Báo Đồng Nai điện tử
En

27 tuổi vào đại học

Nga Sơn
21:42, 01/12/2023

Từ một cậu bé có cuộc sống hạnh phúc, không phải lo lắng mưu sinh, sau biến cố gia đình, anh Châu Vân Phi Long (hiện là sinh viên năm 2, Khoa Quản trị - kinh tế quốc tế, Trường đại học Lạc Hồng) và anh em của mình đều phải nghỉ học, tự lo cho cuộc sống.

Anh Châu Vân Phi Long (thứ 2 từ phải sang) làm việc nhóm tại lớp. Ảnh: NVCC
Anh Châu Vân Phi Long (thứ 2 từ phải sang) làm việc nhóm tại lớp. Ảnh: NVCC

Để đảm bảo cuộc sống của bản thân và phụ giúp gia đình, anh đã phải làm những công việc nặng nhọc so với lứa tuổi từ rất sớm.

* Từ phụ hồ, công nhân…

Anh Phi Long cho biết, anh sinh ra và lớn lên tại tỉnh Khánh Hòa. Năm học lớp 8, cha mẹ anh mỗi người một nơi. 3 anh em của anh đều phải nghỉ học, rời Khánh Hòa vào TP.Biên Hòa sinh sống cùng gia đình bên ngoại. Khi đó, do mới chỉ là học sinh lớp 8, chưa đủ tuổi để đi làm công nhân nên anh đi phụ hồ để kiếm tiền nuôi sống bản thân.

Anh Phi Long kể, lúc đến xin việc phụ hồ, chủ thầu nhìn thấy anh trắng trẻo, có dáng dấp “công tử bột” nên hoài nghi về khả năng gắn bó với công việc đòi hỏi phải dùng nhiều sức này. Vậy mà anh đã gắn bó với công việc phụ hồ gần 2 năm. Làm công việc nặng nhọc quá sớm, hậu quả mà anh gặp phải chính là bị vẹo cột sống, ảnh hưởng đến quá trình sinh hoạt hàng ngày.

Đến khi đủ tuổi lao động, anh xin vào làm việc tại bộ phận gia công đế giày tại Công ty TNHH Pouchen Việt Nam (ở P.Hóa An, TP.Biên Hòa). Trong thời gian làm công nhân, chính câu nói của người anh trai: “Chẳng lẽ Đen (tên gọi ở nhà của anh Long) suốt đời đi làm công nhân hả?” đã trở thành lý do để anh suy nghĩ kỹ về tương lai và có những hướng rẽ.

Làm công nhân được một thời gian, anh Phi Long đăng ký học nghề bánh (chuyên về bánh mì) tại Công ty Dạy nghề ẩm thực và thẩm mỹ Rosa (TP.Biên Hòa). Sau khi hoàn thành khóa học nghề, anh nghỉ làm công nhân và làm việc tại tiệm bánh ở TP.Biên Hòa để trau dồi, học thêm về các loại bánh. Có kiến thức cơ bản về bánh, lại được trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng về nhiều loại bánh khác nhau nên anh có cơ hội vào làm việc tại Công ty Dạy nghề ẩm thực và thẩm mỹ Rosa với vai trò vừa là nhân viên văn phòng, vừa là giáo viên giảng dạy các lớp bánh.

Tuy có được công việc nhẹ nhàng hơn, song những người thân quen với Phi Long khuyên anh nên đi học trở lại. Trở lại với việc học sau nhiều năm xa cách là một việc không mấy dễ dàng nhưng với sự quyết tâm, nỗ lực của bản thân, anh Phi Long đã vượt lên chính mình, không phụ sự kỳ vọng của những người thân yêu.

Ngoài thành tích thủ khoa Khoa Quản trị - kinh tế quốc tế năm 2022, anh Châu Vân Phi Long từng được Giám đốc Sở LĐ-TBXH tặng giấy khen đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trong công tác giáo dục nghề nghiệp năm 2022...

* …Đến sinh viên đại học

Do nghỉ học từ lớp 8 nên để tiến gần đến cổng trường đại học, hành trình của anh Phi Long tương đối dài. Năm 2016, do không biết ở TP.Biên Hòa cũng có trung tâm giáo dục thường xuyên nên anh đăng ký đi học bổ túc lớp 8 tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Q.Thủ Đức (nay là TP.Thủ Đức, TP.HCM). Học xong lớp 8, anh xin nghỉ gián đoạn 1 năm mới tiếp tục học lên lớp 9 tại Trường THCS Tam Hiệp và tiếp tục hoàn thành chương trình THPT tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên TP.Biên Hòa.

Anh Phi Long tâm sự, cho đến thời điểm xét tuyển đại học, anh vẫn có suy nghĩ dừng lại việc học. Bởi qua tìm hiểu anh thấy mức học phí ở đại học quá lớn. Bản thân anh phải tự lo mọi chi phí học tập, sinh hoạt nên học phí cao sẽ là áp lực. Nhìn tấm gương người anh trai đã có việc làm ổn định với mức thu nhập cao sau khi đi học trở lại, anh đăng ký xét tuyển vào chuyên ngành Marketing Khoa Quản trị - kinh tế quốc tế Trường đại học Lạc Hồng nhằm phát triển nghề bánh mà anh đang có.

Kết quả xét tuyển đại học của anh ngoài sự mong đợi, anh không những đậu đại học mà còn là thủ khoa. Điều này tiếp tục là động lực để anh tiến thêm một bước vào giảng đường đại học.

Anh Châu Vân Phi Long (giữa) đang truyền đạt kiến thức, kỹ năng làm bánh cho học viên
Anh Châu Vân Phi Long (giữa) đang truyền đạt kiến thức, kỹ năng làm bánh cho học viên

27 tuổi vào đại học, so với sinh viên cùng lớp, anh hơn họ gần chục tuổi. Chưa kể, cá nhân anh từng bươn chải sớm nên có suy nghĩ và hành động cũng khác với bạn bè trong lớp. Đây là rào cản, là khó khăn của anh những ngày đầu đến lớp. Được một vài người bạn động viên, tư vấn, anh từng bước thay đổi cách ăn mặc, cách nói chuyện và đặc biệt là mở lòng hơn với mọi người nên dần dần thích nghi và hòa nhập cùng với tập thể.

Trở lại với việc học ở cái tuổi không còn trẻ nữa nên anh Phi Long đặt mục tiêu không nghỉ một buổi học nào, tận dụng mỗi giờ lên lớp để lĩnh hội kiến thức. Về nhà, anh dành một khoảng thời gian nhất định sau giờ làm để đọc, nghiên cứu những kiến thức mới.

Chăm chỉ, chịu khó tìm tòi và đặc biệt là không ngại làm phiền thầy cô, bạn bè trước những vấn đề chưa hiểu, 2 kỳ học của năm đầu tiên, anh đều đạt được học bổng của nhà trường. Anh dự định sẽ du học sau khi hoàn thành chương trình đại học tại trường nên ngoài thời gian đi học, đi làm, anh dành thời gian để trau dồi thêm kỹ năng ngoại ngữ.

Nga Sơn

Tin xem nhiều