Bước sang năm 2022, các y, bác sĩ trong tỉnh vẫn tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ được giao, từ cấp cứu, khám, điều trị đến chăm sóc bệnh nhân.
Bước sang năm 2022, các y, bác sĩ trong tỉnh vẫn tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ được giao, từ cấp cứu, khám, điều trị đến chăm sóc bệnh nhân.
Điều dưỡng Trần Ngọc Minh, Khoa Ngoại tổng quát Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai (trái) cùng đồng nghiệp nghỉ giải lao sau những giờ làm việc căng thẳng |
Trong những thời điểm khó khăn, nguy hiểm, chính tình yêu nghề, thương bệnh nhân là động lực để “níu chân” các y, bác sĩ gắn bó với bệnh viện, tận tình chăm sóc bệnh nhân.
Những người mẹ thứ 2 của bệnh nhi
Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai Nguyễn Lê Đa Hà cho biết, thời điểm khoảng cuối tháng 10, 11 của năm 2021, bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải nghiêm trọng khi số ca mắc Covid-19 là bệnh nhi tăng cao. Có thời điểm, bệnh viện tiếp nhận, điều trị hơn 300 ca F0 là bệnh nhi và người nhà bệnh nhi. Hầu hết các bệnh nhi đều có triệu chứng nhẹ nhưng do gia đình lo lắng nên mong muốn được ở lại bệnh viện để điều trị thay vì về nhà theo dõi tại nhà.
Thời gian đó, nhân lực của Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai phải chia làm 2, một phần làm nhiệm vụ chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến số 4 (Trung tâm Giáo dục quốc phòng, an ninh tỉnh Đồng Nai, xã Tân An, H.Vĩnh Cửu), số nhân lực còn lại tiếp tục làm nhiệm vụ tại bệnh viện.
BS Nguyễn Văn Sửu, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai chia sẻ, những tháng ngày làm nhiệm vụ khám, điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Dã chiến số 4 là trải nghiệm, kỷ niệm không thể nào quên trong cuộc đời làm nghề của anh. Đây là lần đầu tiên BS Sửu được chứng kiến đại dịch lớn và tham gia, góp một phần công sức của mình nhằm kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe, tính mạng cho người dân. Điều may mắn đối với BS Sửu là anh luôn nhận được sự động viên, khích lệ từ vợ, con và những người thân trong gia đình. Đó là động lực để BS Sửu cùng đồng nghiệp hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Trong khi đó, các bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý của Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai không chỉ đơn thuần là nhân viên y tế chăm sóc, điều trị cho bệnh nhi, mà họ còn là những người mẹ đặc biệt, thay thế cha mẹ các bệnh nhi chăm sóc, vỗ về các em.
BS Trần Thị Bích Phượng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực sơ sinh Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, trước kia, khoa thường tiếp nhận và điều trị cho những bệnh nhi bị sinh non, mắc nhiều bệnh, thậm chí có những bệnh nhi nhiễm HIV bị cha mẹ bỏ rơi ngay từ khi mới lọt lòng. Trong năm vừa qua, khoa tiếp nhận, điều trị cho nhiều trường hợp bệnh nhi là con của sản phụ F0. Có em sinh đủ tháng, có em sinh chưa đủ tháng, mắc nhiều bệnh nguy hiểm. Các y, bác sĩ phải nỗ lực gấp 5, gấp 10 so với trước đây để giành giật sự sống cho các em.
Làm việc trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao, các bác sĩ, điều dưỡng phải mặc đồ bảo hộ cẩn thận. Việc chăm sóc trẻ sinh non ở điều kiện bình thường đã vất vả, nay chăm sóc trẻ sinh non là con của sản phụ F0, bị nhiều bệnh nguy hiểm lại càng vất vả hơn nhiều. Các bệnh nhi được đặt trong lồng kính, các điều dưỡng, bác sĩ thay nhau chăm sóc, từ việc cho uống sữa, thay tã, vệ sinh cá nhân đến kiểm tra các chỉ số sinh tồn, điều trị cho bệnh nhi.
“Trong số những bệnh nhi được chăm sóc, điều trị tại khoa, có những bé không có người thân được các bác sĩ, điều dưỡng trong khoa cưu mang, chăm sóc nhiều tháng liền rồi tìm nhà hảo tâm nuôi các em. Có trường hợp bệnh nhi bị nhiễm HIV, sau khi được nhà hảo tâm nhận nuôi, đến nay vẫn thường xuyên liên lạc với các bác sĩ, điều dưỡng trong khoa. Làm công việc này, nếu chỉ có tình yêu nghề thì chưa đủ, nhân viên y tế phải thực sự yêu thương bệnh nhi, xem các con như người thân của mình mới có thể làm tốt nhiệm vụ” - BS Phượng tâm sự.
Xung phong vào tâm dịch
Sau nhiều năm phấn đấu, rèn luyện, y sĩ Nguyễn Thị Thu Trang ngày nào đã trở thành bác sĩ. Chị được Ban giám đốc Bệnh viện Y dược cổ truyền Đồng Nai tin tưởng, bổ nhiệm làm Phó trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn rồi Trưởng khoa Nội. Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh, BS Trang đã tình nguyện xung phong vào tâm dịch để điều trị cho bệnh nhân và cùng với Ban giám đốc Bệnh viện Y dược cổ truyền Đồng Nai nghiên cứu ra bài thuốc y học cổ truyền góp phần điều trị hiệu quả cho bệnh nhân Covid-19.
BS Trần Thị Bích Phượng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực sơ sinh Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai chăm sóc bệnh nhi là con của sản phụ F0 |
Nhớ lại thời gian làm nhiệm vụ tại Bệnh viện Dã chiến số 9 (H.Xuân Lộc), BS Trang tâm sự, khi Bệnh viện Dã chiến số 9 được đưa vào hoạt động từ tháng 8-2021, chị đã viết đơn tình nguyện tham gia. Tại đây, BS Trang trực tiếp khám và điều trị cho người bệnh, trực cấp cứu những ca bệnh trở nặng. Giai đoạn này, số lượng bệnh nhân Covid-19 tăng lên rất nhanh, các bệnh viện dã chiến đều quá tải, đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế chưa có ngày nào được ngủ ngon giấc. Nhưng vì người bệnh, tất cả đều cố gắng hoàn thành nhiệm vụ.
Sau khi kết thúc nhiệm vụ tại Bệnh viện Dã chiến số 9, chị Trang trở về làm nhiệm vụ tại Bệnh viện Y dược cổ truyền Đồng Nai. Với trăn trở làm thế nào để giúp bệnh nhân nhiễm Covid-19 khỏi bệnh nhanh bằng các bài thuốc y học cổ truyền, chị đã cùng với ban giám đốc bệnh viện tìm tòi, nghiên cứu ra bài thuốc “Sâm tô ẩm” để điều trị cho người bệnh Covid-19.
Để ứng dụng bài thuốc này, BS Trang cùng ê-kíp tiếp tục làm nhiệm vụ điều trị, chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Dã chiến số 7 (Trường THPT Trấn Biên, TP.Biên Hòa). Kết quả cho thấy, sau khi sử dụng thuốc từ 3-5 ngày, các bệnh nhân Covid-19 đều giảm hoặc hết các triệu chứng của bệnh.
“Nhìn thấy người bệnh bình phục và khỏi bệnh nhanh sau khi dùng bài thuốc Sâm tô ẩm, tôi rất vui và hạnh phúc. Tôi mong muốn sẽ có thêm nhiều sức khỏe để tiếp tục làm tốt nhiệm vụ của người thầy thuốc là điều trị, chăm sóc sức khỏe nhân dân” - BS Trang chia sẻ.
DS CKII Nguyễn Đức Thu, Phó giám đốc Bệnh viện Y dược cổ truyền Đồng Nai nhận xét, BS Trang là người giỏi về chuyên môn, hết lòng vì người bệnh, không sợ hiểm nguy, sẵn sàng xông pha vào những nơi nguy hiểm nhất để thực hiện nhiệm vụ của người thầy thuốc. Dù trên cương vị nào, BS Trang cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được đồng nghiệp tin yêu, bệnh nhân quý mến.
Hạnh Dung - Hoàn Lê
TS-BS PHẠM VĂN DŨNG, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất:
Thực hiện bệnh viện tách đôi
Những ngày qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh giảm mạnh. Số ca bệnh nặng và tử vong vì thế cũng giảm nhiều. Đến nay, Trung tâm hồi sức Covid-19 của bệnh viện đang điều trị cho 10 bệnh nhân nặng. Đây là tín hiệu vui và là điều mà tất cả cán bộ, nhân viên y tế của bệnh viện mong muốn. Trong tình hình mới, bệnh viện vẫn tiếp tục vừa thực hiện khám, chữa các bệnh thông thường vừa điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng tại Trung tâm Hồi sức Covid-19 nặng. Công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, hạn chế tối đa lây nhiễm chéo được bệnh viện đặc biệt quan tâm.
Điều dưỡng TRẦN NGỌC MINH, Khoa Ngoại tổng quát Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai:
Không bỏ cuộc dù khó khăn hay vất vả
Thời gian qua, không chỉ riêng bản thân tôi mà hầu hết cán bộ, nhân viên y tế trong tỉnh đều đã nỗ lực gấp nhiều lần để hoàn thành nhiệm vụ được giao, đặc biệt là công tác phòng, chống dịch Covid-19. Hiện tại, khoa chúng tôi đang vừa điều trị cho bệnh nhân bị bệnh thông thường vừa điều trị cho bệnh nhân Covid-19, nguy cơ lây nhiễm rất cao. Mặc dù công việc khá nhiều mà thu nhập chưa cao nhưng tôi chưa bao giờ có ý định xin nghỉ việc hay bỏ cuộc. Tôi hy vọng dịch bệnh chóng qua để cuộc sống của người dân được sớm trở về bình thường.
An Yên (ghi)