Báo Đồng Nai điện tử
En

Ba Vì - vùng đất của các di tích và du lịch sinh thái rừng

09:10, 07/10/2022

Ba Vì là một huyện cực Tây của TP.Hà Nội, cách thủ đô khoảng 50km. H.Ba Vì được thiên nhiên ban tặng cho một vùng núi non, sông suối, cảnh sắc tươi đẹp và kỳ vĩ. Cùng với bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, Ba Vì là địa phương đang lưu giữ một kho tài sản vô giá là các di tích lịch sử văn hóa đa dạng không phải nơi nào cũng có được.

Ba Vì là một huyện cực Tây của TP.Hà Nội, cách thủ đô khoảng 50km. H.Ba Vì được thiên nhiên ban tặng cho một vùng núi non, sông suối, cảnh sắc tươi đẹp và kỳ vĩ. Cùng với bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, Ba Vì là địa phương đang lưu giữ một kho tài sản vô giá là các di tích lịch sử văn hóa đa dạng không phải nơi nào cũng có được.

Đoàn công tác của Đồng Nai chụp ảnh lưu niệm cùng Ban giám đốc Vườn quốc gia Ba Vì tại Đền thờ Bác trên đỉnh núi Ba Vì
Đoàn công tác của Đồng Nai chụp ảnh lưu niệm cùng Ban giám đốc Vườn quốc gia Ba Vì tại Đền thờ Bác trên đỉnh núi Ba Vì

* Phát triển du lịch sinh thái rừng

Nhắc tới Ba Vì không thể không nhắc tới hình ảnh núi Tản, ngọn núi kỳ vĩ, linh thiêng gắn liền với truyền thuyết Sơn Tinh, về Đức Thánh Tản. Hiện trên địa bàn H.Ba Vì có 75 điểm thờ Tản Viên Sơn Thánh, tập trung nhiều nhất ở vùng núi Tản, sông Đà nơi được coi là phát tích của truyền thuyết. Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh được tổ chức rộng khắp trong vùng.

Ông Đỗ Hữu Thế, Giám đốc Vườn quốc gia Ba Vì cho biết, Vườn quốc gia Ba Vì là cánh rừng ôm trọn 3 đỉnh núi cao nhất thuộc dãy Ba Vì gồm các đỉnh: Vua, Tản Viên và Ngọc Hoa. Vườn quốc gia Ba Vì không chỉ lưu giữ nhiều huyền thoại từ thời lập đất, lập quốc mà còn là một thế giới đại ngàn với hệ thống động thực vật muôn điều kỳ thú. Với khí hậu mát mẻ, Vườn quốc gia Ba Vì là một nơi du lịch lý tưởng cho du khách vào những dịp nghỉ hay cuối tuần với những điểm đến thú vị như: nhà thờ Đổ, đồi Thông, hệ thống nhà tù bí mật của Pháp…

Giữa tháng 9-2022, đoàn công tác của Đồng Nai do Phó chủ tịch UBND tỉnh VÕ VĂN PHI làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Vườn quốc gia Ba Vì về việc trao đổi kinh nghiệm phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí. Phó chủ tịch UBND tỉnh đã đánh giá cao mô hình phát triển du lịch rừng tại Ba Vì. Đồng Nai sẽ học tập những kinh nghiệm hay từ đơn vị bạn để nhân rộng và phát triển tiềm năng du sinh thái rừng của địa phương.

Với những lợi thế đó, Ba Vì đã chủ động kêu gọi đầu tư phát triển du lịch sinh thái, du lịch rừng và kinh doanh dịch vụ về rừng. Cách làm này đã giúp địa phương vừa giữ được rừng vừa tạo được nguồn thu phát triển kinh tế.

Cụ thể như Khu du lịch Thiên Sơn - Suối Ngà cách Hà Nội khoảng 50km về hướng Tây, nằm giữa thung lũng trong khu rừng tự nhiên. Ở đây khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm. Đến với Thiên Sơn - Suối Ngà, du khách  lần lượt khám phá 3 tiểu khu: Hạ Sơn, Trung Sơn và Ngoạn Sơn. Điểm ấn tượng nhất trong khu du lịch là thác Cổng Trời mênh mông, hùng vĩ. Từ độ cao vài chục mét, thác Cổng Trời có 3 làn nước đổ xuống sườn núi tạo thành một bể bơi thiên nhiên đẹp mắt. Nước suối trong veo, nhìn thấy cả hạt cát dưới đáy. Bên cạnh đó, Khu du lịch sinh thái Long Việt của Ba Vì cũng nổi tiếng là vùng đất có những nét đẹp hoang sơ, mang đậm dấu ấn ngàn năm lịch sử còn lưu lại từ thuở Sơn Tinh - Thủy Tinh giao chiến cũng thu hút đông du khách  đến để tham quan.

* Nhiều kho tàng di tích lịch sử văn hóa giá trị

Đặc biệt, Ba Vì là huyện có số lượng di tích lớn nhất TP.Hà Nội với 394 di tích các loại. Trong đó có 106 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia và cấp thành phố.

Theo tìm hiểu, cả nước có 5 ngôi đình cổ được xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt thì cả 5 đều nằm trên địa bàn TP.Hà Nội. Trong số đó, riêng H.Ba Vì có 3 đình là đình Tây Đằng, đình Thanh Lũng và đình Thụy Phiêu. 3 ngôi đình này đều xây dựng vào đầu thế kỷ XVI dưới thời nhà Mạc với nghệ thuật điêu khắc chạm trổ, trang trí độc đáo.

Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2022 tổng giá trị sản xuất toàn H.Ba Vì ước đạt hơn 14 ngàn tỷ đồng, bằng 46% kế hoạch năm, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó dịch vụ du lịch tăng cao nhất, ước đạt hơn 5,8 ngàn tỷ đồng, bằng 53% kế hoạch năm 2022, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2021.

Đặc biệt Khu di tích K9 nằm ở xã Ba Trại (H.Ba Vì), là một trong những khu di tích lịch sử đặc biệt gắn với tên tuổi và cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày nay, khu di tích này vừa là điểm đến có tính chất lịch sử vừa là nơi tham quan cho du khách trong và ngoài nước. Nơi đây còn trưng bày nhiều kỷ vật liên quan tới những năm tháng hoạt động cách mạng hào hùng của Bác cùng thế hệ cha anh.

Tại Khu di tích K9, khu vực bảo quản thi hài Bác vẫn được giữ nguyên trạng gắn với nhà kính, nhà hầm và các phương tiện kỹ thuật máy móc. Vào năm 1957 trong một lần thăm Sư đoàn 316 diễn tập bên sông Đà, Bác Hồ đã dừng chân ăn trưa trên đỉnh đồi, ngay dưới chân 3 tảng đá chông hùng vĩ. Thấy khí hậu nơi đây mát mẻ, địa hình hiểm trở, phong cảnh đẹp, Bác đã chọn vị trí này làm khu căn cứ của Trung ương đề phòng chiến tranh có thể mở rộng toàn quốc. Năm 1960, Cục Doanh trại thuộc Tổng cục Hậu cần xây dựng một ngôi nhà sàn làm vị trí hội họp nghỉ ngơi của Bác Hồ và Bộ Chính trị Trung ương Đảng. Xung quanh là hệ thống công sự kiên cố, khu vực này đặt tên là Công trường K9. Những năm có chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ, nhiều lần Bác và các đồng chí trong Bộ Chính trị đã lên làm việc và nghỉ ngơi tại đây.

Ngày 2-9-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời. Đảng và Nhà nước chọn địa điểm K9 là nơi đầu tư trang thiết bị kỹ thuật để gìn giữ thi hài Bác. Ngày 15-12-1969, công trình gìn giữ thi hài Bác Hồ tại K9 đã hoàn thành trước thời hạn 10 ngày. Để giữ bí mật K9 đổi thành K84. Đúng 23 giờ ngày 23-12-1969, thi hài Bác đã được di chuyển từ K75A đưa vào nơi lưu giữ ở K84 một cách an toàn, đảm bảo kỹ thuật tuyệt đối vào sáng 24-12-1969. Về cơ bản từ năm 1969-1975, thi hài Bác được giữ gìn ở đồi Đá Chông (có thời gian không dài ở K2). Đúng 16 giờ ngày 18-7-1975, tại K9, đoàn xe đặc biệt chở thi hài Bác được lệnh xuất phát về Hà Nội. Đến 20 giờ ngày 18-7-1975 đoàn xe về đến Quảng trường Ba Đình. Kính cẩn và trang nghiêm đưa thi hài của Bác vào Lăng, nơi yên nghỉ của Người.

* Quan tâm công tác bảo tồn

Thời gian qua, được sự quan tâm hỗ trợ của Bộ VHTT-DL, UBND TP.Hà Nội, H.Ba Vì đã rất nỗ lực trong việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn. Đã có 44 di tích lịch sử được trùng tu, tôn tạo bằng nhiều nguồn vốn. Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, Ba Vì cũng huy động kinh phí xã hội hóa từ nhân dân, các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp.

Du khách tham quan tại Khu du lịch sinh thái Long Việt của Ba Vì - nơi nổi tiếng là vùng đất có những nét đẹp hoang sơ, mang đậm dấu ấn ngàn năm lịch sử
Du khách tham quan tại Khu du lịch sinh thái Long Việt của Ba Vì - nơi nổi tiếng là vùng đất có những nét đẹp hoang sơ, mang đậm dấu ấn ngàn năm lịch sử

Để phát huy giá trị các di tích, những năm qua, H.Ba Vì đã phục hồi thành công lễ hội Tản Viên Sơn Thánh được tổ chức chính lễ vào ngày 15 tháng Giêng tại cụm di tích Đền Thượng - Đền Trung - Đền Hạ. Mỗi kỳ lễ hội đã thu hút hàng vạn người dân trong vùng và du khách thập phương.

Năm 2018, tục thờ Tản Viên Sơn Thánh tại Ba Vì được Bộ VHTT-DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Việc phục hồi, tổ chức lễ hội Tản Viên Sơn Thánh là thể hiện một cách sâu sắc đạo lý truyền thống uống nước nhớ nguồn, khơi dậy tinh thần yêu nước, đấu tranh chống thiên tai, giặc ngoại xâm có từ ngàn đời của ông cha, cùng những thuần phong mỹ tục của nền văn hóa dân gian.

Với nhiều di tích có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, Ba Vì đã và đang là địa chỉ thu hút khách thập phương tham quan và thưởng ngoạn cũng như tìm hiểu về truyền thống dựng nước, giữ nước của cha ông ta. Tự hào về mảnh đất quê hương, người dân Ba Vì hôm nay đang tiếp tục nỗ lực trong bảo tồn, tôn tạo để các di tích không chỉ là địa chỉ sinh hoạt văn hóa tâm linh, điểm đến của du khách thập phương, là tài sản vô giá về kiến trúc nghệ thuật mà còn để truyền thống tốt đẹp của quê hương được mãi mãi trường tồn.

Ngọc Hoàng

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích