Báo Đồng Nai điện tử
En

Kỳ vọng một năm học mới tốt đẹp, an toàn

08:09, 03/09/2022

Nhờ dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, lễ khai giảng năm học 2022-2023 dự kiến sẽ được triển khai trên toàn quốc vào ngày 5-9 theo đúng kế hoạch của Bộ GD-ĐT đã đề ra.

Nhờ dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, lễ khai giảng năm học 2022-2023 dự kiến sẽ được triển khai trên toàn quốc vào ngày 5-9 theo đúng kế hoạch của Bộ GD-ĐT đã đề ra.

Trường tiểu học Bình Đa (P.Bình Đa, TP.Biên Hòa) đón học sinh vào lớp 1
Trường tiểu học Bình Đa (P.Bình Đa, TP.Biên Hòa) đón học sinh vào lớp 1

Nhân dịp khai giảng năm học mới, Báo Đồng Nai ghi nhận một số ý kiến của ngành chức năng, giáo viên, phụ huynh bày tỏ nhiều kỳ vọng, mong muốn một năm học mới tốt đẹp, an toàn.

Phó giám đốc Sở Y tế NGUYỄN HỮU TÀI:

Quan tâm phòng dịch Covid-19 để việc học không gián đoạn

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang có xu hướng gia tăng, để các em học sinh bước vào năm học mới an toàn, đảm bảo sức khỏe, tránh việc học bị gián đoạn do dịch bệnh, ngành giáo dục cần tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch trong trường học.

Đối với công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đề nghị các trường thống kê, lập danh sách ngay từ đầu năm kết quả tiêm vaccine phòng Covid-19 của học sinh, vận động phụ huynh và học sinh tham gia tiêm vaccine đúng quy định, cụ thể là hoàn thành tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ em từ 5-11 tuổi, tiêm mũi 3 cho trẻ từ 12 tuổi trở lên, tiêm vét cho các em chưa tiêm các mũi theo quy định trong những ngày đầu năm học. 

Em TRẦN LÊ PHƯƠNG NGHI, học sinh lớp 11D, Trường song ngữ Lạc Hồng (TP.Biên Hòa):

Mong có nhiều tiết học thực tế sáng tạo

Em mong muốn năm nay nhà trường sẽ tổ chức cho học sinh tham gia nhiều tiết học thực hành, trải nghiệm sáng tạo. Cách dạy hiện nay ở trường em rất tốt, các tiết học rất vui. Học sinh được học tập theo nhóm, tuy vất vả hơn nhưng sẽ giúp học sinh nắm bắt kiến thức tốt hơn, nhớ bài lâu hơn.

Theo em nếu cứ học theo những khuôn mẫu thông thường thì sẽ rất nhàm chán, nhất là đối với các bài học về đạo đức. Thay vì thụ động trên lớp thì nên để các em có những cảm nhận, trải nghiệm nơi các mái ấm tình thương, nhà mở… khi được trải nghiệm các em mới có cảm xúc thực sự và những bài học sẽ được rút ra từ thực tế cuộc sống.

Em cũng sẽ cố gắng học chăm hơn, chú ý nghe giảng hơn, tiếp tục phấn đấu, cố gắng để vượt qua được tất cả môn học với kết quả tốt hơn năm trước. Điều mà em và các bạn mong nhất là dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt, không phải học trực tuyến như năm học trước.

Ngoài ra, để phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, các trường học cũng cần phát quang, dọn dẹp sạch sẽ môi trường trong và xung quanh trường; xử lý các vật chứa nước, các vũng nước; chú ý diệt lăng quăng thường xuyên (ít nhất 1 tuần/lần), không để muỗi và lăng quăng phát triển lây truyền bệnh sốt xuất huyết trong học sinh.

Đối với các trường mầm non và các lớp đầu cấp tiểu học cần tẩy rửa các phòng học, khu vực nghỉ ngơi của học sinh; lau rửa bàn ghế, đồ dùng học tập, vui chơi của trẻ bằng dung dịch sát khuẩn và thường xuyên làm vệ sinh hằng tuần để phòng, chống bệnh tay chân miệng cho trẻ. Ngoài ra, nhà trường cần kết hợp chặt chẽ với cơ quan y tế địa phương trong các hoạt động phòng, chống dịch đảm bảo sức khỏe cho học sinh.

Hiệu trưởng Trường tiểu học Phan Đình Phùng (P.Long Bình, TP.Biên Hòa) PHẠM THỊ DỊU:

Mong dự án xây trường mới sớm hoàn tất

Trong năm học mới này, điều mà toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường, phụ huynh và các em học sinh mong chờ nhất là dự án xây dựng Trường tiểu học Long Bình 1 sớm thi công hoàn tất để đưa vào sử dụng. Với hơn 4,1 ngàn học sinh, 97 lớp, nhà trường phải mượn cơ sở 2 của Trường tiểu học Bình Đa (P.Bình Đa, TP.Biên Hòa) cho 35 lớp khối 4, 5.

Do cơ sở vật chất không đảm bảo đã dẫn đến nhiều khó khăn cho việc dạy và học tại trường.Việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa, ngoài trời cho học sinh, giúp các em nâng cao thể lực, tăng cường sức khỏe, tăng cường gắn kết, giao lưu với bạn bè cũng hạn chế. Lượng học sinh quá đông dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường thường xuyên xảy ra... Do học sinh phải đi học nhờ nên phát sinh khoản chi phí xe đưa đón trong khi đa phần phụ huynh đều là công nhân điều kiện kinh tế còn hạn chế...

Với sự quan tâm tạo điều kiện của các cấp lãnh đạo trong việc xây dựng ngôi trường mới khang trang, rộng rãi, thầy và trò chúng tôi rất phấn khởi, sẽ cố gắng khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ dạy và học trong năm học 2022-2023.

Cô TRỊNH THỊ TƯƠI, giáo viên Trường TH-THCS Hùng Vương (H.Thống Nhất):

Phụ huynh cần phối hợp tốt với nhà trường trong giáo dục học sinh

Năm học mới này, được đến trường dự khai giảng trực tiếp không phải ở nhà khai giảng online như năm học trước nên thầy trò rất hào hứng và phấn khởi. Mong là trong suốt năm học, dịch bệnh sẽ không bùng phát để việc dạy và học không bị gián đoạn, vì giảng dạy và học trực tiếp hiệu quả sẽ cao hơn.

Là một giáo viên gắn bó hơn 10 năm với nghề, cũng như các đồng nghiệp khác điều mà tôi mong mỏi là học sinh của mình luôn đạt được những mục tiêu trong học tập cũng như trong cuộc sống. Mong các em luôn ý thức trong học tập, rèn luyện, biết chủ động trong việc trang bị những kiến thức, kỹ năng sống cho mình. Ngoài những điều thầy cô đã dạy ở trường thì việc chủ động tìm hiểu thêm những kiến thức từ cuộc sống thực tiễn, rèn luyện phẩm chất đạo đức là điều rất quan trọng.

Để tạo điều kiện cho các học sinh phát triển toàn diện hơn về mọi mặt, tôi nghĩ ngoài vai trò của giáo viên, nhà trường thì vai trò của phụ huynh rất quan trọng trong việc đồng hành với con, phối hợp với nhà trường định hướng hỗ trợ giáo dục các em.

 Bên cạnh đó, việc trang bị cơ sở vật chất đảm bảo cho việc dạy và học hiện nay cũng cần được quan tâm hơn để các em có thể phát triển toàn diện, nhất là các môn học năng khiếu. Ở một số trường điều kiện cơ sở vật chất hiện còn hạn chế như: thiếu sân chơi, hồ bơi, các thiết bị phòng học... Hiện nay dịch bệnh vẫn còn nguy cơ bùng phát, vì vậy việc xây dựng phương án ứng phó cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra là phải học trực tuyến cũng không phải là thừa. Vậy nên việc chủ động trang bị cơ sở vật chất như: máy tính, đường truyền mạng, giáo án giảng dạy để có thể thích ứng hoàn cảnh tốt nhất là cần thiết.

Bà LÊ KIM HẠNH (ngụ xã Sông Thao, H.Trảng Bom):

Xây dựng chương trình học phù hợp với lứa tuổi học sinh

Những năm học trước, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên những hoạt động ngoài trời của học sinh bị hạn chế ít nhiều. Do vậy, trong năm học này, nhà trường chú trọng đến việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa, ngoài trời cho học sinh. Qua đó, giúp các em nâng cao thể lực, tăng cường sức khỏe, tăng cường gắn kết, giao lưu với bạn bè. Điều tôi mong nhất trong năm học mới này là chương trình học nên bố trí làm sao để học sinh có nhiều thời gian rèn luyện thể chất hơn. Chương trình học tại lớp cũng được chú trọng hơn về chất lượng giảng dạy, giúp học sinh có thể hiểu bài ngay tại lớp không phải học thêm bên ngoài. Ngoài giờ học học sinh có thời gian được chơi, được trải nghiệm nhiều hơn với những hình thức học phong phú. Không phải mỗi sáng sớm tới trường là một cặp sách quá khổ. Không phải mỗi buổi chiều khi tan học về là khuôn mặt phờ phạc rồi lại vội vàng ăn thức ăn nhanh để tiếp tục đến các trung tâm học thêm... Để làm được điều này không phải dễ. Bên cạnh sự điều chỉnh chương trình dạy học từ nhà trường thì các phụ huynh cũng cần quan tâm hơn đến con em của mình. Phụ huynh không đặt quá nhiều kỳ vọng ở con em mình để rồi những kỳ vọng đó đè nặng trên vai các em, trở thành gánh nặng tâm lý, tinh thần hoặc thúc ép, nhồi nhét con học thêm không cần thiết…

 Kim Liễu (ghi)

Tin xem nhiều