Mưa lớn xối xả, cây cối ngả nghiêng, sấm chớp đùng đoàng, trẻ con khóc thét, người già bấn loạn. Luồng điện trời phóng trúng cây đa bên chợ làng. Ông Nhạc lo đứng lo ngồi. Chiều nay vợ ông đi thăm nhà em gái ở xóm trên. Nước sông Suông mỗi lúc một lên cao, cuồn cuộn một màu nâu đỏ, chợt nhớ ra điều gì, ông Nhạc liền đội chiếc nón lá, quàng áo mưa lao ra khỏi nhà, liêu xiêu vì gió mạnh. Chỉ trong vòng một vỗ tay ông đã chạm hiên nhà chị Tính.
Mưa lớn xối xả, cây cối ngả nghiêng, sấm chớp đùng đoàng, trẻ con khóc thét, người già bấn loạn. Luồng điện trời phóng trúng cây đa bên chợ làng. Ông Nhạc lo đứng lo ngồi. Chiều nay vợ ông đi thăm nhà em gái ở xóm trên. Nước sông Suông mỗi lúc một lên cao, cuồn cuộn một màu nâu đỏ, chợt nhớ ra điều gì, ông Nhạc liền đội chiếc nón lá, quàng áo mưa lao ra khỏi nhà, liêu xiêu vì gió mạnh. Chỉ trong vòng một vỗ tay ông đã chạm hiên nhà chị Tính.
- Trời ơi, bác đi đâu đang lúc mưa gió thế này?
Ông Nhạc để ngửa chiếc nón sát tường hiên, vo áo mưa đặt vào trong nón.
- Nước sông lên cao lắm, chắc cuốn trôi cả làng này mất, tôi sang xem nhà cô có sao không?
Chị Tính lấy chiếc ghế đẩu để ông Nhạc ngồi. Ngoài kia mưa rào rào không ngớt. Ông Nhạc co hai chân lên, nhìn ra cửa, vẻ lo lắng.
- Sao bác lại co chân lên thế?
- Sét là luồng điện cực mạnh đánh xuống đất, đất truyền điện, nếu chân chạm đất sẽ bị điện giật chết!
- Ôi sợ thế, bác ngồi đấy nhá.
Tranh minh họa: Đào Tuấn |
Chị Tính chạy vào buồng. Trời càng mưa lớn. Một tiếng nổ như bom tấn. Trong buồng, chị Tính kêu “ối” lên một tiếng. “Hình như có cháy?”, ông Nhạc nghĩ thế và bật khỏi ghế, nhanh tay khép cánh cửa, rồi bước vào buồng chị Tính. “Sao bác lại vào đây?”. Đúng lúc ngoài sân tiếng tay Toe oang oang: “Bà Tính ơi bà Tính, nước dâng lên tận sân rồi đây này... ”. Ông Nhạc lập tức quay trở ra mở cửa. Toe ướt sũng như con gấu bông được vớt từ nước lên, thở phì phì, tóc tai bê bết như dính dầu mỡ. Thấy ông Nhạc, Toe há mồm, trợn mắt kêu toáng:
- Bắt quả tang tại trận nhá, mẹ kiếp cháy nhà mới ra mặt chuột!
Ông Nhạc luống cuống trong giây lát.
- Chú bình tĩnh, lại uống đâu rồi hả, ướt như chuột lột thế này? - vừa nói ông vừa kéo Toe ra ngoài hiên, rồi nhanh tay vơ chiếc áo mưa quàng lên người Toe, còn mình đội nón, bám thắt lưng Toe đẩy nhanh về nhà mình. Ông Nhạc quá hiểu cái tính ngang tàng của Toe, loại người máu liều nhiều hơn máu não, còn hơn cả Chí Phèo làng Vũ Đại thuở nào.
Chị Tính nghe loáng thoáng tiếng người, đi ra thì không thấy ông Nhạc đâu. “Chắc ông ấy về”, chị Tính nghĩ thế. Khép cửa xong chị trở lại buồng.
*
Ông Nhạc bảo Toe ngồi xuống ghế, rồi vào buồng lấy ra chiếc áo dài tay đưa cho Toe:
- Mặc tạm đi!
- Không cần, cái thằng Toe này trời đánh không chết ấy mà!
- Không được! - Ông Nhạc vừa nói vừa thay áo cho Toe.
- Ngực nở ra phết.
- Nở mẹ gì, vợ nó chửi cho suốt ngày, có lần nó còn bảo xách dép cho ông chả xong đấy!
- Xách dép cho tôi á?
- Chứ sao!
- Chú chỉ được cái nói vui. Đúng ra tôi và chú còn là anh em họ hàng từ đời cụ tổng đấy nhá. Chú sống tốt, tôi là người biết rõ nhất. Chú đừng có chấp thím ấy. Đàn bà người ta cứ hay bóng gió chồng con về chuyện rượu chè. Trai vô tửu như cờ vô phong. Nó chê mình thế thôi, chứ bảo nó bỏ mình xem, đừng hòng!
- Hỏi thật nhá, làm... làm mụ Tính sướng không?
- Chưa chưa... làm gì mà làm?
- Bác lại còn giả vờ giả vịt, mèo nào mà chả thích mỡ!
- Chú cứ đùa, tôi nói thật, tuổi này trên bảo dưới không nghe, mấy lị hàng con cháu sao mình dám nghĩ chuyện bậy bạ!
- Ông đừng có kiểu Bá Kiến nói chuyện với Chí Phèo nhá. Mẹ kiếp, trên bảo dưới không nghe? Nói phét! Bà Tính con cháu đéo gì với ông? Hử?
- Chú lại nóng tính rồi, nếu không tin tôi cho chú kiểm tra!
- Có thật ông không làm gì không?
- Thật chứ sao!
- Đéo tin, mà thằng Toe này chả thèm bới móc gì đâu. Chuyện ai người ấy làm. Thằng Toe cũng trong sáng cái mẹ gì! Nói vui thôi. Đàn ông mười thằng giống cả mười mươi. Các cụ bảo rồi, ăn no ấm cật dậm dật mọi nơi. Bác cũng tay chơi đấy nhỉ, cũng chả vừa đâu, làng này mù hết, cứ tưởng bác ngon. Mà... hình như bà Tính này ái nam ái nữ thì phải. Chứ chả có gái nào mà để cánh đồng mình khô cạn lâu đến thế. Mà có khi bác cũng xơi chán xơi chê rồi cũng nên?
- Chú say quá rồi! Không tin tôi cho chú kiểm tra?
- Biết thế đéo nào mà kiểm tra. Bác thâm thật. Người thâm hiểm thường tỏ vẻ hiền lành, khéo mồm khéo miệng hồi còn mồ ma cụ Khánh Tuệ bảo thế.
- Chú thì... rõ là sâu sắc! Mà... mà chú cũng đến nhà cô ấy làm gì lúc mưa bão?
- Thì em cũng giống bác làm thợ săn!
- Thế săn được mấy lần rồi?
- Nói thật với bác, nói cho oai thôi, mụ ấy thích đéo gì em, phải là nhiều tiền như bác! Phải là chức quyền như bác! Hôm em đùa đùa thôi mà mụ ấy suýt tát cho em một phát vào mặt đấy. Còn hôm nay chẳng qua em vào trú mưa!
- Thì tôi cũng vào trú mưa thôi.
- Trú mưa mà đóng kín cửa?
- Sợ mưa nó hắt vào trong nhà!
- Mà thôi, quên chuyện ấy đi, hôm nào cho em xin chai cay cay uống cho cứng gân cứng cốt nhá, chứ dạo này bị con vợ cá mắm chê yếu quá!
- Biếu chú hẳn năm chai. Hôm nay nhà còn chai dở, chú mang về uống tạm!
- Thế thì nhất thằng Toe này rồi. Giờ em gọi bác là Bá Kiến nhá?
- Gọi thế, người ta cười cho!
- Cười hở mười cái răng! Thôi em nằm cái đã, say quá!
- Thế chú lên giường nằm đi!
- Em thích nằm đất!
- Sao lại thế, nhà có giường chiếu hẳn hoi - vừa nói, ông Nhạc vừa đẩy Toe lên giường.
Ông Nhạc ngồi trầm ngâm, thỉnh thoảng ngó tay Toe “kéo bễ”. “Hôm nay xúi quẩy. Tính sao đây? Chỉ có bịt mồm thằng Toe này mà thôi” - ông Nhạc nghĩ.
...
Toe tỉnh dậy vươn vai, cười:
- Say quá bác ạ. Thằng Phừng nó mời em, con chó nhà nó chết. Hai thằng say bí tỉ. Thằng Phừng cứ đem vợ ra chửi, thế là vợ nó cầm cái chày giã cua, sợ quá em chạy về, kệ mẹ mưa lớn!
- Hôm nay chú ở lại ăn cơm với tôi. Hai anh em mình làm con gà giò nhắm rượu, chẳng mấy khi. Mình là anh em đấy. Anh em thì chém nhau bằng sống chứ không ai chém nhau bằng lưỡi. Chú cứ ngồi uống nước, tôi làm vù cái thôi!
- Nhắm gì nữa, giờ em phải về. Thằng cu nhà em nó sốt.
- Thế thì lấy mấy viên thuốc cảm đây này!
Ông Nhạc mở cánh tủ buffet lấy ra mấy viên thuốc, gói vào mảnh giấy báo.
- Tốt lắm đấy, mang về cho con uống. À mà đợi tôi một tí.
Ông Nhạc lấy vốc gạo chạy ra gần chuồng gà “chích chích chích... ”, nhanh như đập ruồi ông vồ ngay một con mái độ cân rưỡi. Buộc chân.
- Chú mang về thịt cho vợ con ăn, về kẻo thím ấy mong.
- Bác làm em khó nghĩ quá!
- Khó gì mà khó, anh em với nhau chứ có phải người ngoài đâu mà khách sáo.
- Em cảm ơn bác nhá, em về!
- Trời đang mưa mà?
- Mưa em cũng về!
Ông Nhạc quàng cho Toe chiếc áo mưa, đội lên đầu anh ta chiếc nón lá. Toe, một nách cặp chai rượu, một nách cặp con gà, vừa đi vừa hát giọng chèo: Yên tâm vững bước mà đi hỡi người em yêu, việc nhà việc nước dẫu có bao nhiêu em sẽ làm tròn... - rồi lại cười ình ịch - Mẹ kiếp các cụ nói không sai, cái kim trong bọc cũng có ngày phải lòi ra... ”
Toe về rồi, ông Nhạc như có chấy rận bò trong người. Điện mất, ông thắp ngọn đèn dầu...
*
Vợ ông Nhạc vẫn đến chơi nhà chị Tính như mọi khi.
- Ông Nhạc nhà tôi xin ra khỏi Đảng rồi cô Tính à! Bí thư có đến cả hơn chục năm ấy chứ.
- Thì khi thấy mình không còn xứng đáng nữa thì xin ra khỏi Đảng là đúng rồi!
- Xứng đáng thì vẫn rất xứng đáng, nhưng mà sức khỏe yếu quá, chỉ được cái béo bệu. Cây chuối hột sao cứng bằng cái xà beng. À, mà tôi khuyên cô cảnh giác cái thằng Toe nhá, đừng có cho nó vào nhà. Thằng ấy mất nết lắm đấy. Hôm trước gặp tôi nó còn trêu tôi là chồng ăn vụng mà vợ không biết. Ý nó trêu ông ấy lòng thòng với con mụ La già cóc đế bên xóm Ngô đó. Đời nào ông ấy đi làm mấy chuyện mèo mả gà đồng.
- Em nói thật nhá, bác đừng có buồn, ông Nhạc cũng chẳng đứng đắn gì đâu. Trận mưa bão vừa rồi, tự nhiên xông vào nhà em, nói rằng tới xem nhà em có sao không? Nhà em thì làm sao, năm trước mưa bão còn lớn hơn lần này. Muốn biết ông ấy tốt xấu thế nào chị cứ về hỏi ông ấy. Dám làm thì dám chịu. Nói thật, em biết thừa âm mưu của ông ấy rồi. Đàn ông xóm này á, ai ra sao em biết hết!
- Sao giờ cô mới nói với tôi?
- Nói ra để gia đình chị tan nát à, mấy lị tại chị bảo ông ấy vẫn còn rất xứng đáng là một đảng viên, xin ra khỏi Đảng là do sức khỏe yếu, cho nên em tức!
Vợ ông Nhạc như văng ra từ một chiếc đu quay...
*
Sau bốn năm “Em đi làm tín dụng” nơi miền Tây Bắc, Phượng xin chuyển công tác về ngân hàng huyện nhà. Thế là Phượng lại được gần chị Tính. Cha mẹ Phượng cũng lần lượt qua đời vì tuổi già. Chị Tính quý mến Phượng còn hơn cả ngày xưa. Vả lại, Phượng cũng coi chị như chị gái ruột của mình. Chị là người đã biết vượt qua nỗi đau để chống chọi với đời.
...
- Này Phượng, người ta đang đồn bà Tính là gái tàu nhanh đó?
- Tớ chả tin! Chắc bọn mất dạy thôi, tán tỉnh người ta chả được nên tức tối nói xấu!
- Tay Toe nó nói. Nó bắt quả tang ông Nhạc Bí thư chi bộ ngủ với bà Tính trong buồng kia kìa, giữa chiều mưa bão!
- Cái tay Chí Phèo ấy tin làm sao được!
- Vợ ông Nhạc còn nghe được nó nói mà?
- Thì vợ ông Nhạc ngu gì mà tin nó để rồi tan nát cửa nhà. Anh trai tớ bảo, chìa khóa sống của người con gái là đừng có tin vào thằng đàn ông nào cả!
Dù bạn nói vậy, nhưng Phượng vẫn không tin chị Tính là người như thế.
*
Phượng lấy chồng ở Hà Nội, quên đi “lời thề” với chị Tính ngày nào.
- Thôi, lấy đi, chị chúc mừng, sống độc thân nguy hiểm lắm!
- Sao độc thân lại nguy hiểm hả chị?
- Đời phức tạp lắm, biết thế!
- Vậy chị cũng phải lấy chồng đi!
- Lấy gì nữa, già rồi.
- Già, già dẻo già dai! Chị phải lấy chồng! Chị đã nói với em sống độc thân nguy hiểm lắm mà?
- Thế bây giờ em bảo chị lấy ai?
Phượng bối rối. Mà đúng thật, chị Tính lấy ai bây giờ? Trong làng cũng chẳng còn đàn ông nào vừa đôi phải lứa...
- Em sẽ tìm cho chị!
Chị Tính phá lên cười. Rồi chị kể lại chuyện tình của mình cho Phượng nghe: “... Chị đã thức trắng đêm để thêu lên chiếc khăn tay dòng chữ mãi mãi yêu anh. Tối mùa hạ trước ngày anh Phú lên đường nhập ngũ chị và anh hẹn nhau ra bờ sông Suông, chị trao khăn cho anh, anh hôn lên chiếc khăn, nói rằng, anh cũng mãi mãi yêu em. Rồi anh ôm lấy chị mà như sợ ai nhìn thấy. Và em có tin không, chị đã chủ động hôn anh ấy. Hôn không còn biết thế nào là thẹn thùng, thế nào là xấu hổ. Chị nghe rõ từng tiếng thở và nhịp đập trái tim anh ấy. Bây giờ em đã có chồng chị mới dám kể cho em nghe. Giây phút bên nhau của chị và anh Phú chỉ có sông Suông thấu hiểu...”.
- Lúc đó chị không sợ mình bị...?
- Không không! Sao dám làm chuyện kia!
- Có phải vì những lời hẹn ước với anh Phú mà chị không đi lấy chồng?
- Đúng thế!
...
Rồi Phượng sinh con, với biết bao bề bộn, thời gian dành nhớ chị Tính cũng vơi dần...
*
Chị Tính gọi điện mời vợ chồng Phượng về nhà mình chơi.
Một người đàn ông tóc đã điểm nhiều sợi bạc, bị cụt cánh tay phải. Có phải chị Tính đã lấy chồng? Hình như đoán được sự thắc mắc của Phượng mà người đàn ông lạ đã không đợi chủ nhà giới thiệu:
- Tôi tên Khương quê ở Cao Bằng, trước kia cùng đơn vị với anh Phú. Trong chiến dịch Tây nguyên hồi tháng ba, bảy lăm tôi là người mang AK yểm trợ cho anh Phú bắn B40. Anh Phú đã bắn cháy một xe tăng địch tại thị xã Buôn Ma Thuột. Chuẩn bị tiêu diệt xe thứ hai thì anh Phú trúng đạn địch. Chính tôi là người tham gia chôn cất anh Phú. Hai ngày sau tôi bị thương mất một tay và nhiều vết thương khác, cả ở đầu, điều trị hơn năm trời mới ổn. Sau đó tôi xuất ngũ trở về, rồi lấy vợ. Rất tiếc tôi không thể sinh con. Thế rồi chiến tranh biên giới xảy ra năm bảy chín, giặc đánh vào thị xã Cao Bằng chúng đã bắn chết vợ tôi! Một hôm tôi mơ gặp lại anh Phú. Giấc mơ hay lắm. Tôi bừng tỉnh, rồi tự hỏi, không biết vợ con anh Phú giờ ra sao? Nhớ ngày xưa anh kể tôi nghe đã có vợ, thế là tôi tìm đường về đây, hỏi thăm, người ta chỉ vào nhà chị Tính. Thật sự tôi rất là bất ngờ...
...
- Anh chị lấy nhau khi nào? - Phượng hỏi chị Tính.
- Không! - Chị Tính trả lời tỉnh queo.
...
*
- Chị Tính đang nằm ở khoa nội bệnh viện huyện, cô về ngay!
- Xin lỗi, chị là ai ạ?
- Tôi là nhân viên y tế bệnh viện ĐT.
Phượng tức tưởi chạy về thăm chị Tính. Chị Tính đâu có ốm đau gì, chị đang bên một bệnh nhân nằm để truyền nước. Lại một lần nữa Phượng ngỡ ngàng, người bệnh mà chị Tính chăm sóc chính là anh Khương.
- Người nhà bệnh nhân là ai? - Bác sĩ hỏi.
- Thưa bác sĩ tôi ạ! - Chị Tính trả lời.
- Chị là...?
- Tôi là vợ của anh ấy!
- Phải đưa anh ấy lên tuyến trên, vết thương sọ não tuyến huyện không xử lý được!
Thần sắc chị Tính bỗng nhợt nhạt.
Chị Tính nhận anh Khương là chồng trước mặt bác sĩ. Có đúng vậy không? Có đúng chị và anh Khương đã đăng ký kết hôn? Sao chị Tính không cho Phượng biết? Và chị Tính sẽ không còn nguy hiểm nữa? Có chắc vậy không? Những băn khoăn, trăn trở về chị Tính cứ xáo trộn trong Phượng, như bị ai giần giã...
*
Thế rồi anh Khương mất do vết thương tái phát. Chị Tính dán mình vào quan tài khóc nức nở như người vợ khóc chồng. Có kẻ độc mồm độc miệng phao tin bà Tính là gái sát chồng. Chỉ có Phượng là thấu hiểu tận cùng sự đau khổ của chị Tính. Chị chưa một lần được làm vợ. Chị chăm sóc anh Khương vì anh là đồng đội của người yêu mình. Anh Khương đã chôn cất anh Phú nơi mặt trận. Qua anh Khương mà chị Tính thấy rõ hơn hình ảnh ngoan cường, khí phách của người yêu...
Cây đa bên chợ làng bị sét đánh ngày nào cháy sém vẫn còn dấu tích. Ngày ấy biết bao đôi trai gái hẹn hò bên gốc đa đợi trăng lên để tiễn đưa người ngày mai lên đường đánh giặc. Người ta vẫn kể cho nhau nghe về người con gái xinh đẹp nhất làng ở xóm bên sông, thủy chung với cả người đã chết...
Dòng sông Suông vẫn buông trôi. Ngôi nhà mái ngói rêu phong cùng “người đàn bà sát chồng” vẫn nhìn ra bến sông như thuở nào. Phượng gọi: BẾN HỒNG NHAN.
Truyện ngắn của Đào Sỹ Quang