Báo Đồng Nai điện tử
En

''Tôi muốn tạo dựng giá trị cốt lõi và thương hiệu riêng cho doanh nghiệp của mình''

02:04, 09/04/2022

Là chủ một trong những doanh nghiệp (DN) tư nhân sản xuất bao bì trên địa bàn Đồng Nai, ông Phạm Văn Chính, Giám đốc Công ty CP Sản xuất bao bì công nghiệp Toàn Cầu (Glopaco) cho hay, sự cạnh tranh trong ngành ngày càng gay gắt trước áp lực thâu tóm của DN ngoại.

Ông Phạm Văn Chính
Ông Phạm Văn Chính

Là chủ một trong những doanh nghiệp (DN) tư nhân sản xuất bao bì trên địa bàn Đồng Nai, ông Phạm Văn Chính, Giám đốc Công ty CP Sản xuất bao bì công nghiệp Toàn Cầu (Glopaco) cho hay, sự cạnh tranh trong ngành ngày càng gay gắt trước áp lực thâu tóm của DN ngoại. Để có chỗ đứng, DN buộc phải liên tục đổi mới, đầu tư công nghệ nhằm nâng cao chất lượng cũng như sự tin tưởng của khách hàng.

Ông Chính cho rằng, giá trị cốt lõi của DN là bên cạnh năng lực sản xuất, thương hiệu sản phẩm thì phải xây dựng mô hình quản trị DN sao cho ở đó, các cá nhân đều thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

Xác định được “giá trị lõi” của mình

* Glopaco bước chân vào thị trường bao bì như thế nào, thưa ông?

- Chúng tôi vốn ban đầu kinh doanh thương mại chứ chưa phải là nhà sản xuất như hiện nay. Hơn 10 năm trước, chúng tôi là DN chuyên cung ứng, phân phối các loại bao bì thuộc nhiều thương hiệu trên thị trường. Kinh doanh thương mại được ưu điểm là dòng tiền quay vòng nhanh nhưng DN lại không tạo ra được giá trị cốt lõi của mình. Chuẩn bị nguồn lực đã đủ lớn mạnh, năm 2015, chúng tôi kiện toàn lại cơ cấu, nhân sự và bắt tay vào sản xuất bao bì. Đó cũng là cả một thời gian chuẩn bị dài hơi.

Khi bước đầu có chỗ đứng và lượng khách hàng quen thuộc lúc bán buôn thì từ năm 2017 đến nay, chúng tôi đã phát triển mạnh mẽ hơn. DN đã mạnh dạn đầu tư công nghệ, sản xuất ra những sản phẩm cao cấp hơn, đủ chủng loại và liên tục mở rộng thêm các nhà máy mới ở Biên Hòa, Vĩnh Cửu, Long An.

* Nếu so với các đơn vị sản xuất bao bì khác trên thị trường, ông tự tin về điều gì nhất?

- Chúng tôi vốn có thế mạnh về hệ thống khách hàng từ trước khi bước vào sản xuất. Hiện tại, DN vẫn đi trên cả hai chân thương mại và sản xuất nên có sự bổ sung cho nhau, về lâu dài, chúng tôi sẽ tập trung ưu tiên vào mảng sản xuất để tạo ra sản phẩm bao bì phù hợp nhất với nhu cầu của khách hàng.

Gạo và sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi gia súc, thủy, hải sản là thế mạnh của Việt Nam nên nhu cầu bao bì cho xuất khẩu gạo, thức ăn chăn nuôi rất lớn. Trong cơ cấu sản phẩm của Glopaco thì bao bì gạo chiếm đến 50%, tiếp đến là bao bì đựng phân bón 20% rồi đến bao bì thức ăn chăn nuôi. Ông Phạm Văn Chính cùng cộng sự cũng đã hợp tác với nhiều công ty kinh doanh, xuất khẩu gạo thuộc hàng lớn nhất cả nước nhằm cung ứng bao bì cho các đối tác, tạo điều kiện phát triển DN của mình bền vững hơn.

Thông thường, các DN, đối tác của chúng tôi đều có từ 2-3, thậm chí nhiều nhà cung ứng bao bì cho họ. Nói vậy để thấy, để có được sự tin tưởng không phải là điều dễ dàng. Mức độ cạnh tranh gắt gao, lợi thế anh chỉ có được nếu đáp ứng các yếu tố chi phí và chất lượng, đơn vị nào phù hợp thì chắc chắn sẽ được họ ưu tiên hợp tác nhiều hơn.

Nói tự tin thì hơi quá nhưng chúng tôi kỳ vọng rằng mình vẫn sẽ đi đúng hướng như lộ trình đã vạch ra trong thời gian trước. Chúng tôi đã có 4 nhà máy sản xuất hỗ trợ, bổ sung cho nhau, sản xuất ra các loại bao bì khác nhau, đồng thời có đội ngũ thiết kế riêng nên có thể sẵn sàng hơn trong việc đáp ứng được những tiêu chuẩn cao của khách hàng.

* Ông đã có dự tính gì trong tương lai?

- Mặc dù đã có được vị thế đối với khách hàng truyền thống của mình song chúng tôi vẫn phải tiếp tục hiện đại hóa quản trị sản xuất, quản trị nhân sự và đầu tư công nghệ và lấy đó làm năng lực cạnh tranh. Tái đầu tư sản xuất là nhiệm vụ số một.

Chúng tôi đã chuẩn bị được quỹ đất 1,2ha trong khu công nghiệp để đầu tư thêm một nhà máy mới hiện đại, quy mô và có hệ thống máy móc tiên tiến hơn. Từ đó mở rộng thị trường và số lượng khách hàng cũng như nâng tỉ trọng xuất khẩu sang các nước khu vực Đông Nam Á so với chỉ 10% giá trị sản xuất như hiện nay.

Áp lực nhiều, nhưng cơ hội vẫn lớn

* Ngày càng nhiều DN sản xuất bao bì của Việt Nam đứng trước cơn lốc thâu tóm của DN ngoại, điều này gây ra vấn đề gì, thưa ông?

- Sản xuất phát triển, các ngành công nghiệp tăng trưởng tạo cơ hội cho ngành bao bì Việt Nam mở rộng quy mô sản xuất. Cũng đã có một số DN Việt từng bước vươn lên nắm thị phần nhưng thời gian gần đây lại đang đứng trước tình trạng bị DN ngoại thâu tóm. Nhiều công ty sản xuất bao bì, nhựa có tên tuổi của Việt Nam rơi vào tay các DN có vốn đầu tư nước ngoài và có xu hướng ngày càng lan rộng.

Điều này có thể thấy nhìn chung sức cạnh tranh của DN ngành bao bì so với các đối thủ nước ngoài đang bị chênh lệch. Nhà đầu tư nước ngoài rất nhanh nhạy nắm bắt thị trường và luôn tìm kiếm cơ hội thâu tóm công ty sản xuất của chúng ta. Lúc đó, họ có thị trường, có nhà máy và sẽ chi phối cung ứng bao bì. Do vậy, nếu không tỉnh táo và thận trọng trong hợp tác sẽ có thêm các thương hiệu sản xuất bị thâu tóm hơn.

Sản xuất bao bì tại một nhà máy của Glopaco. Ảnh nhân vật cung cấp
Sản xuất bao bì tại một nhà máy của Glopaco. Ảnh nhân vật cung cấp

* Glopaco có e sợ điều đó?

- Dĩ nhiên chúng tôi lo lắng sự thâu tóm của các DN ngoại sẽ làm thị phần của DN nội vốn đã ít lại càng trở nên nhỏ bé. Lo lắng nhưng hiện tại chúng tôi không lo sợ bởi mức tăng trưởng công ty trong năm vừa qua vẫn lên đến 20% và thị trường bao bì thì nhu cầu ngày càng nhiều. Tuy nhiên, như đã nói, bất cứ một DN nào cũng phải tự lực để nâng cao sức cạnh tranh và xây dựng thương hiệu.

Đồng thời, DN tỉnh táo, tìm ra giải pháp, hướng đi phù hợp, độc lập để không bị lệ thuộc và đánh mất mình. Ngành bao bì đang cạnh tranh gay gắt, có nhiều DN sản xuất thâm nhập vào thị trường nhưng cũng có nhiều đơn vị lặng lẽ rút lui. Bên cạnh đó là các nhà đầu tư có vốn nước ngoài rất tiềm lực, điều đó đòi hỏi chúng tôi phải luôn luôn nâng cao năng lực của mình.

* Vậy theo ông cần phải có giải pháp nào để có thể hạn chế được thực trạng này?

- Phải độc lập, tự chủ và năng động hơn, có tầm nhìn xa hơn. Nếu không đầu tư cho phát triển thì tất yếu sẽ bị lép vế. Tuy nhiên để đầu tư mở rộng sản xuất cũng không dễ dàng, trước hết phải làm sao có được thương hiệu, khách hàng rồi sau đó là vốn tái đầu tư.

DN cũng cần nắm bắt cơ hội từ sự thay đổi của xu hướng người tiêu dùng, nhất là trong thời buổi thương mại điện tử đang bùng nổ. Các tiêu chí mới về bao bì phải được nâng cấp tạo nên sự bắt mắt, sang trọng cho sản phẩm, vừa tạo tiện lợi cho người tiêu dùng. Khâu thiết kế bao bì nhãn mác vì thế rất quan trọng, cần được đầu tư, ứng dụng công nghệ mới.

Chỉ DN tự bơi thôi thì chưa đủ. Trong một thị trường cạnh tranh sòng phẳng, vốn lớn, công nghệ tốt và thị trường, khách hàng nhiều sẽ thắng mà các DN Việt quy mô còn tương đối nhỏ, do vậy cần có sự hỗ trợ thêm từ Nhà nước.

* Xin cảm ơn ông!

“Khi bước vào sản xuất lớn hơn, một trong những nhiệm vụ quan trọng là phải nâng cao trình độ quản trị DN. Với tôi, đây là điều tối quan trọng bởi chỉ có mô hình tốt mới có kết quả tốt. Để hoạt động thông suốt, phải xây dựng quy trình quản lý, quy trình phối hợp giữa các nhà máy, phòng ban một cách phù hợp. Giá trị cốt lõi của DN ngoài việc có đội ngũ thiết kế giỏi sản phẩm chất lượng thì mối quan hệ trong công ty cũng góp một phần tạo nên thành công. Kinh nghiệm của tôi là không nên lấy cảm xúc cá nhân để áp đặt mà phải xây dựng ra một giá trị chung, từ đó khuyến khích nhân viên của mình thực hiện theo”.

 Văn Gia (thực hiện)

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích