Bước vào năm học mới chưa lâu song trên phạm vi cả nước đã xảy ra một số vụ bạo hành mà nạn nhân là trẻ ở lứa tuổi mầm non gây bức xúc dư luận.
Bước vào năm học mới chưa lâu song trên phạm vi cả nước đã xảy ra một số vụ bạo hành mà nạn nhân là trẻ ở lứa tuổi mầm non gây bức xúc dư luận.
Kết quả điều tra ban đầu của các vụ bạo hành này cho thấy, cô trông trẻ thường bỏ đói, đánh, mắng… khiến trẻ bị ảnh hưởng tâm lý, sợ đến trường. Khi bị phát hiện, các cô thường đổ lỗi do quá mệt mỏi vì công việc, trong khi trẻ khó bảo, hay quấy khóc. Vì không kiềm chế được nên cô “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với trẻ.
Số liệu thống kê của Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TBXH) cho thấy, trung bình mỗi năm, cả nước có khoảng 2 ngàn vụ bạo hành, xâm hại trẻ em, hơn 90% số vụ việc xảy ra do người thân, quen với nạn nhân gây ra. Trong đó, không ít vụ, trẻ bị bạo hành do chính thầy cô trông nom, giảng dạy thực hiện. Đã có những cơ sở giáo dục có cô giáo bạo hành trẻ bị phạt phải đóng cửa không cho hoạt động một thời gian. Có giáo viên buộc phải nghỉ việc hoặc điều chuyển vị trí công tác khác do vi phạm quy định của nghề. Dư luận xã hội bất bình lên tiếng nhưng tình trạng này vẫn xảy ra ở không ít cơ sở giáo dục trong cả nước.
Chúng ta hoàn toàn có thể thông cảm với những vất vả, áp lực của đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên mầm non trong việc nuôi dạy trẻ ở độ tuổi nhỏ, nhận thức còn non nớt. Trong khi đó, thu nhập của các cô khá thấp, chế độ, chính sách đãi ngộ còn ít ỏi chưa tạo động lực để giúp đội ngũ này yên tâm công tác và gắn bó. Do vậy, nhiều cô trong quá trình chăm sóc trẻ đã không kiềm chế được bản thân, có những hành động phản giáo dục. Khi những vụ bạo hành bị phát hiện và được xử lý, các cô đều nhận thấy lỗi lầm của mình nhưng với những gì đã diễn ra, rất khó để lấy lại hình ảnh đẹp của cô giáo nuôi dạy trẻ trong mắt trẻ thơ, phụ huynh và cả xã hội.
Nghề giáo là nghề rất đặc thù đòi hỏi những chuẩn mực sư phạm rất riêng. Vì thế, chỉ cần một hành động không chuẩn mực cũng dễ bị đưa lên “bàn cân” để suy xét. Tuy nhiên, việc thầy cô bạo hành trẻ dù với bất cứ lý do gì cũng khó có thể chấp nhận, bởi điều này ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ. Do đó, dù nghề còn nhiều khó khăn, thu nhập chưa tương xứng nhưng những gì là quy định, là chuẩn mực vẫn rất cần được gìn giữ để không làm mất đi hình ảnh đẹp của người thầy. Việc xây dựng bản lĩnh, đạo đức cho đội ngũ nhà giáo rất cần các cơ sở giáo dục và những đơn vị có liên quan quan tâm, thường xuyên bồi dưỡng, tập huấn về cả tay nghề và ứng xử để hạn chế đến mức thấp nhất những vụ bạo hành trẻ em trong môi trường học đường.
Minh Ngọc