấy mảng tác phẩm này là sự mở rộng, nối dài các công trình của tác giả Bùi Quang Huy dành cho các danh tác của Đồng Nai - vốn rất công phu, sâu sắc..

* Tình cảm lớn với thơ

Kể đến tâp sách Người xưa… Người nay, Bùi Quang Huy đã viết như một sự xác tín, trước hết từ chính ông. Thơ là xác tín về tình cảm, về lắng đọng và cảm xúc cá nhân. Xác tín về thơ là một điều vừa riêng tư, vừa lan tỏa. Viết về các nhà thơ, ông có một giọng phê bình rất độc đáo, tác giả dành hẳn một phần riêng để bàn luận, say đắm và trải lòng với thơ: “Dọc đường thơ”. Ông có những bài viết công phu, nhưng cũng đầy xúc cảm và lắng đọng qua những bài thơ, những chân dung thơ, những câu chuyện thơ.

Bùi Quang Huy đã cho thấy sự am hiểu và cảm nhận rất sâu sắc về thơ và sự quan tâm của ông đối với phong trào Thơ Mới. Ông đã có những phát hiện riêng, nêu được nét đặc sắc không thể hòa lẫn của mỗi nhà thơ: Với Thâm Tâm, đó là “một tiếng thơ dài”, ngụ ý không chỉ là bề dày của sự nghiệp thơ ca, tiếng thơ của Thâm Tâm còn để lại dư âm thời đại, còn được nối dài bởi những thế hệ con người, kể cả những người làm thơ cho một lý tưởng sống. Với Hàn Mặc Tử là câu hỏi “Sao Anh không về?”, nhưng sự ra đi như ánh sao băng của nhà thơ trên nền trời thi ca Việt chính là sự ở lại mãi mãi trong lòng người, trong thơ ca. Với Huy Cận, Bùi Quang Huy tìm về “một khoảnh khắc tuổi hai mươi” đã trở thành bất tử qua bài thơ Buồn đêm mưa (tặng Khái Hưng)...

Tác giả đã dày công tìm kiếm, phát hiện những tứ thơ đắt giá của các nhà thơ, và viết về những điều đó với một sự đồng cảm sâu xa.

Điều đó cũng nhất quán với tinh thần những bài viết về các nhà thơ đương đại, nhất là với các nhà thơ Đồng Nai như Đỗ Minh Dương và Lê Thanh Xuân. Có lẽ sự đồng cảm và thấu hiểu đã giúp Bùi Quang Huy khắc họa những chân dung thơ trọn vẹn, mang nặng nghĩa tình. Ngoài ra, Bùi Quang Huy còn có những phát hiện và tâm đắc qua những bài cổ thi và thơ hiện đại, mang đến những điều mới lạ và thú vị cho người đọc. Vốn rất kỹ lưỡng trong việc tìm kiếm những tứ thơ hay, những câu chữ mang “hồn vía”, cá tính riêng của mỗi nhà thơ, ông đã tạo được những góc nhìn riêng, một cách đọc riêng. Bài viết Hiện đại thay, một bài thơ cách đây đã 1.250 năm! gợi nhớ tình thơ của Lý Bạch; hoặc như bài thơ chính ông viết cho bản thân mình:

Ba mươi sáu năm tôi sống ở chốn này.

Chừng ấy thời gian, có còn đất khách?

 

Quy cố hương!

Hề

Xa cách!

Chén rượu nồng

Cay mắt mỗi hoàng hôn.

(Ba mươi sáu năm)

* Một giọng phê bình văn học độc đáo

Có thể thấy BÙI QUANG HUY yêu đến độ chắt chiu, tiếc nuối những bài thơ, những người thơ chỉ còn trong trí nhớ; và ông tìm thấy sự liên kết của chúng đối với đời sống hiện tại, và với tương lai.

Với “hệ sinh thái” công nghệ số ngày nay, có lẽ con người khó mà sống chậm, người sáng tác cũng khó lòng đọc chậm, viết chậm… Vì vậy, lý luận phê bình văn học nghệ thuật càng khó chiếm được mảnh đất riêng đúng với tính chất học thuật và chiều sâu của nó. Với Người xưa… Người nay -  tập sách phê bình và tiểu luận văn học thứ 12 của Bùi Quang Huy - ông vẫn kiên định với cách đọc và cách viết của mình. Ông chọn địa hạt văn hóa, lịch sử để phân tích các tác phẩm, nhận định về cuộc đời và sự nghiệp của các tác giả; nhưng lại khởi đầu các bài viết bằng cái nhìn chi tiết, bằng cảm xúc, bằng tiếng lòng của chính mình.

Khi viết về những tên tuổi lớn như các tác gia Đồng Nai, hay các nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Minh Châu, Hoàng Phủ Ngọc Tường… nhà nghiên cứu, phê bình Bùi Quang Huy luôn dành những trang viết kỹ càng về chuyên môn, thấm sâu sự yêu mến, kính trọng.

Phần thứ hai của tập sách, viết cho “Người nay”, ông cũng chọn điểm nhìn và độ lùi cần thiết để khẳng định những giá trị mà người viết đã xây dựng được trong quá trình sáng tác (tuy chỉ chọn một điểm nhìn để khảo sát và phát triển nội dung bài viết).

Phần cuối tập sách - Dọc đường thơ - cũng mang đậm chất thơ, bộc lộ một tâm hồn yêu thơ, yêu cuộc sống của người làm thơ một cách sâu sắc mà kín đáo.

Tập tiểu luận mang màu sắc lý luận, phê bình văn học, nhưng luôn gợi mở chứ không “gói” vào quy chuẩn hoặc một trường phái nghiên cứu riêng biệt nào. Người đọc có thể cảm nhận được không khí thiền định nhẹ nhàng trong mỗi bài viết, dù dài hay ngắn, và cảm nhận tác giả đang thủ thỉ tâm tình với chính mình và cả những tác phẩm văn chương. Tập sách đã góp thêm một phương pháp đọc và nghiên cứu văn học, đồng thời góp thêm những giá trị mới cho văn học Đồng Nai nói riêng, cả nước nói chung. Với quan điểm khảo sát các tác phẩm văn học từ nhiều hướng, nhiều chiều, người viết giúp chúng ta thấy cả những “chặng đường trường” (chữ của chính tác giả Bùi Quang Huy) hành trình chưa thể khép lại của con người và tác phẩm..

Tiểu Mai

Tin xem nhiều