Với 15 hiệp định thương mại song phương và đa phương đã ký kết cùng 2 hiệp định đang đàm phán, Việt Nam ngày càng "hòa mình" vào thị trường thế giới, mở cửa "sân nhà", gia nhập "sân khách" với đa số các mặt hàng, trừ một số mặt hàng, dịch vụ đặc thù có điều kiện mà Nhà nước phải nắm quyền kiểm soát.
Với 15 hiệp định thương mại song phương và đa phương đã ký kết cùng 2 hiệp định đang đàm phán, Việt Nam ngày càng “hòa mình” vào thị trường thế giới, mở cửa “sân nhà”, gia nhập “sân khách” với đa số các mặt hàng, trừ một số mặt hàng, dịch vụ đặc thù có điều kiện mà Nhà nước phải nắm quyền kiểm soát.
Khảo sát cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam tận dụng khá tốt các cơ hội xuất khẩu hàng hóa ra “sân khách” từ những FTA này đem lại. Theo số liệu từ Bộ Công thương, tổng kim ngạch xuất khẩu tận dụng ưu đãi thuế quan theo FTA năm 2021 đạt 69,08 tỷ USD, chiếm gần 33% tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường ký FTA. Về kim ngạch tận dụng ưu đãi thuế quan, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đứng đầu với trị giá 18,9 tỷ USD. Tiếp đó là hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang ASEAN và Hàn Quốc với trị giá lần lượt là 11,6 tỷ USD và 11,2 tỷ USD.
Về tỷ lệ tận dụng các ưu đãi từ các FTA thì thị trường Ấn Độ chiếm tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ AIFTA cao nhất với 68,7%, tiếp theo là thị trường Chile và Hàn Quốc với tỷ lệ tận dụng lần lượt là 61,8% và 51%. Mức độ tận dụng ưu đãi thuế quan FTA được tính bằng kim ngạch xuất khẩu sử dụng giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) ưu đãi đến một thị trường thành viên FTA chia cho tổng kim ngạch xuất khẩu chung đến thị trường FTA đó. Tỷ lệ tận dụng ưu đãi càng cao, chứng tỏ số lượng hàng hóa đáp ứng quy tắc xuất xứ ưu đãi và được hưởng thuế quan ưu đãi càng nhiều.
Còn ở sân nhà, thực tế quy mô thị trường gần 100 triệu dân luôn hấp dẫn với các nhà sản xuất trong nước lẫn ngoài nước. Do đó, hàng ngoại nhập nhiều năm qua cũng tìm mọi cách tận dụng ưu đãi từ các FTA mà Việt Nam đã ký để chiếm lĩnh các kệ hàng. Hiểu rõ lợi thế cạnh tranh của chính mình và của các đối thủ để đưa ra chiến lược phù hợp chính là một trong những điều mà doanh nghiệp Việt Nam được khuyến cáo trong suốt các năm qua.
Lâu nay, các điểm yếu về vốn liếng, công nghệ, kỹ năng bán hàng, hậu mãi, hệ thống phân phối, mẫu mã… luôn là những hạn chế mà doanh nghiệp Việt Nam cần cải thiện. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng được thương hiệu, hệ thống phân phối, thậm chí chiếm ưu thế thị trường ở nhiều mặt hàng, nhưng cũng không thể phủ nhận, “cuộc đua” trên sân nhà này đang ngày càng khốc liệt vì rất nhiều chủng loại hàng hoá có chất lượng của những nước có ưu đãi từ các FTA đã và đang “tràn” vào Việt Nam, “tranh thủ” góp mặt trong từng giỏ hàng mua sắm của người tiêu dùng Việt.
Vậy nên câu chuyện “sân khác - sân nhà” vốn không mới mẻ, nhưng lại luôn thời sự khi “độ mở” của nền kinh tế Việt Nam ngày càng lớn, hàng Việt ngày càng phải cạnh tranh gắt gao hơn. Và chỉ có con đường củng cố nội lực thật vững vàng, tăng ưu điểm, giảm thiểu các hạn chế, tận dụng những thế mạnh của chính mình thì hàng Việt Nam mới có thể chiếm ưu thế nhiều hơn trong câu chuyện “sân nhà - sân khách”.