Năm học 2021-2022, do lịch học, hình thức học thay đổi nên thị trường đồ dùng học sinh trở nên sôi động những ngày gần Tết. Các mặt hàng như quần áo, cặp sách, giày dép được nhiều bậc phụ huynh quan tâm tìm mua.
Năm học 2021-2022, do lịch học, hình thức học thay đổi nên thị trường đồ dùng học sinh trở nên sôi động những ngày gần Tết. Các mặt hàng như quần áo, cặp sách, giày dép được nhiều bậc phụ huynh quan tâm tìm mua.
Bà Hậu, chủ shop Linh Đan (P.Tam Phước, TP.Biên Hòa) lựa chọn đồng phục học sinh cho khách. Ảnh: Lê An |
Việc phải mua sắm thêm nhiều đồ dùng cho con trong thời gian này cũng gây không ít áp lực đối với các bậc phụ huynh, nhất là những gia đình công nhân.
* Quần áo, giày dép đắt hàng
Khác với những năm học trước, năm nay chị Nguyễn Thị Hoài (P.Bình Đa, TP.Biên Hòa) phải sắm đồ dùng học tập cho các con thời điểm cận Tết Nguyên đán.
Chị Hoài chia sẻ, do học trực tuyến nên chị vẫn chưa mua đồng phục cho 3 con. Nhưng cuối tuần này các con đến trường thi trực tiếp nên chị phải đi mua đồng phục. “Năm học này khá tốn kém với gia đình tôi. Ngoài sách vở, đồ dùng học tập, tôi phải đầu tư thêm 2 thiết bị điện tử để con học online. Bây giờ cận Tết lại phải mua thêm đồng phục, giày dép cho con đến trường thi và chuẩn bị bước vào kỳ học mới” - chị Hoài chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Nhung, công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Tam Phước (TP.Biên Hòa) chia sẻ, trung bình mỗi con đến trường học cần 2 bộ đồng phục, 1 bộ thể dục, 1 đôi giày… tốn khoảng triệu đồng. Cận Tết mà phải đầu tư khoản này là áp lực không nhỏ đối với các gia đình công nhân.
“Gia đình tôi có 2 bé học lớp 3 và lớp 6. Tiền đồng phục và giày dép đến trường tốn khoảng 2 triệu đồng. Tôi chọn ra chợ mua vì kích cỡ đa dạng, giá bình dân, mẫu mã đúng yêu cầu của nhà trường. Cũng may đợt này, công ty tăng ca đều mới có điều kiện sắm đủ đồ dùng cho các con” - chị Nhung nói.
Có mặt tại cửa hàng giày dép trên đường Phạm Văn Thuận (P.Tam Hòa, TP.Biên Hòa) dịp cuối tuần qua, em Nguyễn Trần Lê Anh, Trường THCS Tam Hòa cho biết, do chuẩn bị đi học trở lại nên em đi mua giày mới. Đôi giày thể thao em lựa chọn vừa có thể mang khi học thể dục vừa mang được khi đi chơi. “Em chọn giày thể thao trong cửa hàng này vì nó khá bền, mềm, giá cũng không quá cao” - em Lê Anh cho hay.
Em Nguyễn Trần Lê Anh, Trường THCS Tam Hòa (TP.Biên Hòa) chọn mua giày thể thao để đến trường. Ảnh: Lê An |
Theo ghi nhận của phóng viên, thời điểm này nhiều phụ huynh có nhu cầu mua đồ dùng học sinh là giày dép, quần áo, ba lô, cặp sách. Mặc dù nhu cầu tăng nhưng giá cả không chênh lệch nhiều so với các năm trước. Đồng phục học sinh may sẵn giá từ 180-280 ngàn đồng/bộ tùy theo cấp học; giày dưới 500 ngàn đồng/đôi; ba lô, cặp xách phân khúc giá rẻ chỉ hơn 100 ngàn đồng.
Các mặt hàng như sách giáo khoa, vở, bút mực bán tại các siêu thị, nhà sách, cửa hàng văn phòng phẩm không có biến động lớn về giá cả, sức mua. Nguyên nhân là do đa phần các bậc phụ huynh đã sắm đủ khi hết giãn cách xã hội.
* Giá cả bình ổn hơn
Thời gian này, cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm Biti’s đường Phạm Văn Thuận đang áp dụng giảm giá 10-40%, mua giày dép được kèm balo giá ưu đãi để hút khách.
Đại diện cửa hàng này cho biết, những ngày qua các sản phẩm giày sandal và giày thể thao học sinh bán khá chạy so với các tháng trước và cùng kỳ năm 2020. Nguyên nhân là do nhiều trường sắp cho học sinh đi học trực tiếp. Cửa hàng ngoài việc liên tục bổ sung các mẫu giày, dép mới, còn triển khai chương trình bán hàng giảm giá, bán hàng trực tuyến bằng hình thức livestream trên mạng xã hội, đơn hàng từ 300 ngàn đồng được miễn phí vận chuyển trên toàn quốc.
Ông Nguyễn Duy Khang, ngụ xã Trung Hòa (H.Trảng Bom) cho biết, các năm trước, thời điểm này, cơ sở may gia công của ông đang may đồng phục học sinh cho năm học sau. Nhưng hiện tại, 10 nhân công của cơ sở vẫn may đồng phục học sinh cho năm học 2021-2022.
Ông Nguyễn Duy Khang (xã Trung Hòa, H.Trảng Bom) may đồng phục học sinh. Ảnh: Lê An |
“Thời gian giãn cách xã hội tôi không nhập được vải để may. Sau giãn cách mới may trở lại. Giá có tăng một chút so với trước do nguyên vật liệu tăng. Bình quân mỗi tháng, cơ sở xuất ra thị trường hơn ngàn sản phẩm, trừ chi phí và trả công cho người lao động, tôi lời khoảng 20 triệu đồng” - ông Khang chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Linh, chủ sạp quần áo chợ Tân Biên (TP.Biên Hòa) cho biết, thời gian qua, buôn bán quần áo ế ẩm do dịch bệnh, nhưng hiện tại đỡ hơn do gần Tết nhu cầu mua sắm tăng, học sinh sắp đi học trở lại. Về đồng phục học sinh, do bà đã chuẩn bị từ tháng 3, tháng 4 năm trước nên không thiếu hàng, giá cả không tăng.
Chủ cửa hàng ba lô, túi xách Ngọc Anh chợ An Phước (H.Long Thành) cho biết, đã nhập nhiều sản phẩm phục vụ đối tượng là học sinh, sinh viên. Phần lớn đều là sản phẩm trong nước có giá khoảng 100-300 ngàn đồng. Bên cạnh đó, cũng có các sản phẩm cao cấp hơn như ba lô chống gù, ba lô chống nước giá hơn 500 ngàn đồng/chiếc.
Bà Hậu, chủ shop Linh Đan (P.Tam Phước, TP.Biên Hòa) cho biết, gần 100% đồng phục học sinh do các xưởng, cơ sở may trong tỉnh thực hiện, mẫu mã và chất lượng may tương đương nhau, chỉ khác chất liệu vải mềm hoặc thô hơn. Các sản phẩm nhập về trước khi thực hiện giãn cách xã hội không tăng giá so với các năm trước. Nhưng các sản phẩm mới nhập tăng khoảng 10-25 ngàn đồng/bộ do thời gian qua việc nhập vải để may khó, chi phí vận chuyển và công may tăng cao.
Lê An