Dòng sách du ký tại Việt Nam đang trở lại mạnh mẽ và "gãi đúng chỗ ngứa" của đông đảo bạn đọc trong nước sau thời chôn chân vì Covid-19 bắt đầu lên đường đi đó đi đây nên nảy sinh nhu cầu tham khảo nhiều thông tin, kiến thức và kinh nghiệm cần thiết.
Dòng sách du ký tại Việt Nam đang trở lại mạnh mẽ và “gãi đúng chỗ ngứa” của đông đảo bạn đọc trong nước sau thời chôn chân vì Covid-19 bắt đầu lên đường đi đó đi đây nên nảy sinh nhu cầu tham khảo nhiều thông tin, kiến thức và kinh nghiệm cần thiết.
Huỳnh Thu Dung - tác giả Những miền xa trên hành tinh xinh đẹp tại núi Cầu Vồng (Peru) |
Dù chung chủ đề du ký song đọc kỹ các quyển sách đang gây chú ý hiện nay trên thị trường, người đọc sẽ thú vị nhận ra ít nhiều sự khác biệt về cách thể hiện, lối miêu tả, sự quan tâm đề tài riêng của từng cây bút trong hành trình chu du thế giới của họ.
* Thông tin cùng nhiều ảnh
Nữ tác giả Huỳnh Thu Dung (hiện đang sống tại Hà Lan) cho biết qua cuốn sách du ký in màu toàn bộ Những miền xa trên hành tinh xinh đẹp (NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành), chị theo đuổi phong cách thể hiện “vừa có tính thông tin vừa có tính văn chương trong mỗi bài viết”. Một tác giả nữ khác cũng là “dân đi chính hiệu” Trần Hồng Ngọc - tác giả quyển sách đầu tay Con đường tơ lụa: Vạn dặm xa từ Pakistan tới Tây An (NXB Lao động và Chibooks xuất bản và phát hành) thì đặt tính khám phá và trải nghiệm kỳ thú từ những vùng đất xa lạ lên hàng đầu, đồng thời không quên chia sẻ những kỹ năng quan trọng dành cho người du lịch.
Do có khả năng chụp ảnh như một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, không lạ khi quyển sách của Thu Dung bao gồm hàng trăm bức ảnh ghi lại vẻ đẹp sống động và giàu sắc màu từ nhiều vùng đất thiên nhiên kỳ thú trên thế giới. Sức mạnh của hình ảnh thường được ví là “đem lại cảm xúc mạnh hơn cả nghìn lời nói”. Nữ traveller (người du hành) từng đặt chân đến 58 quốc gia và sẽ đạt cột mốc 60 quốc gia khi đến Qatar và SriLanka cuối năm 2022 này khẳng định: “Yếu tố không thể thiếu để tạo nên tính hấp dẫn của sách du ký chính là hình ảnh. Hình ảnh đi kèm bài viết, minh họa cho những nội dung được thể hiện trong bài viết sẽ làm cho câu chuyện kể của tác giả có tính thuyết phục hơn, chân thật và hấp dẫn hơn, đồng thời khơi gợi niềm yêu thích tìm đến vùng đất đó nhiều hơn”.
Tác giả Trần Hồng Ngọc và sách du ký của chị |
Còn sách của Hồng Ngọc dày 216 trang tặng kèm 1 bộ postcard phong cảnh tuyệt đẹp. Nhờ vậy, những địa danh “vang bóng một thời” trên con đường tơ lụa suốt hơn 1.500 năm lịch sử như được tái hiện sống động. Từ điểm khởi nguồn của con đường tơ lụa ở TP.Tây An, Trung Quốc đến Pakistan, Tân Cương, Cam Túc, Kashgar, Đôn Hoàng, Trương Dịch, Turpan, Khâu Từ. Tác giả từng lên đường cao tốc trải nhựa Karakoram cao nhất thế giới và kết thúc hành trình “tơ lụa” của mình ở thung lũng Hunza thiên đường.
* Gửi gắm cảm hứng chu du
Các tác giả sách du ký thường đóng vai trò dẫn đường cho các độc giả du hành cùng với tác giả qua từng chặng hành trình. Thu Dung tâm đắc hướng “cung cấp cho độc giả những thông tin thú vị của các điểm đến được miêu tả trong bài viết, vừa lồng ghép xúc cảm và gửi gắm niềm cảm hứng khao khát lên đường đến những vùng đất mới cho người đọc”.
Giới trẻ bắt đầu du ngoạn trở lại cần nhiều thông tin từ sách du ký. Trong ảnh: Nhóm bạn trẻ mê xê dịch Việt Nam tại Tây Tạng |
Theo tác giả, mỗi bài viết trong sách của chị “có dung lượng ngắn vừa phải, không quá nặng nề hoặc nặng tính nghiên cứu”. Vì vậy mà 25 bài viết về các điểm đến trên khắp năm châu trong Những miền xa trên hành tinh xinh đẹp dễ dàng khiến người đọc chịu rời xa những đô thành để “đến những nơi núi cao rừng sâu, biển cả bao la, những đầm sông băng giá, sa mạc nắng cháy, vùng thiên nhiên xanh mướt ngọc ngà” cùng người viết.
Hồng Ngọc thì cho biết cô “thích cảm giác tận mắt chứng kiến, va chạm, nghe thấy những ngôn ngữ mới, ngửi thấy những mùi vị, màu sắc của những nền văn hóa khác nhau”. Khi trò chuyện với Đồng Nai cuối tuần vào trung tuần tháng 11-2022, Hồng Ngọc cho biết hiện cô đang có chuyến khám phá đất nước Bắc Phi Morocco. “Mỗi chuyến đi sẽ giúp cuộc sống của tôi có thêm nhiều trang rực rỡ hơn. Đi để thấy mình bé nhỏ. Đi để thấy mình còn hiểu biết quá ít về thế giới. Đi để trở về với một “tôi” biết thấu hiểu và khiêm nhường hơn” - Ngọc chia sẻ về thông điệp viết sách du ký của mình.
* Theo chị, vì sao thể loại sách du ký được bạn đọc đón nhận?
- Tác giả Huỳnh Thu Dung: Sách du ký trong thời gian gần đây quả thật rất thu hút độc giả. Bởi vì niềm đam mê du lịch khám phá hầu như là có trong mỗi con người dù ít hay nhiều. Đặc biệt gần đây khi các điều kiện đi lại ngày càng dễ dàng hơn đến khắp nơi trên thế giới, thì niềm đam mê này càng ngày càng cháy bỏng hơn, đặc biệt là với các bạn trẻ muốn đi đến những vùng đất mới để khám phá và trải nghiệm bản thân. Sách du ký vì thế vừa mang tính giới thiệu thông tin về những vùng đất tác giả có dịp đi qua, vừa có thể đánh thức đam mê khám phá, giới thiệu thông tin về những vùng đất mới, gợi những ý tưởng mới cho những chuyến du hành sắp tới của các độc giả. Sách du ký giúp tạm thời thỏa mãn đam mê xê dịch cho những ai chưa thể lên đường đến vùng đất đó, tận hưởng vẻ đẹp và sự mới lạ của những nơi mình chưa đặt chân đến thông qua những câu chuyện kể của các tác giả sách du ký.
* Sức hấp dẫn của sách du ký nằm ở đâu, theo kinh nghiệm của chị?
- Một quyển sách du ký để đạt được sức hấp dẫn trước tiên cần có câu chuyện riêng về hành trình của tác giả - người viết sách, mỗi câu chuyện thể hiện được tính chân thật, không sáo rỗng khoa trương hoặc cố tình kịch tính hóa hành trình, không dựa trên những sự tưởng tượng không có thật. Sách cần ngắn gọn, súc tích dễ hiểu, tránh cách viết dài lê thê hoặc quá nhiều chi tiết mà người đọc có thể tự tìm thấy trên các trang thông tin mạng. Nên có tính độc đáo thể hiện trong mỗi bài viết tùy vào cách thể hiện của từng tác giả.
* Xin cảm ơn chị!
C.Đ (thực hiện)
Cẩm Điệp