Vài năm trước, trào lưu dùng lá chuối gói thực phẩm được nhiều siêu thị, trung tâm thương mại cả nước triển khai với mong muốn hình thành lối tiêu dùng thân thiện với môi trường. Thế nhưng, việc làm này không tồn tại được lâu, rau xanh trở lại với túi ny-lông, màn co, dây thun, khay nhựa.
Vài năm trước, trào lưu dùng lá chuối gói thực phẩm được nhiều siêu thị, trung tâm thương mại cả nước triển khai với mong muốn hình thành lối tiêu dùng thân thiện với môi trường. Thế nhưng, việc làm này không tồn tại được lâu, rau xanh trở lại với túi ny-lông, màn co, dây thun, khay nhựa.
Khách hàng Nguyễn Minh Hải mua rau đóng gói sẵn trong túi ny-lông tại Co.opmart Biên Hòa. Ảnh: Ban Mai |
Nguyên nhân được cho nguồn nguyên liệu thay thế khó tìm, chi phí cao; thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ tài chính cho nhà sản xuất, đơn vị kinh doanh, người tiêu dùng.
* Không còn rau gói lá chuối
Co.opmart Biên Hòa một dạo phần lớn các loại rau thơm có kích thước nhỏ, cần tây, lá hẹ được gói cẩn thận bằng lá chuối, trông vừa mới lạ vừa đẹp mắt. Người bán, người mua đều hào hứng vì có thể tham gia vào việc bảo vệ môi trường thông qua hành vi mua bán hằng ngày. Nhưng 2 năm trở lại đây, hình ảnh lá chuối gói rau không còn xuất hiện trên kệ hàng, thay vào đó là bao ny-lông, cọng dây thun, khay xốp, hộp nhựa.
Ông Nguyễn Minh Hải, khách mua hàng tại siêu thị sáng 9-5 vừa qua cho biết, lâu rồi ông không nhìn thấy hình ảnh lá chuối gói rau ở siêu thị nữa. Phần lớn các loại rau được đóng bịch sẵn, người mua không được lựa chọn, không được mua lẻ sản phẩm đựng trong bịch. Đối với các loại quả, một số đóng khay xốp, một số đóng hộp nhựa. “Tôi rất thiện cảm với các mớ rau gói lá chuối vì lật qua lật lại là biết mớ nào tươi, mớ nào úa. Nay họ chuyển sang đóng gói mặc dù không thiện cảm như trước nhưng tôi vẫn hài lòng vì giữ được độ tươi ngon, đỡ nhàu nát” - ông Hải cho hay.
Chia sẻ về vấn đề này, đại diện Co.opmart Biên Hòa cho biết, trước đây siêu thị dùng lá chuối gói rau. Siêu thị tự tìm mua lá, phân loại, sơ chế, đóng gói. Khá tốn kém nhân công, chi phí nhưng siêu thị không tăng giá các sản phẩm nhằm góp phần bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, quá trình thực hiện phát sinh nhiều bất cập như: có người vẫn lấy thêm túi ny-lông đựng rau khiến cho việc gói lá chuối không còn ý nghĩa; tìm mua lá chuối hằng ngày với số lượng ít không dễ, lá chuối gói rau bị vàng úa phải thay.
Lotte Mart Đồng Nai dùng dây thun cột rau thơm. Ảnh: Ban Mai |
Tương tự, tại siêu thị Lotte Mart Đồng Nai, việc dùng lá chuối gói rau cũng chỉ tồn tại một thời gian ngắn. Chị Thanh Viên, nhân viên quầy rau, củ, quả cho biết, việc dùng lá chuối gói rau khá bất tiện nên siêu thị chuyển sang dùng dây thun để cột rau. Một số loại nhà cung cấp dùng màn co, khay xốp, túi ny-lông đóng gói sẵn. Theo người này, người tiêu dùng hiện quan tâm đến nguồn hàng và giá cả sản phẩm hơn là tính thân thiện với môi trường của bao bì. Để giảm túi ny-lông gây hại cho môi trường, siêu thị duy trì cung cấp miễn phí túi ny-lông dễ phân hủy cho khách đựng đồ và bán túi sử dụng nhiều lần.
Khảo sát tại một số siêu thị ở Đồng Nai, hiện không còn đơn vị nào áp dụng lá chuối gói rau. Phần lớn rau ăn lá được đóng gói trong túi
ny-lông lớn, có tem mác ghi thông tin nhà sản xuất, nơi sản xuất, hạn sử dụng; một số ít rau thơm và rau ăn lá cột bằng dây thun, sợi hóa học tổng hợp… Các loại củ, quả được đóng gói khay, hộp sẵn. Điều đáng ghi nhận là tất cả các siêu thị đều chuyển sang dùng túi ny-lông sinh học đựng đồ cho khách.
* Cần sự chung tay cộng đồng
Không chỉ lá chuối gói rau, các trào lưu sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường khác như: ống hút tre nứa, túi cói, khay làm từ bã mía cũng rộ lên rồi tàn. Nguyên nhân được cho là giá các sản phẩm này cao hơn nhiều so với túi ny-lông; nguồn nguyên liệu không phổ biến dẫn đến khó áp dụng đại trà và lâu dài.
Phần lớn các loại rau ăn lá bán trong siêu thị được đóng gói sẵn trong túi ny-lông. Ảnh: Ban Mai |
TS Nguyễn Trung Việt, chuyên gia môi trường tại TP.HCM cho rằng, đa số người dân vẫn dùng thích dùng túi ny-lông sử dụng một lần vì không tốn tiền, bền, tiện dụng. Có khá nhiều chiến dịch, phong trào được phát động như: Nói không với ống hút nhựa, Nói không với túi ny-lông, Chống rác thải nhựa nhưng chưa hiệu quả vì thiếu sự hỗ trợ thiết thực về tài chính, thị trường tiêu thụ cho doanh nghiệp sản xuất, đơn vị kinh doanh, người tiêu dùng. Các đơn vị tiên phong áp dụng cũng không có cơ quan chịu trách nhiệm đi kiểm tra, đánh giá kết quả, đề xuất khen thưởng hoặc xử phạt.
Cùng quan điểm này, ông Phan Văn Hết, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên - môi trường Đồng Nai cho rằng, giá thành và sự tiện dụng quyết định đến hiệu quả của các chương trình, trào lưu vì môi trường. Ông Hết cho rằng, lá chuối, lạt tre, túi cói từng được sử dụng rất nhiều ở nông thôn vì có sẵn trong tự nhiên, túi ny-lông còn ít. Nhưng hiện nay, lá chuối, tre nứa trong tự nhiên không còn nhiều, nếu có cũng trồng với mục đích thương mại không dễ khai thác. Người nông thôn đã bỏ thói quen này thì thành thị lấy đâu ra nguồn nguyên liệu để sử dụng đại trà, lâu dài. Một thực tế khác là, trong khi các ngành TN-MT, Công thương kêu gọi siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi giảm túi ny-lông để bảo vệ môi trường thì sản phẩm tươi sống (rau, củ, quả, thịt cá) vào siêu thị phải tuân thủ quy trình đóng gói, bảo quản sản phẩm bằng túi, khay, hộp.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường trong mua sắm, sinh hoạt hằng ngày là hành động đẹp, ý nghĩa. Tuy nhiên, để trào lưu trở thành thói quen trong cộng đồng đòi hỏi trách nhiệm chung của nhà sản xuất, đơn vị phân phối, người tiêu dùng. Trong điều kiện nguồn nguyên liệu thiên nhiên có hạn, cần tiếp tục nghiên cứu và phát triển sản phẩm bao bì công nghiệp nhưng thân thiện với môi trường. Ưu tiên nguyên liệu từ chất thải công nghiệp, phụ phẩm nông nghiệp vừa giải quyết bài toán giá thành vừa hạn chế chất thải ra môi trường. Cần có chính sách hỗ trợ trực tiếp về tài chính cho doan nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm bao bì “xanh”.
Ban Mai