Tuần qua, dư luận hết sức quan tâm đến vụ việc nữ sinh của một trường quốc tế ở TP.HCM đánh nhau nhưng nhà trường lại thiếu trách nhiệm trong phối hợp giải quyết, dẫn đến những lùm xùm đáng tiếc.
Tuần qua, dư luận hết sức quan tâm đến vụ việc nữ sinh của một trường quốc tế ở TP.HCM đánh nhau nhưng nhà trường lại thiếu trách nhiệm trong phối hợp giải quyết, dẫn đến những lùm xùm đáng tiếc. Đáng nói là phụ huynh lên mạng tố nhà trường rồi lời qua tiếng lại với cư dân mạng, đẩy câu chuyện đi khá xa, ít nhiều khiến chính bản thân những học sinh có liên quan bị tổn thương về cả thể xác lẫn tinh thần.
Có thể thấy, bất luận trong hoàn cảnh nào, nhà trường không thể thờ ơ hoặc vô can khi để xảy ra bạo lực học đường, ngay cả khi bạo lực diễn ra ngoài cánh cổng trường học. Các nhà trường khi tiếp nhận thông tin về bạo lực học đường, cần bình tĩnh, lắng nghe đồng thời phối hợp tốt với gia đình học sinh và những đơn vị có liên quan (nếu có) để cùng giải quyết. Không nên từ chối tiếp nhận phản ánh của phụ huynh, để phụ huynh tự giải quyết với nhau hay cho rằng vụ việc xảy ra ngoài giờ học, ngoài cổng trường, nhà trường sẽ không có trách nhiệm.
Với phụ huynh, việc lo lắng, bức xúc, phẫn nộ khi con bị bạn bè bạo hành là dễ hiểu, nhưng không vì thế mà có những hành động “tố qua, tố lại” ì xèo trên mạng xã hội, “lôi” đủ thứ chuyện để bêu rếu, trách móc nhau. Lúc này, việc đúng sai giữa những đứa trẻ không còn quan trọng mà quan trọng nhất là việc cùng bình tĩnh để giải quyết vụ việc một cách tốt nhất, tránh ảnh hưởng đến tâm lý con trẻ.
Bạo lực học đường là chuyện không mới và thi thoảng vẫn xảy ra trong trường học. Biến tướng của bạo lực học đường ngày càng tinh vi, do đó nếu không tăng cường các biện pháp tuyên truyền, giáo dục làm thay đổi nhận thức trong mỗi nhà trường, phụ huynh và học sinh thì đây còn là vấn đề nhức nhối, gây bức xúc dư luận xã hội.
Thực tế, thời gian qua đã có những trường học làm rất tốt công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, tạo nên những lớp học trò chăm ngoan, lễ phép, biết ứng xử đúng mực, biết yêu thương và sẻ chia. Nhưng cũng còn không ít nhà trường, do nhiều nguyên nhân khác nhau vẫn chưa xem trọng công tác này. Chính vì vậy khi xảy ra sự cố đáng tiếc, thiếu phương pháp, kỹ năng để giải quyết kịp thời, phù hợp.
Chất lượng giáo dục của một cơ sở giáo dục được đo bằng nhiều yếu tố, trong đó không thể thiếu yếu tố về giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Mỗi thầy cô phải là mỗi tấm gương cho học sinh nhìn vào để học tập và noi theo. Mỗi gia đình, bậc làm cha mẹ hãy đồng hành và bảo vệ con bằng lý trí và tình yêu thương. Có như thế mới đảm bảo được một môi trường giáo dục lành mạnh, hạn chế đến mức thấp nhất xảy ra bạo lực học đường.
Minh Ngọc