Báo Đồng Nai điện tử
En

Viết cho thiếu nhi phải đồng điệu, rung cảm cùng các em

07:05, 27/05/2023

Đến với văn học khá muộn và chuyên về dòng văn học thiếu nhi, tuy số lượng sáng tác không nhiều, nhưng nhà văn THÁI CHÍ THANH được đánh giá là người khá đa tài và cần mẫn trong công việc, trong sáng tác của mình.

Đến với văn học khá muộn và chuyên về dòng văn học thiếu nhi, tuy số lượng sáng tác không nhiều, nhưng nhà văn THÁI CHÍ THANH được đánh giá là người khá đa tài và cần mẫn trong công việc, trong sáng tác của mình.

Nhà văn Thái Chí Thanh
Nhà văn Thái Chí Thanh

Gắn bó với văn học thiếu nhi và trong vai trò là Chủ tịch Hội đồng Văn học thiếu nhi (Hội Nhà văn Việt Nam), cùng với đồng nghiệp, nhà văn Thái Chí Thanh luôn mong mỏi và đặt kỳ vọng sẽ có đội ngũ nhà văn mới viết nhiều và thành công hơn ở mảng văn học thiếu nhi.

Văn chương là sự tình cờ lâu dần thành đam mê

 Thưa nhà văn Thái Chí Thanh, văn học đến với ông như thế nào và đóng vai trò gì cho bản thân trong các quãng đường đã qua?

- Tôi thích văn học từ nhỏ, nhưng đến với văn học khá muộn, khi đã ra công tác ở Hà Nội. Cũng rất tình cờ, một lần tôi ngồi quán cà phê, nghe mấy anh chị nhà văn của Báo Văn nghệ ngồi bàn bên cạnh trao đổi với nhau về chuẩn bị cho số báo Tết, trong đó có trang thiếu nhi.

Vốn đã ngưỡng mộ các nhà văn, nên tôi bị cuốn hút vào cuộc trao đổi đó. Rồi về nhà, tôi mạnh dạn viết, nhưng chưa quen ai và cũng ngượng nên tôi bỏ bài vào thùng thư trước cổng của tòa soạn. Hồi hộp chờ đợi, dẫu hy vọng là rất mong manh. Rồi thật bất ngờ, khi số báo Tết vừa ra, được bày bán trang trọng trong các sạp báo lúc bấy giờ, có truyện ngắn viết cho thiếu nhi của mình. Mừng vui quá đỗi và may mắn ban đầu ấy thành động lực, khích lệ tôi đến với văn chương.

Sau đó, tôi viết rất nhiều, say sưa, nhiều khi đầu óc chỉ toàn truyện là truyện, quên cả việc chưa hết tháng đã hết tiền, hết gạo giữa thời bao cấp đói kém ấy. Bù lại, truyện được đăng nhiều trên các báo thiếu nhi, đọc trên các chương trình thiếu nhi của Đài PT-TH Hà Nội, Đài Tiếng nói Việt Nam... Tất nhiên, tôi không phải là nhà văn chuyên nghiệp, lại thuyên chuyển qua nhiều môi trường công tác, trong đó có gần 20 năm làm công tác ngoại giao ở nước ngoài, nên sáng tác hay bị gián đoạn, có khi vắng cả chục năm trời... Bây giờ được trở lại với đam mê xưa, lại lao vào say sưa, là niềm vui, là cuộc sống, quên cả tuổi tác...

 Có người nhận xét, Thái Chí Thanh là tác giả “sống đã rồi mới viết”, việc sống và viết đối với một nhà văn quan trọng ra sao, thưa ông?

- Đúng thế. Bởi có trải qua, mình mới chiêm nghiệm được cuộc sống, mới tích lũy được vốn sống để viết. Tôi nghĩ, cho dù viết cổ tích, đồng thoại, hay giả tưởng đi chăng nữa, thì vẫn chắt lọc lên từ vốn sống của nhà văn. Tôi đã từng là người lính trận trước năm 1975 ở chiến trường miền Nam, đến nay đã trôi qua nửa thế kỷ, nhưng với tôi chưa bao giờ cũ, khi viết vẫn tràn đầy cảm xúc.

Muốn viết về điều gì chỉ có trải qua, có cọ xát với bao ký ức, kỷ niệm thì tôi mới viết được. Cái tạng của tôi là thế, chứ nhiều người, nhất là các bạn trẻ, họ không quá lệ thuộc vào vốn sống, thay vào đó là sức tưởng tượng, hư cấu, vẫn viết hay được mà.

Nhà văn THÁI CHÍ THANH sinh 1953 tại Nghệ An. Trong các năm 1971-1975, ông chiến đấu tại chiến  trường miền Nam. Từ 1977-1981, ông học sử tại Trường đại học Tổng hợp Hà Nội; từ 1985-1989, học cao học tại Moskva, Liên Xô (cũ). Ông là cán bộ ngoại giao tại Ba Lan 2002-2005, tại Mỹ 2009-2014. Hiện là biên tập viên của NXB Hội Nhà văn. Ông vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 1997, là tác giả của 14 tác phẩm đã xuất bản, gồm đồng thoại, truyện ngắn, tiểu thuyết.

 Ngoài viết văn, ông thậm chí còn là đạo diễn phim hoạt hình và cả sáng tác nhạc thiếu nhi nữa. Phải chăng đề tài thiếu nhi mang lại năng lượng sáng tác tích cực cho ông?

- Khi có điều kiện, tôi hay thử nghiệm mình có duyên với các lĩnh vực văn học nghệ thuật khác không, và dẫu lĩnh vực gì thì vẫn là dành cho thiếu nhi. Có lẽ cuộc đời tôi chỉ chơi với các em, các cháu thiếu nhi.

Với điện ảnh, tôi không phải là đạo diễn, mà viết kịch bản phim hoạt hình nhân có cuộc thi. May mắn sao, một số kịch bản đoạt giải và được Hãng Phim hoạt hình Việt Nam dựng thành phim. Trong đó có kịch bản Quỷ Núi và tình yêu do đạo diễn Minh Trí, họa sĩ Phương Hoa, nhạc sĩ Trọng Đài thực hiện đã đoạt giải Bông sen bạc (không có Bông sen vàng).

Còn âm nhạc, tôi học nhạc lý với nhạc sĩ Thụy Kha, rồi “liều mạng” làm luôn một chùm ca khúc cho thiếu nhi. Và rồi đã hơn 10 ca khúc được Đài Tiếng nói Việt Nam đưa vào chương trình sản xuất, phát trên sóng. Tất nhiên, âm nhạc là cả một thế giới riêng, muốn đi sâu, muốn thành công thì phải khổ luyện, cảm thụ được những tinh hoa của nó, chứ kiểu lãng tử, làm cho vui như tôi thì được thế là quá may rồi.

Vả lại, văn chương, điện ảnh hay âm nhạc đều có mẫu số chung là sự rung cảm, là cái đẹp, cái nhân văn của nghệ sĩ.

 Và mong mỏi thành công ở thế hệ nhà văn mới

  Để viết về trẻ thơ, người viết cần mang một tâm hồn đồng điệu lắm?

- Chẳng cứ viết cho trẻ thơ, mà đã sáng tác văn chương, dù cho đối tượng nào thì nhà văn phải đầy cảm xúc, phải hòa vào tâm tư, hoàn cảnh của đối tượng mình viết. Tất nhiên, đối tượng là thiếu nhi  thì càng phải đồng điệu, phải có cái nghĩ, cái nhìn, cái yêu, cái ghét, cái rung cảm của các em, nếu không mình sẽ trở thành áp đặt, gán ghép cho các em. Khi đó, tác phẩm có thể trở nên khiên cưỡng vì sa vào “người lớn nói chuyện thiếu nhi” hoặc giả làm trẻ nhỏ, nhại thiếu nhi...

 Là một trong những tác giả có tác phẩm được lựa chọn in sách giáo khoa, ông có thể cho biết thêm một chút về thông tin này?

- Đúng là tôi có truyện được giới thiệu trong sách giáo khoa mới, bộ Chân trời sáng tạo, Tiếng Việt lớp 1, tập 2. Rất cảm ơn Hội đồng Tuyển chọn, vì chính tôi cũng bất ngờ, ngày bên Bảo vệ bản quyền của Hội Nhà văn Việt Nam gửi nhuận bút và sách, tôi mới biết.

Nhà văn Thái Chí Thanh giao lưu cùng học sinh trong một chương trình về văn hóa đọc
Nhà văn Thái Chí Thanh giao lưu cùng học sinh trong một chương trình về văn hóa đọc

 Ở Việt Nam, mảng văn học thiếu nhi đang đứng ở vị trí nào, thưa nhà văn?

- Xưa nay ai cũng nói rằng văn học thiếu nhi  rất quan trọng. Đã có một thời hoàng kim của văn học thiếu nhi, được tạo nên bởi những tác giả lớn để lại cho nên văn học thiếu nhi bao tác phẩm hay, tác phẩm tốt, góp phần không nhỏ nuôi dưỡng lớp người trưởng thành có lý tưởng, hoài bão, đã cống hiến, hy sinh cho quê hương, cho Tổ quốc.

Mấy chục năm gần đây, văn học thiếu nhi dẫu có thời điểm khởi sắc, nhưng nhìn chung mờ nhạt dần, tác giả viết cho thiếu nhi vơi dần, những tác phẩm lớn cũng không còn như xưa. Những đơn vị có trách nhiệm như Hội Nhà văn, các tổ chức, hội đoàn liên quan đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn không đủ để kéo văn học thiếu nhi trở lại “như ngày xưa”.

 Hội đồng Văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam vừa được kiện toàn, Hội Nhà văn nói chung và hội đồng sẽ có những dự tính gì để có thể “khuếch trương”, phát hiện và bồi dưỡng các cây viết đam mê theo đuổi lĩnh vực này?

- Rất mừng là Ban chấp hành Hội Nhà văn gần đây đã có những chính sách, chủ trương thiết thực để phát triển văn học trẻ và nhất là văn học thiếu nhi. Chẳng những Ban Văn học thiếu nhi trước đây đã được đổi thành Hội đồng Văn học thiếu nhi cho xứng tầm quan trọng của nó, mà về nhân sự cũng liên tục được kiện toàn, bổ sung để đảm nhiệm công việc ngày một nhiều.

Ngoài việc thu nạp và đề xuất các hội viên mới hay chấm sơ khảo giải thưởng của Hội Nhà văn hàng năm, Hội đồng Văn học thiếu nhi còn tìm mọi cách làm cho cuộc vận động Sáng tác văn học thiếu nhi (2021-2025) thành công. Bước đầu có thể thấy sự chuyển biến tích cực, số lượng và chất lượng văn học thiếu nhi cũng được nâng lên.

Tuy mới là những tín hiệu ban đầu, nhưng tôi tin rằng, rồi đây, văn học thiếu nhi sẽ phát triển hơn, nở rộ hơn, sẽ có một lớp nhà văn sáng tác cho thiếu nhi với những tác phẩm lớn ra đời...

 Xin chân thành cảm ơn nhà văn!

 Vương Thế (thực hiện)

Tin xem nhiều