Báo Đồng Nai điện tử
En

Biên kịch Kim - đồng tác giả phim Mẹ rơm: Tôi viết bằng những trầm tích cuộc sống trong mình

07:11, 18/11/2022

Bộ phim Mẹ Rơm đang ngày càng gây chú ý trên dải sóng giờ vàng của VTV1, được nhiều khán giả dành cảm xúc đặc biệt cho câu chuyện phim. Là tác giả kịch bản của nhiều bộ phim điện ảnh gây tiếng vang lớn như: Lô tô, Mẹ chồng, Hạnh phúc của mẹ, lần này, bộ đôi biên kịch Kim và Ngọc Bích lại tiếp tục "gây sóng gió" với Mẹ Rơm trên sóng truyền hình. Đồng Nai cuối tuần có cuộc trò chuyện với biên kịch Kim về hành trình gầy dựng và sáng tạo nên câu chuyện Mẹ Rơm đang lấy đi nước mắt của khán giả.

Bộ phim Mẹ Rơm đang ngày càng gây chú ý trên dải sóng giờ vàng của VTV1, được nhiều khán giả dành cảm xúc đặc biệt cho câu chuyện phim. Là tác giả kịch bản của nhiều bộ phim điện ảnh gây tiếng vang lớn như: Lô tô, Mẹ chồng, Hạnh phúc của mẹ, lần này, bộ đôi biên kịch Kim và Ngọc Bích lại tiếp tục “gây sóng gió” với Mẹ Rơm trên sóng truyền hình. Đồng Nai cuối tuần có cuộc trò chuyện với biên kịch Kim về hành trình gầy dựng và sáng tạo nên câu chuyện Mẹ Rơm đang lấy đi nước mắt của khán giả.

Poster phim Mẹ rơm
Poster phim Mẹ rơm

* Chị cùng đồng biên kịch Ngọc Bích đã hình thành và gầy dựng ý tưởng kịch bản Mẹ Rơm như thế nào?

- Đó là thời điểm ngay sau khi bộ phim Mắt Lụa (phim truyền hình) được phát sóng và nhận được phản hồi rất tích cực từ khán giả. Đó cũng là dự án đầu tiên chúng tôi hợp tác với đạo diễn Nguyễn Phương Điền. Được khán giả đón nhận và yêu thương Mắt lụa, anh em chúng tôi vui lắm. Có hôm mấy anh em ngồi với nhau, anh Điền nói, anh có cảm xúc đặc biệt khi nhìn những con bù nhìn trên những cánh đồng lúa và thường liên tưởng đến những phận người thấp bé và nói chúng tôi có ý tưởng gì liên quan thì viết cho anh. 

Tôi và Ngọc Bích cũng nghĩ ra một số ý tưởng nhưng chưa đã lắm. Đến một ngày, tình cờ tôi xem lại bộ phim Thằng Gù (chuyển thể từ tiểu thuyết Nhà thờ Đức Bà Paris của Victor Hugo). Vốn đã tiếp cận tác phẩm văn học này từ nhỏ nên sự tiếp cận lại với nhân vật Quasimodo trên màn ảnh lần này như một “cú bật nắp” khơi mở lại cho mình cảm xúc mãnh liệt về tiếng vọng từ tình yêu cao cả của Quasimodo,  một kẻ dị dạng không ai dám đến gần, một chàng trai tật nguyền, bị tổn thương và bị cả xã hội khinh thường. Cảm xúc với Quasimodo khiến tôi hình dung ra một nhân vật có bề ngoài kỳ dị nhưng lại có một trái tim ấm áp, anh ta sẽ làm gì khi yêu đơn phương một cô gái khờ khạo, làm gì khi trở thành một người cha bất đắc dĩ của một đứa trẻ. 

Bộ phim Mẹ Rơm - 52 tập đang chiếu trên sóng giờ vàng VTV1 - 21 giờ từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần. Bộ phim là câu chuyện về Mô Gù, một người đàn ông nghèo khổ, mồ côi với hình dạng bề ngoài xấu xí. Mô âm thầm yêu một cô gái cùng thôn tên Loan. Loan khờ khạo bị lừa tình dẫn đến việc cô có thai. Ngày Loan sinh con chỉ có một mình Mô Gù giúp. Ngay sau đó, Loan mất tích, Mô Gù trở thành người cha bất đắc dĩ của đứa bé. Anh đặt tên bé là Hạt Dẻ. Kẻ chưa bao giờ được yêu thương, chưa biết thế nào là tình thân như Mô Gù bây giờ lại là người phải biết yêu thương và chăm sóc một đứa trẻ. Với sự giúp đỡ của Hồng, một cô gái làng chơi hết thời và bà già mù cùng thôn, Mô Gù đã nuôi Hạt Dẻ khôn lớn. Nhưng ngay lúc này anh lại phải đối diện với cuộc tranh giành lại đứa bé từ chính người bác ruột và người cha ruột của Hạt Dẻ.

Tôi tương tác với Ngọc Bích về ý tưởng này và dần hình thành nên câu chuyện cho nhân vật Mô Gù, đặt để anh ấy trong bối cảnh nông thôn và đặc biệt là nông thôn trong thời kỳ đổi mới, cho Mô Gù có một tình yêu cao đẹp với một cô gái khờ trong thôn và đối diện với tình phụ tử trớ trêu. Và cứ thế, chúng tôi gầy dựng hệ sinh thái câu chuyện quanh Mô Gù ở thôn Làng Mô (một địa danh cũng hoàn toàn hư cấu).

* Bộ phim mới phát sóng 10 tập nhưng đang ngày càng cuốn hút khán giả, trên các diễn đàn có thể nhận thấy khán giả rất yêu thích về sự chân thực của bộ phim, những tình tiết diễn ra ở đời sống nông thôn rất sống động và gần gũi, đến nỗi nhiều khán giả thốt lên: Trời ơi, y như chuyện xảy ra ở quê mình!. Chị và đồng biên kịch Ngọc Bích làm sao để chắt lọc được những chi tiết này từ cuộc sống và đưa vào kịch bản?

- Thực ra tất cả các chi tiết trong Mẹ Rơm hay các kịch bản khác đều không phải việc quan sát cuộc sống một sớm một chiều mà đưa vào kịch bản, đó là cả hành trình nhìn nhận, lắng nghe, cảm thụ và thấu hiểu những gì diễn ra ở cuộc sống quanh mình. Tôi vốn xuất thân cũng từ nông thôn nên những câu chuyện làng xã, tình người ở nông thôn vốn đã được ghi nhận vào trí não của mình trong nhiều năm tháng, tôi xem đó như trầm tích trong tâm hồn chỉ chờ dịp khai mở. Rất nhiều tình tiết trong phim, tôi viết bằng niềm cảm xúc trong những trầm tích đó. Tôi vẫn thường ví von về nghề của mình: chúng tôi chỉ là người ngồi lặng yên, lắng nghe và kể lại những câu chuyện của cuộc đời. Chúng tôi lắng nghe tất cả, những niềm vui, nỗi buồn, lời than vãn hay những bi kịch, tiếng cười và cả sự hoan ca để kể lại với tất cả sự tiếp nhận và sự thấu cảm của mình.

* Được biết,  từ khi có ý tưởng đến ngày phát sóng, kịch bản Mẹ Rơm đã chờ đến 7 năm, thời gian đầu tư cho kịch bản khủng vậy hay sao?

- À, đây lại là một câu chuyện khác. Như tôi đã chia sẻ, sau khi anh Điền gợi ý thì chúng tôi cũng rất nhanh có hình tượng và lên ý tưởng. Khi chúng tôi gửi cho anh Điền synopsis (tóm tắt truyện phim), anh Điền đồng ý ngay và nói chúng tôi viết liền cho ảnh. Nhưng ngặt nỗi là ngay sau đó cá nhân tôi có một biến cố rất lớn khiến tôi bị suy sụp và stress đến nỗi không thể làm gì suốt 2 năm trời. Việc phát triển synopsis thành kịch bản chi tiết bị dừng lại ở đó. Khi tôi bình tâm trở lại thì anh Điền lại đang kẹt làm nhiều dự án lớn như Tiếng sét trong mưa, Vua bánh mì... Rồi lúc đó tôi và Ngọc Bích lại được đặt hàng một số kịch bản điện ảnh như: Sài Gòn anh yêu em, Lô tô, Mẹ chồng, Hạnh phúc của mẹ, Quỳnh Hoa Nhất Dạ... Cứ thế các dự án điện ảnh và nhiều dự án khác cứ cuốn chúng tôi đi. Lời hẹn với Mẹ Rơm phải gác lại mãi đến năm 2020 chúng tôi mới quay lại thì lại dính dịch. Lại phải chờ…

Biên kịch Kim (thứ 2 từ phải sang) tại lễ ra mắt phim Mẹ rơm
Biên kịch Kim (thứ 2 từ phải sang) tại lễ ra mắt phim Mẹ rơm

* Với câu chuyện rất khốc liệt nhưng lại đầy tính nhân văn như Mẹ Rơm, chị có mong muốn gửi gắm điều gì trong câu chuyện này?

- Tôi luôn đánh giá cuộc sống bằng cả hành trình, cũng như xây dựng tính cách nhân vật bằng cả hành trình sống của họ, để hiểu rằng vì sao họ sai lầm, họ đáng trách nhưng có đáng thương không? Ví dụ như nhân vật Khoản, 8 tập đầu khán giả căm ghét nhân vật này vì sự cộc cằn và tàn ác của anh ta, khán giả bức xúc đến độ có người còn đòi đến đốt nhà diễn viên Cao Minh Đạt (vai Khoản) nhưng đến tập 9, mọi người lại thương anh ta vì một vài tình tiết mà tôi xây dựng trong quá khứ của Khoản cũng như nỗi đau của anh ta khi đối diện với cái chết của người mẹ. Đó là gì? Đó chính là sự thấu hiểu.

Như Marie Curie nói: Cuộc sống không phải để sợ mà là để hiểu! Với Mẹ Rơm, tôi cũng chỉ mong có thể chạm khán giả với thông điệp này. Cuộc sống vốn là như vậy, không dễ dàng gì, có rất nhiều sự khốc liệt diễn ra quanh chúng ta, hoặc buộc ta phải đối diện. Nếu nhìn nhận mọi việc với sự thấu hiểu sẽ giúp ta nhẹ lòng, chiến thắng nỗi sợ hãi. Con người ai cũng sẽ có những sai lầm, nhưng phần lớn đều có những nguồn cơn, quan trọng là ta biết nhìn nhận lại và sửa sai hay không.  

* Cảm ơn chị!

Niềm tin, tình thương, sự thấu hiểu và lòng trắc ẩn chính là thứ còn đọng lại và cứu rỗi chúng ta, chữa lành cho chúng ta trong cuộc sống nhiều thử thách này.

Thanh Nguyên (thực hiện)

Tin xem nhiều