Đã từ rất lâu, vào những ngày tháng 3 âm lịch, mỗi người con đất Việt lại hướng về vùng đất Tổ với lòng thành kính, biết ơn tổ tiên đã sinh ra những con rồng cháu tiên.
Đã từ rất lâu, vào những ngày tháng 3 âm lịch, mỗi người con đất Việt lại hướng về vùng đất Tổ với lòng thành kính, biết ơn tổ tiên đã sinh ra những con rồng cháu tiên. Không ít gia đình, bên cạnh bàn thờ Bác Hồ và người thân còn trang trọng đặt một bát nhang để đến ngày giỗ Tổ lại làm mâm cơm, thắp lên nén nhang, nguyện cầu tổ tiên phù hộ cho gia đạo an yên, đất nước ngày càng phát triển.
Tại Đồng Nai, giỗ Tổ bao giờ cũng là dịp để mỗi gia đình tề tựu, cùng kể cho nhau nghe về truyền thuyết các đời Vua Hùng và nguồn gốc tổ tiên.
Người có điều kiện thì đến các địa phương có đền thờ Vua Hùng như ở TP.Biên Hòa, các huyện Trảng Bom, Tân Phú để thắp một nén nhang, bái vọng về vùng đất Tổ, tham dự những hoạt động rất đặc trưng vào ngày này như: hội thi làm bánh chưng, bánh giầy, các trò chơi dân gian… Có năm, một số địa phương trong tỉnh còn tổ chức lễ rước bánh chưng, bánh giầy do người dân tự gói về những điểm có thờ Vua Hùng nhằm ghi nhớ công ơn các Vua Hùng đã có công dựng nước. Đây cũng là dịp để giáo dục thế hệ trẻ “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.
Nhiều gia đình vào ngày giỗ Tổ còn giữ thói quen chuẩn bị mâm cơm với những món ăn truyền thống của ngày Tết để dâng cúng tổ tiên. Đây là dịp để gia đình có dịp quây quần bên nhau, cùng ăn cơm, kể những câu chuyện xưa, thắt chặt mối quan hệ gắn bó giữa các thành viên, biết ơn cội nguồn dân tộc. Ý nghĩa từ những câu chuyện do ông bà, cha mẹ kể lại cho con cháu trong mỗi dịp như thế này có tác dụng lớn trong việc giáo dục đạo đức, lối sống cũng như truyền thống văn hóa của đất nước nói chung và mỗi gia đình nói riêng.
Trong nhiều trường học, dịp giỗ Tổ thường tổ chức các hoạt động ngoại khóa lý thú, bổ ích cho học sinh như: thi kể chuyện, vẽ tranh về các đời Vua Hùng. Không ít trường còn cho học sinh đi tham quan, về nguồn để giáo dục truyền thống, nhất là tinh thần dựng nước và giữ nước của ông cha, giúp các em thêm yêu quê hương, đất nước, tự hào vì được sinh ra và lớn lên ở một đất nước có lịch sử anh hùng, từ đó tích cực học tập, rèn luyện để trở thành người có ích.
Hai năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, những hoạt động tập trung đông người không được tổ chức, nhưng tại các điểm thờ Hùng Vương trên địa bàn tỉnh vào dịp này vẫn thực hiện đầy đủ những lễ nghi tưởng nhớ cội nguồn với quy mô nhỏ gọn nhằm đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Đặc biệt là trong mỗi gia đình, mỗi trái tim người dân nước Việt đều luôn nhớ về tổ tiên: Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày giỗ Tổ mùng 10 tháng 3
và nhớ về lời căn dặn của Bác Hồ: “Các vua Hùng đã có công dựng nước/ Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Bởi “Con người có tổ có tông/ Như cây có cội như sông có nguồn”…
Minh Ngọc