Báo Đồng Nai điện tử
En

"Gia đình" nhìn từ cuộc thi truyện ngắn

08:01, 15/01/2022

Gia đình là một trong những "đề tài vĩnh cửu" của văn học. Xuất phát từ ý tưởng " nhận diện" gia đình thời 4.0, góp phần định hướng cho công tác tuyên truyền, giáo dục, Sở VH-TTDL vừa tổ chức cuộc thi truyện ngắn với đề tài: Gia đình bình an, xã hội hạnh phúc.

Gia đình là một trong những “đề tài vĩnh cửu” của văn học. Xuất phát từ ý tưởng “ nhận diện” gia đình thời 4.0, góp phần định hướng cho công tác tuyên truyền, giáo dục, Sở VH-TTDL vừa tổ chức cuộc thi truyện ngắn với đề tài: Gia đình bình an, xã hội hạnh phúc.

Vì sự an toàn của trẻ. Ảnh: CTV
Vì sự an toàn của trẻ. Ảnh: CTV

Từ trên 50 truyện ngắn đã qua sơ tuyển, Ban giám khảo “nâng lên, đặt xuống” cân nhắc các yếu tố trước khi chọn 19 tác phẩm tốt nhất để trao: 2 giải nhất, 3 giải nhì, 4 giải ba và 10 giải khuyến khích. Đáng mừng là chất lượng tác phẩm vào giải không quá chênh lệch. Hai tác phẩm xuất sắc nhất là truyện ngắn Sau mưa của tác giả Trần Thúc Hà và truyện ngắn Thêm củi vào bếp của tác giả Lê Hương Thơm vừa vặn, súc tích, đúng chuẩn mực của truyện ngắn.

Sau mưa đề cập đến một gia đình có 3 anh em, vợ chồng anh cả ở riêng, anh thứ có cách sống tự do như chim trời và cậu út đang học THPT. Tuy sống cùng nhà nhưng người cha vẫn luôn khát khao những bữa cơm sum vầy. Ông chết trong sự ăn năn của các con nhưng ở đám tang cha, mâu thuẫn giữa nàng dâu, em chồng lại lên đỉnh điểm. Họ gần như ngoảnh mặt quay lưng. Bất ngờ, người anh cả bị tai nạn giao thông, mất trí nhớ. Tai họa khiến tất cả bừng tỉnh. Tình cốt nhục khiến họ chợt nhận ra sự thờ ơ, vô cảm của mình. Người em thứ bỏ việc, ngày nào cũng dẫn anh cả tập đi, kể cho anh nghe những kỷ niệm ấu thơ. Người vợ cũng dùng tập ảnh của hai vợ chồng để gợi lại ký ức về những ngày hạnh phúc. Họ kiên trì chiến đấu với số phận, nỗ lực lôi người thân ra khỏi bóng tối của sự quên lãng. Và tình thương yêu đã làm nảy sinh phép nhiệm màu: người anh cả hồi phục trí nhớ, trở lại với đời sống...

Thêm củi vào bếp là câu chuyện về một gia đình ngỡ được số phận nuông chiều: vợ đẹp, con ngoan, chồng thành đạt. Một ngày, chị vợ vô tình phát hiện ra cô con gái nuôi đích thị là “con ngoài luồng” của chồng với cô gái tiếp viên bia ôm. Một cuộc vật lộn nội tâm diễn ra âm thầm. Có nên trả thù kẻ đã xâm phạm tổ ấm hạnh phúc của mình? Nên chăng chiến tranh lạnh với “hắn”, tức là với chồng? Thậm chí là… ly hôn? Cuối cùng, nền tảng văn hóa, đạo đức, tấm lòng vị tha đã giúp chị vợ hành xử khôn ngoan: không làm lớn chuyện, “tha bổng” cho chồng. Truyện ngắn rút ra bài học quý giá: muốn cho bếp lửa gia đình không tắt nguội thì các thành viên phải chăm chút, biết sống vì nhau, mỗi ngày đều phải “thêm củi” vào bếp…

Khi đi cô chị, khi về cô em của tác giả Trâm Oanh cuốn hút người đọc nhờ cách kể chuyện hóm hỉnh, thấu hiểu tâm lý phụ nữ. Mai tin rằng sắc đẹp chính là bảo bối giúp cô giữ… chồng và giữ hạnh phúc gia đình. Do nhận thức sai lệch nên cô… nghiện làm đẹp, hết nhuộm tóc, thêu chân mày đến nâng mũi, tắm trắng…, cô sửa sắc đẹp nhiều lần đến nỗi bầy chó không còn nhận ra cô chủ(!). Mai chỉ chịu dừng “sự nghiệp làm đẹp” trong lần giải phẫu cuối cùng khiến cô suýt mất mạng. Câu chuyện kết thúc có hậu: Mai tỉnh dậy trên giường bệnh trong sự yêu thương, chia sẻ của chồng con. Cô chợt nhận ra một điều giản dị mà quý báu: Người thân trong gia đình yêu thương cô hết lòng, bất chấp ngoại hình của cô như thế nào…

Niềm vui cho em thơ. Ảnh: Đỗ Văn Cư
Niềm vui cho em thơ. Ảnh: Đỗ Văn Cư

Hợp đồng hôn nhân của tác giả Lê Thị Trang là chuyện cô Kim, chủ cửa hàng thời trang lớn si mê Tân, một chuyên gia kinh tế. Buồn thay, khi Kim mang thai thì Tân “bỏ của chạy lấy người”, thì ra “chàng họ Sở” đã có vợ con. Tình yêu bị lừa dối, lòng kiêu hãnh bị chà đạp, Kim trở thành người đàn bà sắt đá, thực dụng, cô bỏ ra 200 triệu đồng để thuê Hải - chàng shipper tỉnh lẻ làm đám cưới với mình, khi cô sinh con xong thì hợp đồng hết hiệu lực. Hải chịu làm “chồng hờ” săn sóc Kim vì tiền, nhưng dần dà sự chung đụng dưới một mái nhà đã làm nảy sinh tình cảm giữa họ. Ngày Kim lâm bồn, cô càng nhận ra “chồng hờ” có trái tim nhân hậu, đầy bao dung, anh chính là bờ vai vững chắc nhất mà mẹ con cô cần có để nương tựa. Từ cuộc hôn nhân theo hợp đồng, tình yêu đã gắn kết họ thành đôi lứa hạnh phúc.

Tác giả Huỳnh Lan Nhi với truyện ngắn Ngày mẹ về cốt truyện đơn giản nhưng văn phong giàu cảm xúc, chinh phục người đọc bởi câu chuyện cảm động, chân thực. Tác giả cùng cậu em trai và cha sống 3 tháng trong cảnh người mẹ vắng nhà vì phải “batêxê”, tức là “ba tại chỗ” trong công ty để chống dịch Covid-19. Người phụ nữ vắng nhà, nhưng gia đình bé nhỏ của chị vẫn tràn đầy niềm vui bởi họ không ngừng quan tâm, thể hiện tình yêu với nhau qua những việc làm nho nhỏ. Thông qua lăng kính của con, hình tượng người mẹ nổi bật là một phụ nữ ấm áp, yêu chồng thương con, giỏi việc nước, đảm việc nhà. Tác giả bộc bạch đầy tự hào về người mẹ: “Mẹ đang làm một công việc vĩ đại, chỉ hy sinh mà không cần báo đáp, đó là “nghề làm mẹ”…

Dưới bóng cù mộc của tác giả Nguyễn Minh Đức là câu chuyện buồn của một gia đình cựu chiến binh: Suốt mấy chục năm lăn lộn trên chiến trường, ông Khoa đã làm tốt mọi nhiệm vụ nhờ có “hậu phương lớn ” là bà Hậu rất mực đảm đang, chung thủy. Trở về đời thường, ông và vợ quyết tâm xây dựng một gia đình đầm ấm, quy củ theo kiểu “Một cây cù mộc, một sân quế hòe” (Truyện Kiều - Nguyễn Du). Nhưng cô Thảo con dâu ông là “tuýp” phụ nữ thực dụng. Cô tận dụng vị thế của cha chồng để từ một phụ nữ quê mùa trở thành quý bà sang chảnh”, ngoại tình, phá hỏng hình mẫu gia đình hạnh phúc của cha chồng.

Truyện ngắn Giọt đắng muộn màng của tác giả Nguyễn Duy Đồng lấy chất liệu từ thực tiễn đời sống ở những khu nhà trọ của công nhân các khu công nghiệp. Diễm và Đoan gặp gỡ, vội vã yêu đương, vội vã chung sống… Họ lao vào hôn nhân khi không có cả kiến thức lẫn kỹ năng làm vợ, làm chồng. Cuộc sống chung đầy bạo lực, xúc phạm, làm tổn thương nhau kết thúc bằng ly dị, người chồng tay trắng ra đi. Nhiều năm sau, Diễm trôi dạt lên cao nguyên tìm việc làm, vô tình phát hiện ra bà chủ mới của mình chính là… vợ của chồng cũ. Sự ân hận về cách cư xử đầy khiếm khuyết dẫn đến tan vỡ gia đình không giúp Diễm và Đoan vớt lại được hạnh phúc, họ chỉ có thể lấy đó làm bài học cay đắng cho mình… Ngoài tuyến nhân vật chính, những nhân vật thoáng qua như Hằng, Mạnh cũng góp phần làm rõ chủ đề: hạnh phúc gia đình không từ trời rơi xuống, nó chỉ có được khi mỗi người biết sống tận tâm, có trách nhiệm và tình thương đối với nhau.

Hai truyện ngắn Say nắng của Lương Thị Lan Thúy và Lạc lối của Thùy Linh Vũ đều viết về “những phút ngoài chồng ngoài vợ” của những người đã có tổ ấm gia đình. Ở truyện ngắn Say nắng, chị vợ choáng ngợp trước sức hấp dẫn và thái độ “ga lăng” của chàng trai trẻ, đã “tham bát bỏ mâm”. Chỉ đến khi sống cạnh anh chồng trẻ, chị mới nhận ra tật xấu của anh ta so với “người cũ”. Chị hối hận, muốn về lại mái nhà xưa nhưng đã quá muộn. Người chồng trong  truyện ngắn Lạc lối may mắn chưa đi quá xa trong mối quan hệ với các “chân dài” nhưng vì tự ái nên không chịu giải thích cho vợ hiểu, hai người cứ thế dần xa nhau…

Trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành, việc tổ chức cuộc thi truyện ngắn về gia đình lần thứ hai (lần đầu được tổ chức năm 2011) cho thấy sự năng động, mạnh dạn của Sở VH-TTDL - cơ quan quản lý nhà nước về công tác gia đình. Hy vọng sự thành công của cuộc thi sẽ là những gợi mở hữu ích cho công tác gia đình và cũng là động lực cho người viết truyện ngắn, một thể loại biến hóa khôn lường, luôn hấp dẫn bạn đọc.

Hoàng Ngọc Điệp

Tin xem nhiều