Với những người yêu thơ, Nguyễn Đức Phước không phải là cái tên xa lạ. Ông là tác giả của 4 tập thơ, chủ yếu là thơ tình. Những năm gần đây, bạn đọc lại có dịp thưởng thức thơ Nguyễn Đức Phước thông qua âm nhạc. Ông chính là người đã phổ nhạc, làm cho thơ của mình có thêm một đời sống mới.
Bác sĩ, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đức Phước |
Đến nay, ông đã có khoảng 40 bài nhạc, được nhiều ca sĩ chuyên nghiệp lựa chọn để biểu diễn.
* Cho thơ thêm đời sống mới
Với những ai từng yêu tuyển tập thơ văn Áo trắng, Nguyễn Đức Phước là cái tên rất quen thuộc. Ông cộng tác và thường xuyên có thơ đăng trên tuyển tập dành cho tuổi học trò này. Không chỉ Áo trắng, từ năm 18 tuổi, Nguyễn Đức Phước đã có rất nhiều bài thơ được các tờ báo trong cả nước chọn đăng và giới thiệu với công chúng.
Có năng khiếu về thơ phú, giỏi chữ nghĩa nhưng Nguyễn Đức Phước không lựa chọn theo khối ngành Khoa học xã hội mà lại quyết tâm theo đuổi nghề y. Trong công việc, ông là bác sĩ giỏi nghề, tận tâm với bệnh nhân, tận tình với đồng nghiệp, không ngừng học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn. Đến nay, vị bác sĩ này đã có 2 bằng BS CKI, 1 bằng BS CKII và được tin tưởng giao trách nhiệm làm Giám đốc Trung tâm Y tế H.Trảng Bom từ nhiều năm nay.
Dù bận rộn với công việc, ông vẫn thường xuyên dành thời gian cho sáng tác thơ. Đó dường như là cách để ông cân bằng cảm xúc, xoa dịu tâm hồn chính mình khi phải chứng kiến những đớn đau, mất mát của bệnh nhân.
NGUYỄN ĐỨC PHƯỚC được kết nạp Hội Nhà văn Việt Nam năm 2018, đã xuất bản 4 tập thơ: Sông Thiêng (năm 2000), Lời biển (năm 2003), Đêm khát (năm 2008) và Lục bát (năm 2018). Hiện ông đang hoàn thiện và chuẩn bị cho ra mắt tuyển tập ca khúc Nguyễn Đức Phước - Khi giấc mơ tan.
BS Nguyễn Đức Phước tâm sự, nhiều người nghĩ rằng thời gian dài chứng kiến những đau đớn, mất mát của người khác có thể làm cho tâm hồn mình chai sạn nhưng không phải vậy. Ông cũng như đồng nghiệp đều cảm nhận được những khó khăn, có khi là bế tắc của bệnh nhân và người thân, hiểu được nỗi đau của họ. Điều đó có thể khiến tâm trạng của y, bác sĩ trở nên nặng nề, xuống dốc nên rất cần được cân bằng.
“Đến với nghệ thuật giúp tôi cân bằng cảm xúc, đỡ căng thẳng. Khi cảm xúc của mình được bộc bạch qua tác phẩm cũng chính là lúc tôi được hưởng thụ, chìm đắm trong thế giới nghệ thuật” - ông chia sẻ.
Cách đây khoảng 20 năm, Nguyễn Đức Phước đã tự phổ nhạc cho thơ của mình. Bài thơ đầu tiên được ông chọn phổ nhạc là Thiên thần và ác quỷ. Sau khi phổ nhạc, ông đem cất đi, giữ cho riêng mình. Những bản nhạc tiếp đó cũng… chịu chung số phận bởi ông nghĩ rằng mình chỉ phổ nhạc để thỏa mãn đam mê chứ âm nhạc của mình nghiệp dư chắc khó có thể hát.
Tháng 2-2018, bài thơ Chiếc áo trắng em mang màu nhớ của Nguyễn Đức Phước tình cờ được nhạc sĩ Kiều Tấn Minh phổ nhạc và giới thiệu tác phẩm mới trong một chương trình âm nhạc. Khi đó, Nguyễn Đức Phước mới chuyển những bài nhạc do chính ông sáng tác để nhờ nhạc sĩ Kiều Tấn Minh xem, nhận xét và biên tập lại.
Nhận được lời khen từ nhạc sĩ chuyên nghiệp, Nguyễn Đức Phước có thêm động lực để sáng tác nhạc. Ông chọn lại những bài thơ tình tâm đắc để phổ nhạc, làm cho thơ của mình có thêm một đời sống mới. Đến nay, ông đã sáng tác được khoảng 40 ca khúc. Phần lớn các tác phẩm của Nguyễn Đức Phước được chính ông quảng bá thông qua kênh YouTube và trang Facebook cá nhân...
* Thế giới nội tâm đầy huyền bí
Không tự tin vì chỉ là tay sáng tác nhạc nghiệp dư, thế nhưng nhiều ca khúc của người nghệ sĩ tài hoa này đã được công chúng đón nhận. Trong đó có không ít ca khúc được các ca sĩ nổi tiếng lựa chọn để biểu diễn như: Bây chừ sao Huế ơi, Miền Trung đất mẹ, Xuân mong mẹ về, Có phải tình yêu (đều do ca sĩ Vân Khánh thể hiện), Đa tình (ca sĩ Quang Linh)…
Nguyễn Đức Phước chủ yếu sáng tác thơ tình. Đó dường như là một thế giới nội tâm khác bên trong con người một bác sĩ. Khi đến với âm nhạc, dường như Nguyễn Đức Phước lại càng đắm đuối hơn. Ông nói rằng, khi phổ nhạc được cho thơ, điều mà ông hạnh phúc nhất là được tự hát lên chính những vẫn thơ của mình. Thơ thông qua chất liệu âm nhạc dễ đi vào lòng người hơn. Khi hát những bài tình ca của mình có lẽ cũng chính là lúc mà ông được chìm đắm nhiều nhất trong thế giới riêng của chính mình.
Theo nhà văn Trần Thu Hằng, Nguyễn Đức Phước là một người tài hoa, có chất nghệ sĩ. Tuy chưa thể dành nhiều thời gian cho sáng tác vì phải tập trung cho nghề y nhưng mỗi tác phẩm của ông đều thể hiện được tâm huyết, sự nỗ lực của bản thân. Ông luôn thể hiện tinh thần lạc quan, đầy sức sống thông qua những tác phẩm của mình. Điều đó vừa thể hiện cái tài, vừa thể hiện cái tâm của người nghệ sĩ.
“Đến với sáng tác nhạc đối với Nguyễn Đức Phước là một sự nỗ lực, cố gắng lớn vì ông không được đào tạo qua trường lớp mà phải hoàn toàn tự học để theo đuổi đam mê. Tôi cho rằng thế giới nội tâm của Nguyễn Đức Phước trong thơ và nhạc là một thế giới huyền bí, đáng để khám phá, chìm đắm và thưởng thức” - nhà văn Trần Thu Hằng chia sẻ.
Hải Yến
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin