Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần giải pháp đồng bộ chống ngập cho đô thị

10:05, 20/05/2022

Chỉ với những trận mưa lớn đầu mùa đã khiến nhiều đoạn đường, khu dân cư của các địa phương trong tỉnh bị ngập, đặc biệt là tại các khu vực đô thị. Dù cơ quan chức năng đã triển khai không ít công trình chống ngập, mở rộng, cải tạo mương, cống nhưng tình trạng trên vẫn tái diễn.

Chỉ với những trận mưa lớn đầu mùa đã khiến nhiều đoạn đường, khu dân cư của các địa phương trong tỉnh bị ngập, đặc biệt là tại các khu vực đô thị. Dù cơ quan chức năng đã triển khai không ít công trình chống ngập, mở rộng, cải tạo mương, cống nhưng tình trạng trên vẫn tái diễn.

Đường Đồng Khởi đoạn gần ngã ba Trảng Dài (TP.Biên Hòa) ngập nước, nhiều ô tô, xe máy chết máy trên đường sau cơn mưa tối 26-4. Ảnh: T.Tâm
Đường Đồng Khởi đoạn gần ngã ba Trảng Dài (TP.Biên Hòa) ngập nước, nhiều ô tô, xe máy chết máy trên đường sau cơn mưa tối 26-4. Ảnh: T.Tâm

Giải pháp nào chống ngập, hạn chế thiệt hại do ngập tại các đô thị đã nhận được sự quan tâm, góp ý của nhiều cơ quan, đơn vị, người dân. 

Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai NGUYỄN PHƯỚC HUY: Lượng mưa tháng 5 dự báo cao hơn trung bình nhiều năm

Năm 2022, mùa mưa bắt đầu sớm hơn trung bình nhiều năm, vào nửa cuối tháng 4 và dự kiến kết thúc vào nửa cuối tháng 11, trễ hơn trung bình nhiều năm.

Riêng tháng 5, có khả năng xuất hiện mưa to cục bộ với lượng mưa phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ khoảng 15-30%.

Để hạn chế nguy cơ mất an toàn khi xảy ra mưa lớn, các cơ quan chức năng cần tăng cường phổ biến kiến thức về khí tượng thủy văn và phòng, chống thiên tai một cách sâu rộng. Ban quản lý các hồ chứa thủy điện, thủy lợi trên các lưu vực sông Đồng Nai, La Ngà cần tiếp tục duy trì việc kịp thời cung cấp các thông tin vận hành điều tiết hồ chứa để chúng tôi chủ động, chính xác hơn trong việc dự báo, nhận định đúng diễn biến thủy văn trên các sông.

Đặc biệt, chính quyền các địa phương cần chú ý đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như: lốc xoáy, dông, sét, mưa đá vào thời kỳ chuyển mùa và đầu mùa mưa. Đề phòng ngập úng tại các đô thị; lũ quét, sạt lở đất ở lưu vực các sông suối nhỏ, các nơi có sườn dốc lớn trong các tháng có mưa lớn và ảnh hưởng do bão và áp thấp nhiệt đới gây ra.

Phó trưởng phòng Kinh tế TP.Biên Hòa NGUYỄN THÀNH TRƯỞNG: Phường, xã tiếp tục chủ động chống ngập trước mùa mưa

Công tác tiêu thoát nước vẫn còn đang trong giai đoạn từng bước khắc phục, một số dự án cải tạo, xây mới, nạo vét kênh mương thực hiện vẫn còn chậm so với mục tiêu đề ra; một số mương, cống thoát nước cũ chưa được nâng cấp để đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thoát nước.

Mặt khác, do đặc điểm thành phố có nhiều mương rạch nên vào mùa mưa, những cơn mưa lớn kết hợp với triều cường dâng làm nhiều khu vực ven sông bị ngập ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân, hệ thống tiêu thoát nước hiện hữu thấp nên khi nước sông dâng cao sẽ tràn vào các hệ thống thoát nước làm hạn chế việc thoát nước.

UBND TP.Biên Hòa đã phân công các cơ quan chức năng theo dõi, kiểm tra và giám sát việc thực hiện kế hoạch phòng, chống ngập lụt tại các địa phương. Nhất là đã vận động nhân dân tổ chức nạo vét lại các mương, cống, rãnh thoát nước kết hợp với chương trình xã hội hóa giao thông. Thường xuyên kiểm tra, xử lý các trường hợp xây cất nhà ở, công trình phụ lấn chiếm dòng chảy ngay từ đầu mùa mưa để thông thoát dòng chảy hạn chế được ngập úng cục bộ. Một số địa phương khi xảy ra tình hình ngập úng cục bộ đã bố trí lực lượng dân quân, thanh niên xung kích, phối hợp với các đơn vị huy động phương tiện hỗ trợ nhân dân khắc phục ngập úng.

Phó trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh, đại tá DƯƠNG THANH HẢI: Sẵn sàng ứng phó, cứu nạn khi mưa ngập

Lãnh đạo Công an tỉnh đã chỉ đạo công an các huyện, thành phố phối hợp tốt với các ban, ngành, chính quyền địa phương tổ chức khảo sát, nắm tình hình những vùng, địa bàn, khu vực dân cư dễ bị ngập lụt, các khu vực trọng điểm. Phối hợp với các ngành chức năng xây dựng phương án ứng cứu khi có ngập lụt, mưa lớn, bảo vệ tài sản, chống cắt trộm các thiết bị điện và viễn thông trong lúc có lụt, bão. Phối hợp với các ban, nghành, đoàn thể và các tổ chức làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân để nâng cao ý thức cảnh giác và chủ động phòng, chống khi có sự cố ngập lụt xảy ra.

Tổ chức kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị, công an các huyện, thành phố về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trước mùa mưa bão. Thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng trang thiết bị, phương tiện đặc chủng phục vụ công tác ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Chấp hành nghiêm chế độ thông tin báo cáo, trực ban, trực chỉ huy nghiêm túc 24/24 giờ theo dõi chặt chẽ tình hình, diễn biến của thiên tai, sự cố, tai nạn để kịp thời chỉ đạo hướng dẫn các đơn vị, công an các huyện, thành phố về biện pháp ứng phó thiên tại và tìm kiếm cứu nạn đạt hiệu quả.

Phó trưởng phòng Kinh tế TP.Long Khánh NGUYỄN THỊ CÚC: Tiếp tục đồng bộ hệ thống thoát nước và đường giao thông

Với một số tuyến đường hiện hữu thì hệ thống thoát nước đô thị đã xuống cấp, trong khi đó lưu lượng nước thoát tăng và hệ thống thoát nước không đáp ứng khả năng thoát nước nên xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ mỗi khi trời mưa lớn kéo dài. Tình trạng này chủ yếu tập trung trên tuyến đường Hùng Vương (đường trục chính của nội thành TP.Long Khánh đi qua nhiều phường) và một số vị trí cục bộ khác.

Để khắc phục tình trạng trên, trong quá trình triển khai một số dự án, chính quyền TP.Long Khánh đã chú trọng đầu tư đồng bộ hệ thống thoát nước mưa và đường giao thông, đáp ứng khả năng tiêu thoát nước tại khu vực.

Cụ thể, hiện nay thành phố đang đồng bộ triển khai các dự án như: cải tạo, nâng cấp đường Hùng Vương; cải tạo, nâng cấp đường Nguyễn Trãi; cải tạo, nâng cấp đường Nguyễn Thị Minh Khai nối dài (giai đoạn 2) từ nút giao đường Quang Trung đến đường Nguyễn Trãi; dự án chống ngập úng Suối Cải... qua đó góp phần giảm ngập úng cục bộ khu vực nội thành trên địa bàn thành phố.

Anh NGUYỄN TIẾN ĐẠT (ngụ P.An Bình, TP.Biên Hòa): Bớt xả rác ra đường sẽ bớt ngập

Tình trạng ngập tại các đô thị, nhất là đô thị lớn, đông dân như TP.Biên Hòa đã là vấn nạn. Tuy nhiên, bên cạnh trách nhiệm của cơ quan chức năng thì vẫn phải nói đến ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của một bộ phận người dân đã góp phần kéo dài tình trạng ngập.

Cụ thể, nhiều người kinh doanh tại mặt tiền đường đã dùng các tấm gỗ, bạt che, chặn miệng cống (để bớt mùi hôi bốc lên) khiến nước mưa không thể thoát. Hoặc tại nhiều nơi, người dân có thói quen đổ rác, xả rác vào miệng cống thoát nước gây tắc nghẽn, khiến nước thoát không kịp. Điều này có thể bắt gặp tại các đoạn cống thoát nước mặt trên đường Nguyễn Ái Quốc (P.Tân Biên), đường Đồng Khởi (P.Tân Hiệp)…

Bên cạnh đó, tình trạng xây dựng không đúng quy định và đổ rác ra sông, suối còn phổ biến, làm cản trở dòng chảy gây ngập úng trên địa bàn mỗi khi trời mưa lớn. Vì vậy, muốn chung tay chống ngập tại đô thị, chính bản thân mỗi người dân phải có ý thức trong bảo vệ môi trường sống, không xả rác ra đường. Có như vậy, khi có mưa lớn, nước sẽ nhanh chóng thoát theo hệ thống cống, hạn chế tình trạng ngập cục bộ kéo dài.

Cần hướng dẫn di chuyển an toàn khi xảy ra ngập

Việc chống ngập đang được cơ quan chức năng, các chuyên gia ráo riết tìm kiếm giải pháp. Trong lúc chờ việc khắc phục ngập được tiến hành, người dân vẫn phải đi lại trên đường khi trời mưa, ngập, kéo theo đó là nguy cơ mất an toàn giao thông.

Tôi cho rằng, các cơ quan chức năng cần quan tâm, có các khuyến cáo, hướng dẫn người dân cách xử lý an toàn khi di chuyển qua vùng nước ngập trong đô thị. Vì tình trạng ngập thường xảy ra vào chiều, tối khi nhiều người đi làm, đi học về, nên lượng xe thường rất đông; nhiều người còn chở thêm con nhỏ nên nếu có sự cố lọt cống, trôi xe do ngập nước sẽ rất nguy hiểm.

Để hạn chế nguy hiểm trên, việc hướng dẫn cách di chuyển an toàn qua vùng ngập cần được quan tâm. Các địa phương cần cử lực lượng làm nhiệm vụ cảnh báo, phân luồng giao thông tại khu vực đường, cầu thường ngập sâu. Cần đưa vào chương trình ngoại khóa trong các trường học cho học sinh ngay từ bậc THCS các kỹ năng nhận biết nguy hiểm khi đi trên đường ngập nước. Vì ở tuổi đó, nhiều em đã tự đi xe đạp đến trường. Nếu được trang bị kiến thức trên ngay từ nhỏ sẽ giúp các em có thêm nhận thức, cách phòng tránh các sự cố nước cuốn, lọt cống do ngập.    

Trần Thanh Trúc (TP.Biên Hòa)

Đăng Tùng (ghi)

Tin xem nhiều