Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyên đề: Kỹ năng nghề cho người lao động:
Chủ động nâng cao tay nghề để hội nhập

Công Nghĩa
20:42, 11/08/2023

Trình độ tay nghề và tính chuyên nghiệp là những yếu tố quan trọng giúp nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, đồng thời quyết định đến thu nhập và đời sống người lao động (NLĐ).

Giảng viên Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 hướng dẫn sinh viên thực hành. Ảnh: C.NGHĨA

Đây là những yếu tố mà NLĐ của Đồng Nai cần bổ sung nhiều hơn trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhất là khi tỉnh đang đứng trước nhiều cơ hội lớn khi có cảng hàng không quốc tế Long Thành, nhiều tuyến cao tốc kết nối quan trọng đi vào hoạt động.

* Lo cho chất lượng lao động

Công ty TNHH Tư vấn nhân sự Kokoro Việt Nam có văn phòng tại TP.Biên Hòa, là một trong những đơn vị chuyên tư vấn và cung cấp nhân sự Việt Nam cho các công ty của Nhật Bản tại Việt Nam và cả ở Nhật Bản. Ông Nguyễn Ngọc Toàn, Giám đốc công ty cho hay, nhu cầu nhân sự chất lượng cao của các doanh nghiệp (DN) tại Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM khá lớn. Đây là một trong những vùng trọng điểm mà các DN Nhật Bản yêu thích đầu tư bởi nguồn nhân lực dồi dào, NLĐ chăm chỉ, chịu khó.

Bất lợi lớn nhất của NLĐ khi phỏng vấn xin việc làm và quá trình làm việc đó là tay nghề chưa cao và tính chuyên nghiệp còn thiếu. Chẳng hạn NLĐ trước khi vào làm thì chưa qua đào tạo nghề, hoặc có bằng cấp nhưng thiếu khả năng làm việc thực tế, tính ổn định trong môi trường làm việc thấp. Những bất lợi này tác động đáng kể đến thu nhập và đời sống NLĐ, đồng thời mất đi những cơ hội thăng tiến nghề nghiệp trong tương lai của chính họ. Đây là những vấn đề mà DN rất mong muốn NLĐ sẽ cải thiện để đôi bên cùng có lợi.

 

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy NGUYỄN HỒNG LĨNH: Không cạnh tranh bằng lao động giá rẻ

Đồng Nai đang quyết tâm thay đổi mô hình tăng trưởng, tỉnh không còn thu hút những dự án hàm lượng công nghệ thấp, thâm dụng nhiều lao động hoặc cạnh tranh bằng lao động giá rẻ. Thay vào đó, Đồng Nai tập trung thu hút những dự án có hàm lượng công nghệ cao, mang lại giá trị lớn để phát triển kinh tế theo hướng có chiều sâu và bền vững. Điều đó đặt ra vấn đề là phải tập trung đào tạo nâng cao tay nghề cho NLĐ, thu hút cho được đội ngũ tri thức có hàm lượng chất xám để đáp ứng quá trình phát triển của tỉnh.

Theo một chuyên viên phụ trách tuyển dụng nhân sự của Công ty CP TKG Taekwang Vina (Khu công nghiệp Biên Hòa 2), công ty này có số lượng nhân sự rất lớn, hàng năm số lượng nhân sự được tuyển dụng bổ sung lên tới cả ngàn người. Trong quá trình tuyển dụng, nhiều lao động đã biết nghề do từng làm việc ở DN khác, nhưng cũng có không ít người chưa qua các khóa đào tạo, khi được tuyển dụng mới bắt đầu quá trình học việc. Cả công ty lẫn NLĐ đều mất thêm thời gian cho quá trình đào tạo lại trong DN.

Chị Lê Trúc Quỳnh, cán bộ quản lý xưởng may của Công ty TNHH Esquel Garment Manufacturing Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) cho hay, trước đây chị từng học ngành may công nghiệp tại Trường cao đẳng Công nghệ và quản trị Sonadezi (TP.Biên Hòa). Nhờ được đào tạo bài bản và tạo ấn tượng qua kỳ thực tập 3 tháng tại công ty, chị được giữ lại làm việc đến nay với nhiều chính sách ưu đãi tốt. Trong quá trình làm việc, chị Quỳnh thường xuyên hướng dẫn cho nhiều lao động trẻ khác cùng hướng đến tính chuyên nghiệp trong DN, điều này không chỉ có lợi cho DN mà còn cho chính bản thân lao động.

Theo kinh nghiệm của chị Quỳnh, muốn được DN đánh giá cao, trước tiên chính NLĐ phải có tay nghề thật sự vững vàng, tính chuyên nghiệp, sự cầu tiến và không ngừng học hỏi. Những yếu tố này được hình thành thông qua việc chủ động học tập nâng cao trình độ và rèn luyện của bản thân. Trong môi trường ngày càng phát triển, NLĐ càng phải học tập nâng cao trình độ nhiều hơn, tính chuyên nghiệp là điều không thể thiếu. Nếu thiếu đi những yếu tố này, NLĐ sẽ khó khăn tồn tại trong DN và tự làm khó cho chính mình.

* Cải thiện chất lượng lao động

Theo xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, trong đó có chỉ số đánh giá về đào tạo lao động, trong 5 năm trở lại đây chỉ số về đào tạo lao động của Đồng Nai có xu hướng giảm dần. Cụ thể, năm 2018 là 6,32 điểm, năm 2019 là 6,75 điểm, năm 2020 là 6,55 điểm, năm 2021 là 5,45 điểm và năm 2022 là 5,74 điểm. Kết quả khảo sát này được Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), Cơ quan Hợp tác quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID) có được thông qua khảo sát trực tiếp DN trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty CP Taekwang Vina Đinh Sỹ Phúc (Khu công nghiệp Biên Hòa   2) cho biết, muốn có thu nhập cao thì công nhân phải chủ động nâng cao tay nghề cho chính mình, có tay nghề mới có thể định vị bản thân mình trong DN, đồng thời tránh được những rủi ro về việc làm khi công nghệ tự động hóa đang trở thành xu thế tất yếu.

Tất nhiên, kết quả khảo sát nói trên chỉ mang tính tương đối, thế nhưng sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến năng lực cạnh tranh của tỉnh với những địa phương có chỉ số đào tạo lao động tốt hơn. Điều đáng nói là Đồng Nai lại có hệ thống các cơ sở đào tạo nghề khá đa dạng với nhiều trình độ từ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và đại học. Hiện nay, nhiều DN đã liên kết với các cơ sở đào tạo để hợp tác đào tạo nguồn nhân lực, thậm chí có những DN coi quá trình tự đào tạo là giải pháp hiệu quả để tự nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Theo kết quả tuyển sinh các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh, năm 2022 các cơ sở đào tạo đã tuyển mới đào tạo 76.863 người, đạt 108,26% kế hoạch (tăng 29,07% so với cùng kỳ). Số người tốt nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh là 73.532 người, tỷ lệ giải quyết việc làm sau đào tạo đạt trên 90%.

Tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo nghề của tỉnh được nâng lên với con số là 67,05%, trong đó tỷ lệ tuyển sinh từ trung cấp trở lên là 26,01% trong tổng số lao động được tuyển mới đào tạo nghề.

Công nhân kỹ thuật Công ty TNHH ATAD Việt Nam (Khu công nghiệp Long Khánh) thi công kết cấu thép công trình sân bay dân dụng

Thông tin từ Sở LĐ-TBXH cho biết, mục tiêu phấn đấu trong năm 2023 là ngành sẽ phối hợp với các đơn vị đào tạo nghề, các địa phương để tiếp tục nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề từ 67,05% năm 2022 lên 67,5% năm 2023. Toàn tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt là đào tạo trình độ lao động có tay nghề cao, từng bước đáp ứng nhu cầu lao động kỹ thuật cho thị trường tuyển dụng lao động.

Ông Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 (H.Long Thành) cho biết, cơ hội học tập nâng cao tay nghề của lao động Đồng Nai đang rất lớn, nhất là những ngành lao động kỹ thuật. Thực tế những năm gần đây, nhiều người trẻ đã thay đổi nhận thức về học nghề thay vì chỉ chú tâm vào con đường học đại học. Đây là cơ hội rất tốt cho các trường nghề tiếp tục phát triển, phục vụ xã hội, đồng thời khắc phục được tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” lâu nay.

Công nhân ngành dệt - sợi trên chuyền sản xuất. Ảnh: NGUYỄN CAO DŨNG

Ông Cường cho rằng, cơ hội việc làm cho lao động có tay nghề tại Đồng Nai chưa bao giờ thiếu và một vài năm tới có thể còn dồi dào hơn nhờ động lực lan tỏa của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đi vào hoạt động và nhiều dự án trọng điểm về giao thông khác đang trong quá trình triển khai. Hơn nữa, trong thời buổi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, DN có xu hướng chuyển đổi mô hình sản xuất từ thâm dụng nhiều lao động sang sử dụng công nghệ tự động. Do đó, NLĐ muốn tồn tại được trong DN thì không có cách nào khác là phải tự học, tự nâng cao trình độ và tính chuyên nghiệp của mình.

Công Nghĩa

Tin xem nhiều