Tuần vừa qua, cả nước xảy ra khá nhiều vụ bạo lực học đường mà nguyên nhân chủ yếu do những mâu thuẫn nhỏ giữa các học sinh chung trường, chung lớp. Trong số này có cả những nhóm nữ sinh cùng xông vào đánh, đấm, tát bạn chỉ vì hiềm khích xuất phát từ bài viết đăng tải trên mạng xã hội.
Tuần vừa qua, cả nước xảy ra khá nhiều vụ bạo lực học đường mà nguyên nhân chủ yếu do những mâu thuẫn nhỏ giữa các học sinh chung trường, chung lớp. Trong số này có cả những nhóm nữ sinh cùng xông vào đánh, đấm, tát bạn chỉ vì hiềm khích xuất phát từ bài viết đăng tải trên mạng xã hội.
Ảnh minh họa |
Theo các chuyên gia tâm lý, học sinh trong độ tuổi THCS, THPT khá nhạy cảm nên dễ dẫn tới những bất ổn và hành vi thiếu kiểm soát. Chỉ cần không đồng quan điểm về một vấn đề nào đó, hay đơn giản chỉ là thích chơi với bạn này, không thích chơi với bạn kia cũng dễ dẫn đến những mâu thuẫn. Nếu thiếu kiềm chế, những mâu thuẫn này dễ bùng phát thành việc đánh mắng bạn ngay trong môi trường học đường. Đặc biệt, có nhiều vụ bạo lực xảy ra chỉ vì “nghi bạn A đăng bài viết ám chỉ bạn B” lên Facebook, Zalo...
Không ít vụ nói xấu, bình phẩm bạn bè được các nhóm bạn trẻ chia sẻ công khai trên mạng. Đáng buồn là nhiều học sinh xem đây là chuyện bình thường và vô tư bày tỏ quan điểm mà không biết rằng bạn bè mình đang bị tổn thương vì những nhận xét, đánh giá đi quá xa sự thật. Có em vì không chịu được sự công kích này nảy sinh tâm lý sợ đến trường hoặc đến trường thì lầm lũi, ít nói chuyện và gần gũi ai. Ngay với cha mẹ, người thân trong gia đình cũng khó chia sẻ. Đã có những vụ việc đau lòng xảy ra mà nguyên nhân xuất phát từ những bình luận không hay trên mạng khiến học sinh không chịu nổi áp lực tìm đến cách giải quyết tiêu cực.
Để hạn chế tình trạng bạo lực học đường đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, nhà trường đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức cho học sinh. Đặc biệt, vai trò của giáo viên chủ nhiệm và giáo viên tổng phụ trách Đoàn, Đội cần phát huy hơn nữa trong việc gần gũi, lắng nghe tâm tư của học sinh, từ đó kịp thời phát hiện và ngăn chặn những hành vi bạo lực học đường. Bên cạnh đó, cần tổ chức nhiều hơn nữa những hoạt động ngoài giờ lên lớp để vừa thu hút học sinh tham gia, vừa tạo điều kiện gắn kết các em.
Với gia đình cần sự quan tâm, chia sẻ nhiều hơn nữa giữa cha mẹ với con cái nhằm kịp thời khuyên bảo, định hướng, giải đáp cho con những vướng mắc để không vì những mâu thuẫn nhỏ mà xảy ra xung đột không đáng có với bạn bè. Tập cho con thói quen đối diện với những khó khăn, tạo thói quen ứng xử có văn hóa với những mối quan hệ xung quanh để tránh “nóng giận mất khôn”. Quan trọng hơn là bản thân mỗi bạn trẻ phải ý thức được mục tiêu đến trường là học tập. Mọi mâu thuẫn đều có thể giải quyết trong hòa bình với sự hỗ trợ của thầy cô, bạn bè. Không nên dùng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Bên cạnh đó, việc hướng dẫn cho học sinh sử dụng mạng xã hội một cách văn minh, có ích cũng rất cần quan tâm, nhất là khi “cuộc chiến” trên không gian mạng từ ảo sang thật không còn hiếm gặp.
Minh Ngọc