Báo Đồng Nai điện tử
En

Lễ hội Làm chay - Nét đẹp văn hóa độc đáo ở Biên Hòa

07:07, 29/07/2022

Không ồn ào hay nổi bật như các lễ hội khác ở Đồng Nai, lễ hội Làm chay của người Hoa ở Biên Hòa vẫn thu hút và hấp dẫn người dân khắp các địa phương tham gia theo một cách rất riêng.

Không ồn ào hay nổi bật như các lễ hội khác ở Đồng Nai, lễ hội Làm chay của người Hoa ở Biên Hòa vẫn thu hút và hấp dẫn người dân khắp các địa phương tham gia theo một cách rất riêng.

Người dân tham gia hoạt động rước lân bên ngoài di tích miếu Tổ sư (P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) trong lễ hội Làm chay.  Ảnh: L.Na
Người dân tham gia hoạt động rước lân bên ngoài di tích miếu Tổ sư (P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) trong lễ hội Làm chay. Ảnh: L.Na

* Nhiều truyền thuyết về nguồn gốc lễ hội

Theo từ điển Văn hóa dân gian của Vũ Ngọc Khánh, Phạm Minh Thảo và Nguyễn Vũ thì “Làm chay: lễ tục… cúng giải oan, siêu thoát cho linh hồn, trừ trùng, cầu cho người sống khỏe mạnh”. Đây là một trong những lễ hội có quy mô, 3 năm tổ chức 1 lần, diễn ra từ ngày 10 đến 13-6 âm lịch hằng năm tại Thiên Hậu cổ miếu (di tích miếu Tổ sư) ở P.Bửu Long (TP.Biên Hòa) nhằm tưởng nhớ tổ nghề, tạ ơn thần linh, cầu nghề nghiệp, cầu an cho dân làng thoát khỏi dịch bệnh, cầu siêu cho các vong linh, linh hồn đã khuất trong thời gian qua.

Về nguồn gốc, trong tác phẩm Miếu thờ và lễ hội Làm chay của người Hoa ở Biên Hòa, TS Nguyễn Thị Nguyệt, Phó chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai cho rằng, lễ hội có nguồn gốc rất đa dạng, có nhiều truyền thuyết được lưu truyền. Tương truyền, lễ hội Làm chay đã có từ lâu ở Trung Quốc. Vào một dạo, dịch bệnh xảy ra trong vùng, rất nhiều người chết, người ta phải mời pháp sư đến lập trai đàn cúng cầu an, xin bà Thiên Hậu và các vị thần che chở, phù hộ, ban phúc cho dân làng. Sau đó, dân làng đã thoát khỏi nạn dịch, mùa màng bội thu, cuộc sống yên vui. Bởi vậy, sau khi đến định cư ở Đồng Nai, người Hoa bang Hẹ cứ theo tục cũ mà tổ chức lễ hội 3 năm 1 lần.

Hằng năm, Đồng Nai tổ chức hơn 300 lễ hội. Trong đó có lễ hội truyền thống; lễ hội các ngành nghề và lễ hội văn hóa. Các lễ hội được tổ chức tiết kiệm, không phô trương, lãng phí, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Có truyền thuyết lại cho rằng, cách nay khoảng 150 năm, ở vùng Bửu Long có nạn dịch tả. “Bà” nhập đồng vào ông Tào Khương cho biết phải có người lên núi hái đủ 100 vị thuốc lá về trị bệnh cho dân làng, người ta đã làm theo và trong làng hết bệnh dịch. Tại Thiên Hậu cung (Hội quán của người Hẹ ở P.Hòa Bình, TP.Biên Hòa) vẫn còn lưu 100 cây xăm nói về 100 vị thuốc do bà Thiên Hậu linh ứng chỉ dạy trị bệnh. Từ đó, người dân có ai bị bệnh đều đến Thiên Hậu cung cầu xăm, xin thuốc. Tuy nhiên, căn cứ vào bản dịch của 100 vị thuốc, một số vị thuốc không hoàn toàn là thuốc trị bệnh mà chủ yếu là tâm bệnh, là sự thể hiện niềm tin, lòng thành kính sẽ đem lại sự khỏe mạnh.

Cũng có truyền thuyết về thời kỳ chống Pháp (năm 1946), vùng đất Bửu Long là nơi trú ẩn của một số cán bộ Việt Minh. Chính nơi đây thường xuyên diễn ra những trận càn của quân địch, chúng chém giết rất nhiều người trong khu vực này (ông Khoan bị bắn chết ngay trước miếu Thiên Hậu, ông Ba Tiền bị Pháp chặt đầu nay có am thờ ở gần UBND P.Bửu Long). Bởi vậy, lễ hội Làm chay đáo lệ 3 năm 1 lần để cúng các chiến sĩ trận vong.

* Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa

Năm nay, lễ hội Làm chay diễn ra tại di tích miếu Tổ Sư - chùa Bà Thiên Hậu diễn ra với cả phần lễ và phần hội. Trong đó phần lễ có: rước Thánh vị tọa kiệu xuất hành đến các miếu trên địa bàn P.Bửu Long gồm: miếu Cây Quăn, miếu bà Tiên cơ nương nương, miếu Bát công thổ địa; cung thỉnh chư thiên, thánh thần về dự lễ Làm chay; lễ cầu an, phóng sinh. Một trong những nghi thức được nhiều người quan tâm là xô giàn kết lễ làm chay. Tất cả lễ vật trên giàn được xô xuống và phân phát hết cho người dân, sau đó thực hiện lễ đốt hình ông Tiêu.

Đi cùng với phần nghi lễ, phần hội diễn nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật, hát cải lương sôi nổi, xuyên suốt các ngày làm lễ. Đặc biệt, các đoàn lân đã tổ chức những hoạt động diễu hành trên tuyến đường Huỳnh Văn Nghệ, biểu diễn trong sân di tích thu hút đông đảo người dân tham gia. Ban tổ chức lễ hội đã ghi hình tất cả các nghi thức, nghi lễ, giới thiệu rộng rãi trên fanpage của di tích để những người ở xa không có điều kiện đến miếu có thể xem và tham dự lễ trực tuyến.

Cũng theo TS Nguyễn Thị Nguyệt, mục đích ban đầu của lễ hội là tôn vinh tổ nghề của người thợ đá bang Hẹ ở Bửu Long, nhưng về sau lễ hội không còn nguyên thủy tôn vinh tổ nghề mà kết hợp dung nạp cả tín ngưỡng thờ Thiên Hậu và Quan thánh đế quân. Tuy nhiên, lễ hội vẫn giữ nguyên tính chất cầu an, cầu phúc, cầu siêu trong cộng đồng. Điều này chứng tỏ lễ hội đã được đổi mới cho phù hợp với hoạt động tinh thần của cộng đồng. Thông qua lễ hội còn là sự giao lưu văn hóa giữa cộng động người Hoa và người Việt ở địa phương. Qua đó, góp phần làm phong phú kho tàng văn hóa phi vật thể của các dân tộc ở Đồng Nai.

Có thể nói, cộng đồng người Hoa sống tại địa phương trên 320 năm, có nhiều đóng góp to lớn cho sự hình thành và phát triển của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai và trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Trải qua hàng trăm năm tồn tại, di tích miếu Tổ sư nhiều lần được người dân địa phương đóng góp, tôn tạo trở thành một thiết chế tín ngưỡng quan trọng của đồng bào sinh sống ở khu vực TP.Biên Hòa. Đầu tháng 7-2022, Ban trị sự di tích miếu Tổ sư đã tổ chức thi công công trình nâng cấp, sửa chữa cổng tam quan theo quy định của Luật Di sản văn hóa và các luật liên quan. Việc làm này nhằm tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị của di tích trong đời sống hôm nay

Ly Na

Tin xem nhiều