Các khoản đóng góp đầu năm học cho học sinh luôn tạo áp lực nhất định cho phụ huynh, nhất là với phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, vẫn có nhiều cách làm hay khi phụ huynh và nhà trường tìm được tiếng nói chung và cùng nhau chia sẻ khó khăn.
Các khoản đóng góp đầu năm học cho học sinh luôn tạo áp lực nhất định cho phụ huynh, nhất là với phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, vẫn có nhiều cách làm hay khi phụ huynh và nhà trường tìm được tiếng nói chung và cùng nhau chia sẻ khó khăn.
Cô và trò Trường THPT Văn Hiến (TP.Long Khánh) với niềm vui sau lễ khai giảng |
* Không tạo áp lực
Năm học mới với học sinh và cả phụ huynh Trường tiểu học Quang Vinh (P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa) không quá căng thẳng với các khoản đóng góp đầu năm học. Cô Nguyễn Thị Nga, giáo viên chủ nhiệm lớp 1/1 chia sẻ: “Tự tay tôi thiết kế rồi đi in từng bộ nhãn vở mang đến lớp dán miễn phí lên từng cuốn tập cho học sinh”. Còn em Lê Bảo Khoa, học sinh lớp 4/2 chia sẻ: “Bộ đồng phục thể dục của con năm học trước vẫn còn mới, năm nay con mặc lại chứ nhà trường không bắt mua mới”.
Tại Trường THCS Trần Hưng Đạo (P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa), học sinh đến trường mặc đồng phục suốt tuần nhưng không phải nhà trường bán mà phụ huynh tự mua theo hướng dẫn quần màu tối, áo sơ mi màu trắng. Nhà trường chỉ bán những chiếc phù hiệu vải có ghi tên trường, tên lớp để phụ huynh về tự may lên áo cho con mình.
Chị Lê Thị Hòa có con học tại Trường THCS Trần Hưng Đạo chia sẻ: “Đồng phục nhà trường để phụ huynh tự mua theo màu sắc quy định nên rất dễ mua sắm, mặc vừa vặn và đẹp”.
Phó hiệu trưởng phụ trách Trường tiểu học Nguyễn Huệ (xã Xuân Phú, H.Xuân Lộc) Mai Văn Sáu thì cho biết, nhà trường chưa họp phụ huynh đầu năm nhưng phụ huynh không phải quá lo lắng về các khoản đóng góp. Học phí tiểu học toàn bộ học sinh đều được miễn theo quy định. Nhà trường chỉ thu tiền vệ sinh, bảo hiểm y tế và bảo hiểm tai nạn nếu phụ huynh nào muốn tham gia. Đối với quỹ phụ huynh, nhà trường sẽ quán triệt Ban đại diện cha mẹ học sinh trường và lớp theo đúng tinh thần tự nguyện, có thì đóng, không có không sao và cũng không cần phải phân vân.
Tại Trường tiểu học Nguyễn Huệ, có khoảng 30% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số nên được hỗ trợ 100% học phí và 50% học sinh ở vùng 1 nên được giảm 50% chi phí bảo hiểm y tế. Với 27 học sinh dân tộc Kinh khó khăn, nhà trường đứng ra vận động mạnh thường quân tặng bảo hiểm y tế 100% giá trị thẻ. Với khoản thu nước uống, nhờ chiếc máy lọc nước nhà trường vận động được, chỉ tốn ít tiền điện, nước máy để lọc, không đáng là bao nên trường quyết định không thu phí. Thầy Mai Văn Sáu chia sẻ thêm: “Học sinh vùng này mà bắt đóng góp như vùng có điều kiện thuận lợi sẽ không ít em nghỉ học nên chỉ cần các em chăm ngoan đến trường, mọi khó khăn thầy cô lo hết”.
* Chia sẻ khó khăn với nhà trường
Hiệu trưởng Trường phổ thông Thực hành sư phạm (thuộc Trường đại học Đồng Nai) Đậu Thành Vinh trăn trở, nhiều phụ huynh chưa hiểu hết nên chưa thông cảm và chia sẻ với nhà trường khi thực hiện các khoản thu đầu năm học.
Ông Vinh cho hay, nhà trường theo mô hình tự chủ tài chính một phần, khác với các trường công lập khác được nhà nước hỗ trợ 100%. Dù vậy, đối với bậc tiểu học nhà trường lại không được thu học phí, chỉ được thu với bậc THCS, THPT. Nhà trường có 3 ngàn học sinh, 160 giáo viên, nhưng mỗi năm nhà nước cấp 3,6 tỷ đồng chi phí hoạt động, không đủ chi thường xuyên trong vòng 4 tháng. Thay vì hợp đồng với công ty bảo vệ chuyên nghiệp, nhà trường đã phải trực tiếp tuyển bảo vệ để giảm chi phí thuê mướn.
Ông Đậu Thành Vinh chia sẻ thêm, với một số khoản thu như vệ sinh, bảo vệ nhà trường thậm chí không đủ chi thực tế. Nhà trường phải cân đối nhiều khoản chi để đủ kinh phí trả lương giáo viên, trong đó có nguồn thu từ tiền bán trú, phí dịch vụ học tập, nước uống, điện nước sinh hoạt… Do đó, nhà trường rất mong phụ huynh cùng thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn của nhà trường, để cùng thực hiện nhiệm vụ chăm sóc và giáo dục học sinh tốt hơn.
Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) Nguyễn Thu Phương chia sẻ, năm học này nhà trường phấn khởi vì được chuyển đến cơ sở mới, bên cạnh đó cũng kèm theo nỗi lo khi cơ sở vật chất rộng rãi, nhiều phòng học sẽ kéo theo nhiều chi phí phát sinh như điện, nước, vệ sinh… Việc vận hành một hồ bơi chắc chắn sẽ cần thêm nhiều chi phí như điện, nước, hóa chất xử lý nước đạt chuẩn. Nhiều khoản chi nhưng ngân sách hỗ trợ thì có hạn, do đó nhà trường phải tiết kiệm tối đa, đồng thời rất cần sự chia sẻ, đồng hành với phụ huynh.
Đặng Công