Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát triển du lịch gắn với quảng bá, tiêu thụ sản phẩm địa phương

07:06, 10/06/2023

Với đặc điểm tự nhiên đa dạng vừa có rừng, vừa có hồ và nhiều vùng chuyên canh trồng trọt, chăn nuôi, Đồng Nai không thiếu những đặc sản, sản phẩm độc đáo được chế biến từ các sản vật, nông sản thế mạnh của mỗi địa phương. Trong đó, nhiều sản phẩm đã được thị trường biết tiếng về chất lượng.

Với đặc điểm tự nhiên đa dạng vừa có rừng, vừa có hồ và nhiều vùng chuyên canh trồng trọt, chăn nuôi, Đồng Nai không thiếu những đặc sản, sản phẩm độc đáo được chế biến từ các sản vật, nông sản thế mạnh của mỗi địa phương. Trong đó, nhiều sản phẩm đã được thị trường biết tiếng về chất lượng.

Du khách đến tham quan, mua sắm tại Khu dịch vụ thương mại, du lịch Thế Giới Ca Cao của Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (H.Định Quán)
Du khách đến tham quan, mua sắm tại Khu dịch vụ thương mại, du lịch Thế Giới Ca Cao của Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (H.Định Quán)

Thời gian qua, một số doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất đã kết nối đưa sản phẩm vào các điểm, khu du lịch. Đây là kênh tiêu thụ nông sản địa phương tại chỗ rất tiềm năng cần được hỗ trợ để khai thác hiệu quả.

Giàu sản vật địa phương

Đồng Nai là tỉnh phát triển đồng bộ cả về chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, trồng trọt nên có nguồn nguyên liệu phong phú để phát triển các làng nghề, cơ sở chế biến đặc sản. Trên địa bàn tỉnh có nhiều vùng đất nổi tiếng về các đặc sản ẩm thực độc đáo như: vùng bưởi Tân Triều, làng nuôi hươu nai Hiếu Liêm (H.Vĩnh Cửu), vùng làm chà bông, chả lụa ở Gia Kiệm (H.Thống Nhất), nghề làm tôm chua ở H.Nhơn Trạch…

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh VÕ VĂN PHI, cần đẩy mạnh hơn các hoạt động xúc tiến thương mại và quảng bá cho sản phẩm OCOP. Các chủ thể nên nâng hạng cho sản phẩm OCOP, xây dựng thương hiệu.

Ấp Bến Nôm, xã Phú Cường (H.Định Quán) là bến cá đánh bắt và tập trung nhiều hộ, cơ sở làm các loại khô từ nguồn cá đánh bắt, nuôi trồng trên hồ Trị An. Các cơ sở này hoạt động quanh năm cung cấp nhiều đặc sản chế biến từ thủy sản. Trong đó, khô cá kìm đã trở thành sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm), là món ngon được nhiều nhà hàng, điểm du lịch đưa vào chế biến, góp phần tạo nên sự phong phú, đặc sắc trong ẩm thực du lịch của tỉnh nhà.

Về hàng lưu niệm, Đồng Nai cũng không thiếu những làng nghề thủ công truyền thống như: làng gỗ mỹ nghệ ở H.Trảng Bom; làng điêu khắc gỗ từ gốc, rễ cây ở H.Xuân Lộc; làng gốm trăm tuổi ở TP.Biên Hòa; nghề trồng, chế biến trầm hương ở H.Tân Phú…

Ông Trương Thanh Khoan, Giám đốc Công ty TNHH MTV Trương Thanh Khoan (xã Phú Sơn, H.Tân Phú) cho biết, DN đang cung cấp đa dạng sản phẩm về trầm hương ra thị trường như: tinh dầu, trầm cảnh, gỗ trầm, trầm mảnh, bột trầm, trà trầm, cao trầm hương… Đây là những món quà độc đáo có giá trị và ý nghĩa lưu niệm thu hút được sự quan tâm của du khách. Tuy nhiên, hiện DN chủ yếu tập trung vào khâu sản xuất nên rất mong tìm được các đối tác đầu tư phát triển kênh bán lẻ mặt hàng này tại thị trường nội địa, nhất là vào các khu du lịch trong và ngoài tỉnh.

Chưa dễ bán sản phẩm cho du khách

Với 150 sản phẩm OCOP được công nhận, Đồng Nai đứng đầu khu vực Đông Nam bộ về số lượng sản phẩm OCOP. Sự đa dạng về chủng loại với nhiều sản vật mang đặc trưng của các địa phương đã được chứng nhận an toàn là thế mạnh cần được khai thác thành sản phẩm phục vụ nhu cầu ẩm thực, tiêu dùng của khách du lịch như: khô cá kìm, hạt sen, bưởi, gà thảo mộc, sản phẩm chế biến từ trái ca cao, trái cây chế biến…

Thực tế, nhiều DN, HTX chế biến sản phẩm OCOP đã cung cấp hàng cho các trạm dừng chân, khu du lịch trong và ngoài tỉnh để quảng bá, mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩm.

Theo ông Liu Tác Sáng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại sản xuất Thuận Hương (xã Túc Trưng, H.Định Quán), nhiều sản phẩm sấy khô, sấy dẻo từ trái cây, rau củ của DN đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP 3, 4 sao cấp tỉnh. DN rất quan tâm đến nhóm khách hàng là du khách nên tích cực tham gia các hội chợ, hoạt động kết nối, quảng bá nông sản gắn với du lịch. Tuy nhiên, sản phẩm của DN chỉ mới vào được các trạm dừng chân chứ chưa tiếp cận, kết nối được với các khu du lịch trong và ngoài tỉnh.

Có DN chủ động xây dựng khu dịch vụ, thương mại để đón du khách đến tận nhà vườn, xưởng sản xuất tham quan để yên tâm khi chọn mua và thưởng thức đặc sản. Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (xã Phú Hòa, H.Định Quán) đã mở Khu dịch vụ thương mại, du lịch Thế Giới Ca Cao kết nối với nhiều DN lữ hành để đón các đoàn khách đến tham quan, mua sắm. Du khách đến đây được trải nghiệm các hoạt động tham quan vườn ca cao, tìm hiểu về các khâu thu hái, chế biến, thưởng thức các món chế biến từ ca cao tại chỗ và mua về làm quà tặng. Mùa cao điểm du lịch, Thế Giới Ca Cao đón hàng chục ngàn lượt khách đến tham quan, mua sắm. Tuy nhiên, mục tiêu quảng bá, bán sản phẩm qua kênh du lịch không dễ đối với các DN địa phương này.

Ông Đặng Tường Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức chia sẻ: “Nhiều năm qua, tôi đã kiên trì tham gia rất nhiều chương trình kết nối, quảng bá với mục tiêu đưa sản phẩm vào các điểm, khu du lịch trong và ngoài tỉnh. DN cũng đã tìm được một số đối tác bán sản phẩm cho du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, đây là kênh tiêu thụ không dễ khai thác”.

Theo ông Khanh, nếu DN chỉ dừng lại ở việc kết nối và đưa sản phẩm trưng bày lên quầy kệ ở các khu du lịch, trạm dừng chân thì rất khó thu hút được sự quan tâm của khách. Cần sự đầu tư bài bản, dài hạn trong khâu quảng bá, có đội ngũ bán hàng, giới thiệu tận tay du khách nhưng với DN địa phương chỉ mạnh về khâu sản xuất không dễ đầu tư đường dài trong phát triển khâu phân phối bán lẻ đến tận tay du khách.  

  Bình Nguyên


Phó giám đốc Sở NN-PTNT NGUYỄN VĂN THẮNG:

Phải khẳng định được chất lượng sản phẩm

Trong quá trình đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP, tỉnh luôn đề cao về khai thác sản phẩm thế mạnh của từng địa phương. Tỉnh quan tâm kết nối, đưa sản phẩm OCOP vào các hệ thống siêu thị đã góp phần xây dựng uy tín chất lượng, tạo nền tảng giới thiệu sản phẩm ra các thị trường khác. Trên cơ sở chất lượng sản phẩm đã được chứng nhận, cơ hội kết nối, đưa sản phẩm OCOP vào các khu, điểm du lịch sẽ thuận lợi hơn.

Ông LÊ HOÀNG DŨNG, Giám đốc Công ty CP  DONAFARM (H.Trảng Bom):

Cần hình thành được cộng đồng DN thương mại

Trước dịch Covid-19, Khu du lịch Thác Đá Hàn (H.Trảng Bom) đã khai trương điểm bán sản phẩm OCOP của tỉnh nhưng hiện đã tạm ngưng hoạt động do dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch. Tuy nhiên, sản phẩm OCOP cùa Đồng Nai rất đa dạng, độc đáo, chất lượng nên việc kết nối, đưa sản phẩm OCOP vào các khu du lịch vẫn là hướng phát triển giàu tiềm năng.

Đồng Nai đã có thế mạnh về phát triển sản xuất, cần tạo môi trường thuận lợi để thu hút và hình thành được cộng đồng DN thương mại phát triển mạng lưới phân phối, bán lẻ tại địa phương.

Bà NGUYỄN THỊ BÍCH LỆ, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Trường Phát (H.Nhơn Trạch):

Nâng sao cho sản phẩm OCOP

HTX đang là chủ thể có nhiều sản phẩm OCOP nhất tỉnh Đồng Nai với 14/19 sản phẩm chế biến từ sen đều đạt chứng nhận OCOP, trong đó 13 sản phẩm đạt OCOP 4 sao. HTX đang tiếp tục nỗ lực để có sản phẩm đạt mức cao nhất là OCOP 5 sao cũng như không ngừng đa dạng sản phẩm. Ngoài ra, HTX đang triển khai mô hình trồng sen hữu cơ gắn với phát triển du lịch sinh thái với mục tiêu quảng bá sản phẩm đến tận tay du khách.       

Lê Quyên (ghi)


 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích