Báo Đồng Nai điện tử
En

Đọc sách chống bệnh ung thư của Thùy Trang: Không sợ sống, dám yêu đời mà sống

08:03, 31/03/2023

Cuốn sách Không sợ sống, dám yêu đời mà sống của nhà báo Vũ Thùy Trang (Báo Người lao động) kể về hành trình giành giật sự sống của tác giả với căn bệnh ung thư, qua đó chia sẻ liệu trình điều trị tự thân và tinh thần quật cường chiến đấu với bệnh tật hiểm nghèo.

Cuốn sách Không sợ sống, dám yêu đời mà sống của nhà báo Vũ Thùy Trang (Báo Người lao động) kể về hành trình giành giật sự sống của tác giả với căn bệnh ung thư, qua đó chia sẻ liệu trình điều trị tự thân và tinh thần quật cường chiến đấu với bệnh tật hiểm nghèo.

Nhà báo Thùy Trang viết sách về căn bệnh ung thư
Nhà báo Thùy Trang viết sách về căn bệnh ung thư

Ngày 1-4, cuốn sách Không sợ sống, dám yêu đời mà sống (NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành) của nhà báo Vũ Thùy Trang chính thức ra mắt tại Đường sách TP.HCM. Thế nhưng từ nhiều ngày qua, rất đông bạn bè, người thân, độc giả đã đặt mua hàng trăm ấn bản quyển sách này vì ý nguyện cao đẹp của tác giả: “Số tiền bán sách của tôi sẽ gởi tặng toàn bộ cho bệnh nhi K (ung thư) - những đứa trẻ đang ngày ngày gồng mình như những chiến binh quả cảm”.

* Truyền cảm hứng sống

Buổi ra mắt cuốn sách đầu tay của Thùy Trang sau gần 20 năm làm báo tại TP.HCM (từ năm 2004) cũng là cuộc trò chuyện để tác giả và đông đảo bạn đọc có thể chia sẻ, “giải mã những hoang mang” mà theo tác giả, đó chính là điều mà bất cứ ai cũng sẽ phải đối mặt nếu nói về K”.

Sách phát hành từ ngày 1-4
Sách phát hành từ ngày 1-4

 

Thật vui khi đọc những dòng Thùy Trang viết trong sách sau hành trình chiến đấu với tử thần: “Và tôi đã phục hồi như thế. Phục hồi trong sự yêu thương, che chở và giúp sức của nhiều người… Cho đến lúc này tôi đã hoàn toàn khỏe mạnh và tóc cũng đã mọc trở lại bình thường”. Cô cho biết “lúc này bắt đầu yêu cuộc sống của mình nhiều hơn vì tôi đã có được những trải nghiệm quý giá”. Càng ý nghĩa hơn khi Trang bắt tay viết cuốn sách “vì khát vọng được một lần giúp cho các bé bệnh nhi ung thư, giấc mơ mà tôi đã nghĩ đến ngay cả khi bản thân chưa mang bệnh. Tôi mong nhận được sự đồng cảm và sẻ chia của mọi người. Không phải tôi mà chính bạn đọc mới là người đồng hành cùng các bé, giúp các bé được nhiều hơn”.

Cuốn tự truyện của một nhà báo nữ mắc căn bệnh ung thư quái ác khi tuổi đời mới 40 - giai đoạn chín muồi, sung sức nhất của người làm báo - gây nhiều xúc động cho bạn đọc. Đó là một câu chuyện đầy đau đớn song cũng đầy hi vọng. Song, như một phép màu, Không sợ sống, dám yêu đời mà sống sớm nhận được rất nhiều đồng cảm và sẻ chia, khiến tác giả “hạnh phúc vô bờ khi sách vô tình cũng trở thành niềm động viên cho người khác”.

Thùy Trang kể rằng có bạn đọc nữ thổ lộ từng có ý nghĩ quẩn tự kết thúc cuộc đời vì bệnh tật nhưng “sau khi đọc cuốn sách, tôi biết mình phải đi tiếp để thực hiện giấc mơ của mình”. Có cậu bạn mới quen đọc sách đã “tìm được con đường chữa lành những tổn thương” thay cho ý muốn kết liễu mạng sống chính mình. Có người chị bảo “đọc sách xong, chị sẽ không còn thất vọng với những điều không như ý nữa mà hạnh phúc với những gì mình đang có”.

* Không đầu hàng số phận

“Con người ta cần ốm nặng ít nhất một lần trong đời… Như vậy sẽ có dịp phân tích và đánh giá lại toàn bộ quãng đường đã qua” (trích tác phẩm Quy luật muôn đời của nhà văn người Georgia Nodar Dumbadze). Tập sách của Thùy Trang nằm trong trường hợp này. Từ những dòng chữ u ám choáng ngợp tâm trạng, người đọc bước dần đến một gam màu khác. Vui tươi hơn. Lạc quan hơn. Bản lĩnh hơn...” - trích lời giới thiệu của nhà văn LÊ MINH QUỐC.

Thùy Trang nói cuốn sách của cô “thành hình như một phép màu” với sự giúp đỡ của nhiều đồng nghiệp. “Cuốn sách này, tôi viết với mục đích chia sẻ cách đối mặt với bệnh tật, với những khoảnh khắc mà mình cho rằng nó khá nghiệt ngã mà bệnh nhân K nào cũng đối mặt. Cuộc sống đầy điều diệu kỳ và chúng ta chỉ có thể cảm nhận sự diệu kỳ ấy nếu can đảm đi về phía trước. Bằng trải nghiệm bản thân, tôi muốn chia sẻ với bệnh nhân hoặc chí ít là người nhà của bệnh nhân” - Trang bộc bạch.

“Tôi quý trọng những khoảnh khắc khỏe mạnh của hiện tại. Tận hưởng niềm vui, nỗi buồn của hiện tại” -  tác giả VŨ Thùy TRANG.

Điều gây bất ngờ cho độc giả là bảy chương sách không chỉ thuật lại cuộc chiến giành giật sự sống của người viết với “những cơn đau tiếp nối cơn đau” sau những đợt vào thuốc hóa, xạ trị; nỗi khó khăn mỗi khi thông tin bệnh tình với người mẹ quê xa thương con… mà còn là chuyện Trang quyết định đăng ký tham gia một khóa học Anh văn ngắn hạn ở Philippines hay thực hiện hành trình sang Mỹ thăm người thân “để kiểm tra sức khỏe mình”.

Họa sĩ Bùi Đức Lâm, sau khi vẽ minh họa cho cuốn sách của Thùy Trang, thốt lên: “Không gục ngã, em (tức Thùy Trang - PV) tìm mọi cách đối phó với những cơn đau. Không đầu hàng số phận, cuộc chiến đấu sinh tồn càng kéo dài càng cho em thêm sức mạnh, sự tự tin. Một cô gái phi thường! Em quyết không đầu hàng số phận và đã làm được”.           

Trung Nghĩa


Bệnh nhân ung thư: Vững tinh thần là quan trọng nhất

Tác giả Thùy Trang
Tác giả Thùy Trang

“Với một bệnh nhân K, có lẽ chấp nhận sự thật rằng bản thân mang bệnh, lại là bệnh nặng, là một sự thật quá đỗi nghiệt ngã. Dù vậy, điều quan trọng nhất là phải thẳng thắn đối mặt với sự việc đang xảy đến với mình” - tác giả Thùy Trang chia sẻ với Đồng Nai cuối tuần.

* Theo Trang, những yếu tố gì là quan trọng nhất khi bệnh nhân K đối mặt “khoảnh khắc nghiệt ngã”?

- Có những người thay vì chữa bệnh lại cầm hồ sơ bệnh án đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác làm xét nghiệm với ý nghĩ cầu may. Cầu cho kết quả này là nhầm lẫn, hay chí ít ở một bệnh viện nào đó, bác sĩ sẽ bảo rằng chỉ cần uống thuốc là khỏi. Đó là lý do nhiều bệnh nhân trốn bệnh viện tìm đến các biện pháp chữa trị không xâm lấn hay các biện pháp thiên về tâm linh khác. Không hẳn các biện pháp ấy không giá trị, nhưng lượng bệnh nhân quay lại bệnh viện với giai đoạn bệnh nặng hơn không thiếu.

Vì vậy, tôi nói rằng “đối mặt với những khoảnh khắc nghiệt ngã” chủ yếu là xác định rõ nét định hướng về mặt tâm lý cho bệnh nhân. Nhìn thẳng vào sự thật, bệnh ở đâu chữa ở đấy và chấp nhận bản thân mình đang ở hoàn cảnh nào là cực kỳ quan trọng. Có những người không qua khỏi không phải vì bệnh mà vì buông xuôi. Ấy là do cảm giác chán nản chiếm lĩnh họ. Tâm lý - tinh thần là điều tối quan trọng, theo quan điểm của cá nhân tôi.

* “Liệu trình điều trị tự thân” của bạn có thể dành cho những bệnh nhân khác tham khảo?

- Liệu trình đó sẽ bắt đầu từ chính bản thân mỗi người cần ý thức rõ về bệnh tình của mình. Có những giai đoạn bệnh có nhiều hy vọng chữa khỏi và cả giai đoạn bệnh khó để chữa trị. Đó là sự thật. Nhưng tất cả những điều đó đều là biểu thị của tương lai. Và điều chúng ta cần phải quan tâm chính là giây phút của hiện tại. Tôi vẫn cho rằng, sống trọn vẹn giây phút của hiện tại vẫn là điều thú vị và quan trọng nhất. Cứ tận hưởng mọi khoảnh khắc - kể cả đau đớn nhất vì tất cả sẽ trở thành trải nghiệm quý giá.

Và rõ ràng, thay vì ngồi than trời trách đất thì việc chọn cách cười ha hả với những điều tiếu lâm ở đời, có vẻ thú vị hơn. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có nói “mỗi ngày tôi chọn một niềm vui” nên đó cũng là cách để một ngày mệt mỏi trôi qua nhanh hơn. Tất nhiên nói thì dễ hơn làm nên với tôi, khi nào đau tôi khóc, khi nào đứng không nổi tôi nằm. Khi đỡ hơn tôi xem phim Hàn, đọc sách, nghe hài... hay lang thang chậm chạp trong các cửa hàng để ngắm những bộ quần áo đẹp. Tất cả những điều mang đến cho tôi sự thoải mái, tôi sẽ làm.

Thùy Trang (hàng ngồi, thứ hai từ phải sang) cùng bạn bè đồng nghiệp
Thùy Trang (hàng ngồi, thứ hai từ phải sang) cùng bạn bè đồng nghiệp

* Bạn cho rằng bệnh nhân K còn đối diện với “sự nhiễu loạn thông tin”. Theo bạn làm thế nào để tất cả mọi người dù khỏe mạnh hay là bệnh nhân tránh được sự nhiễu loạn đó?

- Bên cạnh những luồng thông tin chính thống thì cũng đầy rẫy những luồng thông tin đến theo nhiều con đường bán tín bán nghi khác nhau. Có những bác sĩ uy tín và giỏi thì cũng có lắm bác sĩ lang băm (quack doctor) với những bài thuốc truyền miệng. Trong khi hầu hết mọi người - cả người bệnh lẫn người khỏe thường bị chi phối bởi niềm tin.

Tôi không bài xích hay chối bỏ bất cứ phương pháp điều trị nào nhưng với cá nhân tôi, ngoài cách thức điều trị mà các bác sĩ đang thực hiện cho tôi thì mọi phương pháp điều trị khác chỉ mang tính hỗ trợ mà thôi. Tôi tuân thủ những phương pháp điều trị của bác sĩ theo dõi sức khỏe bệnh án của mình, tìm những cuốn sách được xuất bản chính thống mà đọc và tập thể dục theo khuyến cáo của sức khỏe bản thân. Đó là cách mà tôi tiếp nạp thông tin trong hành trình điều trị của mình.

* Xin cảm ơn Trang và rất vui khi biết hiện sức khỏe bạn đã ổn sau mỗi lần tái khám định kỳ. Chúc bạn luôn khỏe mạnh, lạc quan và yêu đời.

T.N (thực hiện)


 

Tin xem nhiều