Bước sang lớp 12, các học sinh bắt đầu đứng ở ngưỡng cửa cuộc đời. Những thanh niên 17-18 tuổi phải đưa ra lựa chọn về ngành nghề mà mình sẽ theo đuổi. Làm thế nào để lựa chọn được ngành nghề phù hợp với năng lực, sở trường của bản thân và có cơ hội việc làm ổn định sau khi tốt nghiệp là băn khoăn của các bạn trẻ.
Bước sang lớp 12, các học sinh bắt đầu đứng ở ngưỡng cửa cuộc đời. Những thanh niên 17-18 tuổi phải đưa ra lựa chọn về ngành nghề mà mình sẽ theo đuổi. Làm thế nào để lựa chọn được ngành nghề phù hợp với năng lực, sở trường của bản thân và có cơ hội việc làm ổn định sau khi tốt nghiệp là băn khoăn của các bạn trẻ.
Học sinh Trường TH-THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng (TP.Biên Hòa) trong giờ học. Ảnh: H.Yến |
Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách thức để chọn được một ngành học phù hợp.
* Cần đa dạng hình thức tư vấn hướng nghiệp
Mong muốn được trở thành một hướng dẫn viên du lịch quốc tế, Cao Thị Anh Thư (học sinh Trường TH-THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng, TP.Biên Hòa) dự định sẽ theo ngành ngoại thương để theo đuổi công việc này.
Anh Thư lý giải: “Khi học ngành ngoại thương em sẽ có vốn ngoại ngữ tốt và có kiến thức về kinh doanh thương mại. Điều này là phù hợp với xu hướng hợp tác quốc tế hiện nay. Em có thể vận dụng những kiến thức đó khi làm du lịch hoặc có thể chuyển hướng làm trong lĩnh vực hợp tác quốc tế”.
Nữ sinh này cho biết, em đã thử thực hiện một số bài trắc nghiệm để đánh giá sự phù hợp của tính cách, năng lực bản thân với nghề nghiệp đã chọn. Đồng thời, bản thân đã chia sẻ về định hướng nghề nghiệp của mình với gia đình, thầy cô, bạn bè. Một số người góp ý, việc chọn ngành học của Thư là chưa phù hợp với nghề du lịch. Chính Thư cũng thấy rằng học ngành ngoại thương sẽ không được đào tạo các kiến thức chuyên ngành, nghiệp vụ về du lịch nhưng em sẽ tìm cách học hỏi để bù đắp sự thiếu hụt này. Nữ sinh này cho biết sẽ tiếp tục theo dõi các chương trình tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh, tham khảo thêm thông tin trong giai đoạn chọn nghề, ngành hiện nay.
Năm học 2022-2023, Sở GD-ĐT phối hợp với Tạp chí Giáo dục TP.HCM tổ chức các chương trình giáo dục kỹ năng - giáo dục hướng nghiệp, phân luồng - tư vấn tuyển sinh tại 75 trường THPT và trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh. |
Trên thực tế, có rất nhiều học sinh chưa biết cách chọn ngành, nghề phù hợp. Đa số chọn nghề xuất phát từ ý thích cá nhân mà thiếu sự phân tích kỹ lưỡng và chưa có tư vấn trực tiếp từ các chuyên gia.
Nhằm đáp ứng nhu cầu hướng nghiệp, Sở GD-ĐT phối hợp với nhiều đơn vị đã tổ chức các chương trình tư vấn hướng nghiệp. Chuỗi hoạt động này nhằm trang bị cho học sinh những kỹ năng tiếp cận, phát hiện, khám phá, lựa chọn và phát triển nghề nghiệp bản thân phù hợp với sở thích, năng lực, điều kiện kinh tế gia đình; cung cấp thông tin về dự báo nguồn nhân lực; cung cấp, hướng dẫn kỹ năng chọn nghề, trường…
Bên cạnh đó, các trường THPT cũng có nhiều hoạt động nhằm nâng cao chất lượng tư vấn hướng nghiệp. Chẳng hạn, Trường THPT Tân Phú (H.Định Quán) kết nối giữa các cựu học sinh với sinh viên nhà trường để các cựu học sinh chia sẻ về kinh nghiệm, những khó khăn, thuận lợi trong quá trình học đại học, cao đẳng… Những chia sẻ này giúp học sinh có thêm thông tin tham khảo.
Một số trường THPT phối hợp với các trường cao đẳng, đại học đưa học sinh đến tham quan, trải nghiệm tại trường đại học và một số công ty, xí nghiệp. Những điều “mắt thấy, tai nghe” giúp học sinh có thêm “kênh” tham khảo, lựa chọn nghề nghiệp chính xác hơn.
* 3 bước chọn nghề
Với kinh nghiệm đã là người làm công tác tuyển sinh và hướng nghiệp nhiều năm, TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng ban Công tác sinh viên, Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng, khi lựa chọn ngành, nghề, học sinh nên tiến hành theo 3 bước.
Thứ nhất, tìm hiểu về ngành, nghề và trường. Tức là học sinh tìm hiểu về danh mục nghề nghiệp, chọn ra những nhóm nghề mà bản thân quan tâm và có hứng thú. Từ những nghề đó, học sinh sẽ xác định ngành học. Khi chọn được ngành học rồi mới lựa chọn trường (có thể là trung cấp, cao đẳng, đại học).
Thứ hai, xác định về sự phù hợp của bản thân với nghề và ngành học đã chọn. Đây là bước rất quan trọng.
“Các em cần tham khảo các môn học trong chương trình đào tạo xem có hứng thú với ngành học đó hay không. Các em cũng cần xem cơ sở đào tạo có phù hợp với hoàn cảnh của mình. Chẳng hạn với những em không thể sống xa nhà thì nên chọn các trường cao đẳng, đại học ở địa phương. Những em có khả năng quản lý được thời gian, sống độc lập, thiết lập tốt các mối quan hệ xã hội và muốn thay đổi môi trường thì có thể chọn các trường ở các thành phố lớn, thậm chí có thể chọn đi du học” - TS Mai cho hay.
Các chuyên gia tư vấn cho học sinh trong chương trình tư vấn hướng nghiệp Cùng bạn chọn nghề cho tương lai do Sở GD-ĐT phối hợp với Tạp chí Giáo dục TP.HCM tổ chức |
Thứ ba, khi đã xác định chắc chắn nghề, ngành, trường học thì học sinh cần phải lập ra kế hoạch thực hiện. Trong đó, mục tiêu đầu tiên phải tốt nghiệp được THPT. Với mục tiêu đậu vào các trường đại học, cao đẳng, học sinh phải xác định môn học thế mạnh và môn học còn yếu của mình để cải thiện, tăng tốc ôn thi. Cuối cùng, học sinh cần tìm hiểu rõ các hình thức tuyển sinh để chọn phương thức phù hợp nhất với mình.
TS Mai cung cấp thêm thông tin, trong kỳ tuyển sinh đại học năm 2022, có 35% thí sinh trúng tuyển theo các phương thức tuyển sinh sớm (xét học bạ, điểm đánh giá năng lực, xét tuyển thẳng) nhưng lại không làm xác nhận nhập học. Điều đó chứng tỏ sự xác định ngành, nghề của các em vẫn chưa chắc chắn.
Chuyên gia này cũng lưu ý thêm, trong xét tuyển đại học, thí sinh có quyền đăng ký nhiều nguyện vọng nhưng chỉ có duy nhất một nguyện vọng đậu. Do vậy, học sinh cần tăng cường tự hướng nghiệp cho bản thân để đưa ra được lựa chọn phù hợp nhất cho tương lai.
NGUYỄN HỮU AN, tân thủ khoa ngành sư phạm Ngữ văn, Trường đại học Đồng Nai: Chọn sai do không tìm hiểu kỹ về ngành học
Trước khi thi vào Trường đại học Đồng Nai, tôi đã học ở một trường đại học khác để theo đuổi ước mơ của mình. Tuy vậy, sau khi học ở đây 3 tháng, tôi thấy bản thân không phù hợp với ngành học này và quyết định nghỉ học để thi lại vào Trường đại học Đồng Nai. Ban đầu, tôi đã chọn sai ngành là do không tìm hiểu kỹ về ngành học, chủ quan cho rằng mình phù hợp, đủ năng lực để theo học.
Từ kinh nghiệm cá nhân, tôi cho rằng ngay từ bây giờ các bạn lớp 12 cần phải xác định rõ về bản thân, tìm hiểu kỹ thông tin ngành, nghề để đưa ra quyết định đúng. Các bạn cần xem bản thân bạn có tố chất gì, có phù hợp với ngành học mà mình thích hay không. Các bạn cũng nên tìm cách kết nối với người đi trước trong lĩnh vực mà bạn dự định theo học để nghe chia sẻ kỹ hơn nhằm có nhiều thông tin cho quá trình lựa chọn.
NGUYỄN THỊ YẾN NHƯ, học sinh lớp 12A15, Trường TH-THCS-THPT Định Tiên Hoàng (TP.Biên Hòa): Mong được kết nối với sinh viên để tìm hiểu về môi trường đại học
Em dự định sẽ theo học ngành dược vì nhiều nguyên nhân như đây là ngành đang phát triển trong xã hội; được gia đình định hướng, khuyến khích và bản thân cũng có sự xem xét, cân nhắc rồi mới chọn.
Em có tìm hiểu về ngành dược qua nhiều nguồn thông tin và biết rằng học ngành này sẽ rất cực, tốn nhiều công sức, tiền bạc nhưng chỉ cần kiên trì thì có thể theo đuổi. Về việc học cụ thể như thế nào, khó khăn, thuận lợi gì thì em chưa có nhiều thông tin. Em mong trong quá trình chọn nghề, chọn trường, học sinh chúng em sẽ được kết nối với các anh chị sinh viên ở các trường đại học để nghe chia sẽ kỹ hơn về thực tế học tập, môi trường học tập cũng như môi trường sống của sinh viên. Điều này sẽ giúp chúng em chuẩn bị tốt hơn khi bước chân vào đại học.
Hải An (ghi)
Hải Yến