Báo Đồng Nai điện tử
En

Sinh viên tham gia sân chơi khởi nghiệp

10:04, 08/04/2023

Hoạt động khởi nghiệp đã trở thành "sân chơi" được nhiều sinh viên lựa chọn nhằm thể hiện tinh thần sáng tạo, đồng thời học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia, doanh nhân… Việc tham gia sân chơi này bước đầu giúp  sinh viên hoàn thiện dự án của mình, tìm kiếm cơ hội khởi nghiệp.

Hoạt động khởi nghiệp đã trở thành “sân chơi” được nhiều sinh viên lựa chọn nhằm thể hiện tinh thần sáng tạo, đồng thời học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia, doanh nhân… Việc tham gia sân chơi này bước đầu giúp  sinh viên hoàn thiện dự án của mình, tìm kiếm cơ hội khởi nghiệp.

Đại diện nhóm FSOS giới thiệu về dự án Hệ thống định vị thuyền viên và hỗ trợ cứu nạn trong cuộc thi SV-STATUP. Ảnh: NVCC
Đại diện nhóm FSOS giới thiệu về dự án Hệ thống định vị thuyền viên và hỗ trợ cứu nạn trong cuộc thi SV-STATUP. Ảnh: NVCC

Trong cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp (SV-STARTUP) do Bộ GD-ĐT tổ chức năm nay, Trường đại học Lạc Hồng đã có 2 nhóm sinh viên lọt vào vòng chung kết và đoạt giải thưởng.

* Từ những sáng tạo thiết thực

Cuối năm 2022, một nhóm sinh viên ngành công nghệ thông tin Trường đại học Lạc Hồng tham gia cuộc thi Đổi mới sáng tạo nghề cá tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Sản phẩm mà nhóm mang đến cuộc thi là dự án Hệ thống định vị thuyền viên và hỗ trợ cứu nạn.

Theo đó, dự án xây dựng hệ thống giám sát, định vị thời gian thực giúp cảnh báo, phát hiện sớm, báo hiệu hỗ trợ cứu nạn kịp thời khi thuyền viên rơi xuống biển hoặc báo hiệu khi gặp các tình huống khẩn cấp khác trên biển và đất liền. Hệ thống này cũng cung cấp các công cụ để hỗ trợ ngư dân như: thông tin thời tiết, nhật ký hành trình... Sản phẩm nhằm góp phần hạn chế thiệt hại về người và tai nạn trên biển, cứu hộ kịp thời và hỗ trợ công việc đánh bắt của ngư dân.

Với sản phẩm này, nhóm đã giành được giải ba trong cuộc thi đồng thời nhận được nhiều phản hồi tích cực, nhiều gợi ý quý báu từ ban giám khảo. Ngoài ra, nhóm cũng nhận được lời ngỏ ý hỗ trợ để tiếp tục phát triển dự án.

Tương tự, xuất phát từ cuộc thi Xe tiết kiệm nhiên liệu, một nhóm sinh viên khác của Trường đại học Lạc Hồng đã đưa ra ý tưởng Phát triển một hệ thống pin nhiên liệu đa ứng dụng. Thiết bị tạo điện này sử dụng khí hydrogen và oxygen. Dựa trên một hệ thống pin nhiên liệu có sẵn, trải qua nghiên cứu tính toán, thiết kế, nhóm đã chế tạo lại một hệ thống pin nhiên liệu siêu nhẹ cung cấp năng lượng điện cho máy bay không người lái. Sản phẩm được sử dụng như một máy phát điện nhỏ có thể cắm sạc pin dự phòng, laptop, xe đạp điện, xe máy điện, tàu hỏa, máy bay không người lái… Ngoài ra thiết bị có thể sử dụng năng lượng không tải để nạp cho bình ắc quy, pin.

* Đến sân chơi khởi nghiệp

Trở về sau cuộc thi Đổi mới sáng tạo nghề cá tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nhóm sinh viên (tên nhóm là FSOS) quyết định lấn sân sang sân chơi khởi nghiệp và kết nạp thêm thành viên mới là sinh viên ngành Quản trị kinh tế quốc tế, chuẩn bị cho cuộc thi SV-STARTUP.

Sinh viên Đỗ Trung Hậu, Trưởng nhóm dự án cho biết: “Các thành viên cũ là dân kỹ thuật nên mặc dù có nhiều ý tưởng liên quan đến khởi nghiệp nhưng lại không biết cách để hiện thực hóa những ý tưởng đó một cách bài bản. Việc có thêm thành viên có kiến thức chuyên ngành kinh doanh giúp cho nhóm triển khai đúng hướng, đi nhanh hơn và tránh được sai sót”.

Trong cuộc thi SV-STARTUP lần thứ V-2023, dự án Hệ thống định vị thuyền viên và hỗ trợ cứu nạn đoạt giải ba; dự án Phát triển một hệ thống pin nhiên liệu đa ứng dụng đoạt giải khuyến khích.

Quá trình tham gia cuộc thi, nhóm cũng được giảng viên hướng dẫn, cung cấp nhiều kiến thức, kỹ năng liên quan đến khởi nghiệp, kinh doanh. Ngoài ra, Ban tổ chức cuộc thi tổ chức các buổi đào tạo, hướng dẫn cho nhóm cách xây dựng mô hình kinh doanh, cách tính toán chi phí, các lưu ý để nhóm thuyết trình trọn vẹn nhất…

“Tại vòng chung kết, nhóm đã nhận được nhiều lời nhận xét của những người có chuyên môn, được đánh giá là sản phẩm có thể đưa ra thị trường. Do đó, nhóm sẽ tiếp tục hoàn thiện, phát triển thêm tính năng cho sản phẩm và tham gia cuộc thi TECH-FEST cũng như một số cuộc thi khởi nghiệp khác. Đây cũng là cách để nhóm truyền thông thêm về sản phẩm. Nếu đoạt giải thì nhóm sẽ có thêm kinh phí hoạt động” - Trung Hậu cho biết thêm.

Sinh viên Nguyễn Hoàng Đan, Trưởng nhóm dự án Hệ thống pin nhiên liệu đa ứng dụng cho biết: “Là sinh viên ngành Quản trị kinh tế quốc tế nên việc tham gia cuộc thi khởi nghiệp đã giúp ích cho tôi rất nhiều trong việc học và định hướng công việc tương lai”.

Theo Hoàng Đan, quá trình tham gia cuộc thi đã giúp anh và các bạn rút ra nhiều kinh nghiệm như: sắp xếp, triển khai công việc; giải quyết mâu thuẫn trong quá trình làm việc nhóm…

“Chúng tôi có 3 tháng làm việc cùng nhau để tham gia cuộc thi SV-STARTUP. Đây là một sân chơi lớn, chuyên nghiệp nên quá trình làm việc chắc chắn là căng thẳng hơn nhiều so với việc làm bài tập nhóm, dự án của môn học. Từ quá trình làm việc đó, tôi nhận ra bản thân còn thiếu nhiều kinh nghiệm cần thiết để có thể tự kinh doanh riêng. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp tôi sẽ chọn “đi làm thuê” để tích lũy thêm kinh nghiệm trước khi nghĩ đến việc kinh doanh riêng” - Hoàng Đan cho hay.

Hải Yến

Tin xem nhiều
Đón xem kết quả xsmb siêu chuẩnDịch vụ viết thuê luận văn tốt nghiệp uy tín