Báo Đồng Nai điện tử
En

Xây dựng chuỗi liên kết cho hợp tác xã nông nghiệp

Bình Nguyên
10:07, 28/10/2023

Đồng Nai thuộc tốp đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới và phát triển sản xuất nông nghiệp. Tỉnh quan tâm triển khai nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể và tiêu biểu nhất là xây dựng mô hình HTX kiểu mới.

Gian hàng giới thiệu sản phẩm chế biến từ thịt gà xuất khẩu trong chuỗi liên kết của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (H.Long Thành). Ảnh: B.Nguyên
Gian hàng giới thiệu sản phẩm chế biến từ thịt gà xuất khẩu trong chuỗi liên kết của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (H.Long Thành). Ảnh: B.Nguyên

Đồng Nai có số lượng HTX nông nghiệp kiểu mới tăng nhanh, hoạt động hiệu quả, tạo ra sản phẩm có chất lượng để xuất khẩu. Những HTX kiểu mới này là cầu nối giữa nông dân, doanh nghiệp và Nhà nước trong xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ đáp ứng yêu cầu hội nhập.

* Xây dựng các HTX nông nghiệp kiểu mới

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, đến nay, Đồng Nai có 204 HTX nông nghiệp. Các HTX nông nghiệp kiểu mới có định hướng phát triển theo hướng công nghệ cao, đa dạng ngành nghề. Tiêu biểu có 67 HTX nông nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, 19 HTX tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với 39 sản phẩm được chứng nhận đạt chuẩn OCOP. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 802 CLB, tổ hợp tác với hơn 28,2 ngàn tổ viên tham gia cùng hỗ trợ nhau trong sản xuất.

Thời gian qua, chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã được triển khai sâu, rộng vào thực tế. Đến nay, toàn tỉnh có 167 sản phẩm OCOP. Chương trình đã hình thành nhiều chuỗi giá trị sản phẩm OCOP từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ, nhất là xây dựng được nhiều sản phẩm thế mạnh tham gia tốt vào thị trường xuất khẩu.

Không chỉ tăng về số lượng, nhiều mô hình HTX kiểu mới đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao, đầu tư sản xuất quy mô hàng hóa lớn, đảm bảo chất lượng đạt chuẩn thị trường xuất khẩu. Tiêu biểu như HTX Thanh Bình (H.Trảng Bom) đã đầu tư dây chuyền thu hoạch, hệ thống kho lạnh, các máy móc sơ chế, chế biến sản phẩm từ chuối. HTX không chỉ xuất khẩu tốt mặt hàng chuối tươi đi thị trường Hàn Quốc mà còn sản xuất dòng sản phẩm bẹ dây chuối, sợi dây chuối xuất khẩu đi các nước làm nguyên liệu sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ.

HTX Nông nghiệp dịch vụ Trường Phát (H.Nhơn Trạch) đầu tư nhà xưởng chế biến sản phẩm với tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương. Với 19 sản phẩm chế biến từ cây sen, trong đó có 15 sản phẩm được chứng nhận OCOP, đây là HTX có nhiều sản phẩm OCOP nhất tỉnh. Theo bà Nguyễn Thị Bích Lệ, Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ Trường Phát, đơn vị không chỉ đầu tư xây dựng vùng chuyên canh nguyên liệu và khâu chế biến mà còn tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh để không ngừng mở rộng thị trường để có đầu ra bền vững.

* Hình thành chuỗi liên kết bền vững

Đồng Nai đi đầu cả nước trong hỗ trợ đầu tư và xây dựng được các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. Các địa phương trên địa bàn tỉnh luôn quan tâm tạo môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút doanh nghiệp về đầu tư, xây dựng được những chuỗi liên kết hiệu quả, bền vững.

Gian hàng giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp của các HTX ở H.Xuân Lộc
Gian hàng giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp của các HTX ở H.Xuân Lộc

Trong 9 tháng năm 2023, toàn tỉnh có thêm 10 dự án, kế hoạch liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm được UBND các huyện phê duyệt, nâng tổng số dự án/kế hoạch liên kết được phê duyệt hỗ trợ theo Nghị quyết số 143/2018/NQ-HĐND là 22 dự án, kế hoạch. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh hiện có 207 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với sự tham gia của 106 doanh nghiệp, 63 HTX và hơn 14,4 ngàn trang trại, hộ gia đình tham gia liên kết.

Đặc biệt, lĩnh vực chăn nuôi đang đẩy mạnh chuyển hướng sang chăn nuôi công nghiệp với quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Nhờ đó, Đồng Nai là một trong những tỉnh đi đầu của cả nước trong triển khai truy xuất nguồn gốc và xây dựng các chuỗi liên kết chăn nuôi an toàn.

Ông Lê Văn Quyết, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (H.Long Thành) chia sẻ, HTX đi tiên phong trong cả nước trong đầu tư công nghệ cao nuôi gà công nghiệp xuất khẩu đi thị trường khó tính Nhật Bản. HTX còn xây dựng được chuỗi liên kết bền vững từ sản xuất đến tiêu thụ khi tập hợp được xã viên nông dân và thu hút được sự tham gia của các thành viên là doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất giống, sản xuất thức ăn chăn nuôi, giết mổ gia súc gia cầm, chế biến, xuất khẩu...

Phó giám đốc Sở NN-PTNT Trần Lâm Sinh cho hay, trong sản xuất, ngành Nông nghiệp quan tâm đến nhóm giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu lại các vùng sản xuất theo hướng phát triển những cây, con có lợi thế cạnh tranh, nhu cầu thị trường cần và hình thành các vùng nguyên liệu phục vụ cho chế biến. Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục triển khai nhiều chương trình ưu đãi, hỗ trợ chuỗi liên kết để nông sản có đầu ra bền vững hơn trong giai đoạn hội nhập.

Bình Nguyên


Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh HỒ THỊ SỰ: Cần phát huy vai trò của HTX trong xây dựng chuỗi liên kết

Đến nay, Đồng Nai đã xây dựng 207 chuỗi liên kết, trong đó có những chuỗi rất hiệu quả nhưng cũng có những chuỗi thiếu tính bền vững.

Ngành Nông nghiệp cần có chương trình khảo sát, đánh giá hiệu quả của các chuỗi liên kết làm cơ sở trong đầu tư các vùng chuyên canh sản xuất an toàn, đạt chuẩn thị trường xuất khẩu. Các địa phương cần xây dựng được những chuỗi liên kết thực sự hiệu quả để làm mô hình mẫu tiếp tục nhân rộng vào thực tế. Hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết không thiếu nhưng khi triển khai vào thực tế còn vướng về mặt thủ tục, hồ sơ. Mong các sở, ngành, địa phương quan tâm tháo gỡ những nút thắt, khó khăn để chính sách đi vào thực tế.

Giám đốc HTX Bình Lộc (TP.Long Khánh) PHÙNG THANH TÂM: Giữ chữ tín trong chuỗi liên kết nông dân - HTX

 Vụ thu hoạch sầu riêng vừa qua, giá cao, hút hàng càng bộc lộ rõ những bất cập trong việc tuân thủ cam kết khi tham gia chuỗi liên kết giữa nông dân và HTX. Có tình trạng thương lái trả giá rất cao để chọn mua sầu riêng tuyển, sau đó họ không mua hết lượng sầu riêng loại 2, loại 3. Thương lái và nông dân thỏa thuận mua bán bằng miệng hoặc ký giấy tay nên khi xảy ra mâu thuẫn không có cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền lợi của nông dân.

Khi tham gia chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, nông dân cam kết bán cho HTX từ đầu vụ đến cuối vụ nhưng thực tế nông dân sẵn sàng phá bỏ cam kết, không giữ chữ tín, bán cho thương lái nếu họ trả giá cao hơn lúc thị trường hút hàng; khi thị trường chậm thương lái không mua thì gọi HTX. Đây chính là nguyên nhân HTX không dám ký những hợp đồng trực tiếp với các doanh nghiệp xuất khẩu vì không đảm bảo được về sản lượng.

Giám đốc HTX Ca cao Suối Cát (H.Xuân Lộc) TRƯƠNG VĂN MỸ: HTX mong được hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn ưu đãi

HTX đầu tư mô hình du lịch vườn, thu hút các đoàn khách học sinh, sinh viên, gia đình đến học tập, trải nghiệm quy trình sản xuất và thưởng thức một số loại đồ uống, sản phẩm chế biến từ ca cao. HTX đang đẩy mạnh đầu tư vào khâu chế biến.

Tuy nhiên, do HTX mới thành lập, cơ sở vật chất đang xây dựng nên còn thiếu thốn nhiều. HTX ở vùng sâu, đường sá đi lại còn khó khăn nên có nhu cầu về nguồn vốn lớn để đầu tư. HTX mong tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư thiết bị, máy móc trong chế biến sâu.

Lê Quyên (ghi)


 

Tin xem nhiều