Kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) có thực sự cần thiết trong tuyển sinh đại học (ĐH)? Làm thế nào để đạt kết quả cao trong kỳ thi ĐGNL? Đây là vấn đề đang được đông đảo giáo viên, phụ huynh, học sinh quan tâm, nhất là những học sinh năm cuối bậc THPT muốn gia tăng cơ hội vào những trường tốp trên trong kỳ tuyển sinh ĐH năm học 2021-2022.
Kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) có thực sự cần thiết trong tuyển sinh đại học (ĐH)? Làm thế nào để đạt kết quả cao trong kỳ thi ĐGNL? Đây là vấn đề đang được đông đảo giáo viên, phụ huynh, học sinh quan tâm, nhất là những học sinh năm cuối bậc THPT muốn gia tăng cơ hội vào những trường tốp trên trong kỳ tuyển sinh ĐH năm học 2021-2022.
Một học sinh lớp 12 của Trường THPT Ngô Quyền (TP.Biên Hòa) đang điền hồ sơ đăng ký tham dự kỳ thi đánh giá năng lực năm 2022 của Đại học Quốc gia TP.HCM. Ảnh: P.Liễu |
Phó giám đốc Sở GD-ĐT VÕ NGỌC THẠCH:
Đánh giá năng lực là cần thiết để phân loại học sinh
Hiện nay, phần lớn các trường ĐH đều lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét vào ĐH. Tuy nhiên, năm học 2021-2022, có nhiều trường, chủ yếu các trường ĐH danh giá…, tập trung vào phương án tuyển sinh qua hình thức thi ĐGNL để làm căn cứ xét tuyển, cũng như dành phần lớn chỉ tiêu tuyển sinh cho nhóm thí sinh này.
Thực tế, việc tổ chức kỳ thi ĐGNL là cần thiết. Bởi 2 năm 2020 và 2021 dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, phần lớn các học sinh học online nên ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng học của học sinh, kết quả tốt nghiệp THPT quốc gia không mang tính phân loại cao nên ĐGNL là hình thức thẩm định chất lượng đầu vào của các thí sinh khá chuẩn xác.
ĐGNL là kỳ sát hạch mà thí sinh phải thực hiện bài kiểm tra trình độ ngôn ngữ; toán học, tư duy logic, phân tích số liệu và giải quyết vấn đề. Mục đích của việc tham gia kỳ thi này là để xét tuyển ĐH, ĐGNL của học sinh THPT theo chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông mới; định hướng nghề nghiệp cho người học trên nền tảng kiến thức và năng lực cá nhân; kiểm tra kiến thức tự nhiên, xã hội, tư duy, kỹ năng, thái độ của người học… Vì thế, học sinh cần học, đọc, nghiên cứu sâu, rộng các nội dung kiến thức, vấn đề liên quan đến các lĩnh vực trên để có thể làm bài đạt kết quả tốt nhất.
Phó hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền TRẦN NGHĨA DŨNG:
Tăng cơ hội xét tuyển vào các trường đại học
Những năm gần đây, thi ĐGNL đang là xu hướng lựa chọn của nhiều trường ĐH trong tuyển sinh. Tuy không bắt buộc, nhưng đã được rất nhiều học sinh tham gia để có thêm cơ hội xét tuyển vào các trường ĐH. Hiện có khá nhiều trường ĐH theo xu hướng tuyển sinh phần lớn chỉ tiêu theo phương thức này, nên những năm qua, có khá đông học sinh Trường THPT Ngô Quyền tham gia kỳ thi này.
Trường THPT Ngô Quyền nằm trong tốp 100 trường THPT có chất lượng dạy và học tốt nhất của nước, học sinh của trường được ưu tiên xem xét tuyển thẳng vào nhiều trường ĐH. Do đó, tùy vào nguyện vọng mà học sinh có những lựa chọn khác nhau vào trường này hay trường kia. Các em thi ĐGNL cũng là một cách để tăng thêm cơ hội lựa chọn. Tuy nhiên, các em nên chọn những trường ĐH mà mình có đủ điều kiện xét tuyển thẳng cho an toàn.
Sinh viên năm nhất Trường ĐH Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) NGUYỄN NGỌC TUẤN (ngụ P.Tân Biên, TP.Biên Hòa):
Cần có kiến thức nền để giải quyết nhanh vấn đề
Kỳ thi tuyển ĐH năm học 2020-2021, tôi có đủ điều kiện được tuyển thẳng vào một số trường ĐH. Tuy nhiên, tôi thích vào Trường ĐH Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) nên đã chọn thi ĐGNL để tăng thêm cơ hội vào trường này. Với 960 điểm, tôi đã trúng tuyển vào Trường ĐH Bách khoa bằng kỳ thi ĐGNL.
Kinh nghiệm của tôi là phải tìm hiểu kỹ cấu trúc và dạng câu hỏi bài thi để biết mình cần chuẩn bị những phạm trù kiến thức nào. Mặc dù không cần thuộc lòng nhưng để làm được bài thi ĐGNL cần có kiến thức nền về lĩnh vực đó mới có thể giải quyết nhanh vấn đề; đồng thời đòi hỏi khả năng vận dụng, suy luận cao có liên hệ với thực tiễn cuộc sống. Thi ĐGNL cần am hiểu nhiều lĩnh vực, kiến thức khác nhau. Vì thế, các bạn thấy mình còn hạn chế phần nào thì kịp thời bổ sung, khắc phục ngay trước khi kỳ thi diễn ra.
Phương Liễu (ghi)
Ảnh: P.LIỄU