Còn hơn 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Nếu như các năm trước, thời điểm này các tiểu thương tại các chợ, cửa hàng bách hóa, đại lý… đã bắt đầu nhộn nhịp chuẩn bị hàng hóa cho dịp Tết sắp tới thì năm nay, do tình hình dịch Covid-19 phức tạp, nguồn cung ứng hàng hóa bị gián đoạn nên nhiều tiểu thương thận trọng trong việc trữ hàng Tết.
Còn hơn 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Nếu như các năm trước, thời điểm này các tiểu thương tại các chợ, cửa hàng bách hóa, đại lý… đã bắt đầu nhộn nhịp chuẩn bị hàng hóa cho dịp Tết sắp tới thì năm nay, do tình hình dịch Covid-19 phức tạp, nguồn cung ứng hàng hóa bị gián đoạn nên nhiều tiểu thương thận trọng trong việc trữ hàng Tết.
Người dân chọn mua các loại bánh kẹo tết tại chợ Tân Hiệp (TP.Biên Hòa). Ảnh: H.Hải |
Sức mua chậm, nguồn hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
Theo khảo sát nhiều chợ hạng 1, hạng 2 trên địa bàn tỉnh, sau thời gian mở cửa trở lại thì hiện nay sức mua còn khá thấp, nhiều sạp hàng rơi vào tình trạng ế ẩm nên càng khiến cho các tiểu thương dè dặt trong mùa Tết năm nay.
Ông Nguyễn Văn Nhân, chủ sạp kinh doanh thực phẩm khô tại chợ Long Thành (H.Long Thành) cho hay, trước những ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng hàng tết và sức mua hiện giảm khoảng 40%, không khí mua sắm không nhộn nhịp bằng cùng kỳ những năm trước. Lượng khách giảm nhiều cả về bán sỉ lẫn khách vãng lai… Do sức mua giảm mạnh nên tiểu thương cũng dè dặt. Bên cạnh đó, nguồn cung hàng hóa nhìn chung cũng không phong phú, đa dạng so với cùng dịp này các năm trước do những tác động của dịch bệnh, chuỗi cung ứng hàng hóa bị ảnh hưởng, nhất là nguồn cung từ nhiều chợ đầu mối ở TP.HCM.
Theo nhiều tiểu thương, do tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp nên dự báo người dân sẽ lựa chọn phương án hạn chế ra đường trong các ngày Tết để đảm bảo phòng, chống dịch bệnh. Do đó, việc mua sắm, chi tiêu trong dịp này có thể sẽ ít hơn các dịp Tết năm trước. Đây là lý do khiến tiểu thương còn thận trọng trong việc nhập hàng tết. Thêm vào đó, việc tạm ngưng kinh doanh trong một thời gian dài cũng khiến nguồn vốn, nguồn cung ứng hàng hóa chịu nhiều tác động... |
Bà Nguyễn Thị Sáng, chủ sạp tạp hóa ở chợ Tân Hiệp (TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Nếu năm trước thời điểm này, không khí chuẩn bị hàng tết bắt đầu nhộn nhịp thì năm nay do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhu cầu tiêu thụ giảm nên lượng hàng nhập về mới chỉ bằng 1/3 so với cùng kỳ. Các loại bánh kẹo cơ bản ổn định về giá, trong khi giá nhiều hạt, mứt tết lại có xu hướng tăng. Nguồn cung hàng hóa không dồi dào, phong phú như các năm trước. Tùy vào tình hình thị trường dịp cuối năm, cận Tết, tôi sẽ tính toán để nhập về số lượng phù hợp với nhu cầu, lượng khách đặt mua”.
Tương tự, chị Mai Trang, chủ sạp hàng chuyên kinh doanh các loại thực phẩm, đồ chua, dưa muối tại chợ Biên Hòa cho hay, năm nay, giá nguyên liệu tăng cao, trong khi sức mua không nhiều khiến cho sạp cũng như lượng hàng chuẩn bị Tết giảm nhiều so với những năm trước. Đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên hiện nay chợ khá vắng, nhu cầu tiêu thụ chậm. Sạp chủ yếu cung ứng sỉ, tuy nhiên các mối quen từ các chợ nhỏ do khó bán được hàng nên cũng thận trọng trong việc nhập hàng về, riêng khách vãng lai tại chợ thì lác đác…
Theo ông Nguyễn Danh Thịnh, Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ Phương Lâm - đơn vị quản lý chợ Phương Lâm (H.Tân Phú), hiện nay, nhiều sạp hàng của chợ đã bắt đầu mở bán hàng tết nhưng sức mua vẫn chưa được như kỳ vọng, nhu cầu tiêu thụ hiện nay mới chỉ đạt khoảng 70% so với cùng thời điểm này năm ngoái. Dự báo sức mua năm nay sẽ giảm hơn so với cùng kỳ các năm trước do ảnh hưởng của dịch bệnh, thu nhập người dân bị ảnh hưởng sẽ cân đối lại chi tiêu.
Tương tự, ông Phạm Đức Nam, Trưởng ban Quản lý chợ Long Thành cho hay, hiện có khoảng 80-90% tiểu thương ở chợ đã hoạt động trở lại, riêng chợ đêm chưa mở lại. Hoạt động chuẩn bị hàng tết dự báo sẽ có nhiều biến động so với cùng kỳ năm ngoái do chịu nhiều ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh Covid-19, sức mua không cao mới chỉ bằng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng hàng nhập về chuẩn bị cho dịp Tết sắp tới hiện vẫn chưa thực sự dồi dào, dự báo sẽ tăng lên vào thời điểm giáp Tết tùy vào sức mua và diễn biến dịch bệnh…
Ông Trương Thế Hưng, Trưởng ban Quản lý chợ Tân Hiệp cho biết, hiện nay số lượng tiểu thương hoạt động trở lại tại chợ đạt hơn 80%. Năm nay ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, sức mua tại chợ vẫn chưa cao nên không khí chuẩn bị hang tết tại các sạp hiện khá trầm lắng so với cùng thời điểm này các năm trước. Bên cạnh đó, hoạt động của các kênh bán lẻ truyền thống còn gặp phải sự cạnh tranh bởi sự phát triển nhanh của kênh bán lẻ mới, hiện đại; các cửa hàng tạp hóa trong các khu dân cư, hoạt động bán hàng online ngày càng xuất hiện nhiều…
Tiểu thương dè dặt trữ hàng
Hiện tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn phức tạp, nhu cầu tiêu dùng chưa ổn định sau thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Do đó, nhiều tiểu thương tại các chợ, hộ kinh doanh… còn thận trọng trong việc nhập hàng tết. Theo đại diện nhiều chợ và các tiểu thương, giá các loại bánh kẹo tết khá ổn định hoặc chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, nhiều mặt hàng gia vị, nước chấm, dầu ăn, thực phẩm khô, các loại hạt… lại tăng khá cao, có nhiều mặt hàng tăng khoảng 20% so với trước đợt dịch Covid-19 lần thứ 4.
Bà Lê Hữu Phùng, chủ một sạp tạp hóa tại chợ Biên Hòa cho biết, bà đã mở bán, sắp xếp các kệ hàng dành cho các sản phẩm bánh kẹo, đồ uống, mứt tết. Dù còn hơn 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán nhưng nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng tết vẫn khá chậm. Người dân thắt chặt chi tiêu hơn nên sạp cũng thận trọng trong việc nhập hàng tết, nhất là khi tình hình dịch bệnh vẫn còn nhiều phức tạp…
Tương tự, bà Trần Thị Hương, tiểu thương kinh doanh các loại gạo, thực phẩm khô tại chợ Tân Hiệp cho hay: “Năm nay, do ảnh hưởng của tình hình dịch Covid-19 khiến sức mua hiện giảm khoảng 1/3 so với cùng thời điểm này năm ngoái. Tiểu thương như tôi cũng gặp khó khăn về nguồn vốn sau thời gian dài chợ tạm đóng cửa vì dịch nên tôi cũng thận trọng, cân nhắc lượng hàng nhập về chuẩn bị cho dịp Tết sắp tới. Từ nay đến khoảng 20 tháng Chạp, tùy vào tình hình thị trường mà tôi sẽ nhập về lượng hàng phù hợp với nhu cầu”.
Cùng với đó, nhiều tiểu thương kinh doanh sản phẩm thời trang như quần áo, vải vóc, giày dép… tại các chợ trên địa bàn TP.Biên Hòa cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tình hình kinh doanh khá phập phồng, nhiều sạp thường xuyên trong tình trạng “ế khách”. Lượng khách đến mua sắm giảm khoảng 50%, thậm chí có sạp lên đến 60-70% so với trước khi có dịch Covid-19. Trong khi đó, nguồn hàng nhập về cũng không dồi dào do nguồn cung từ các mối quen ở TP.HCM bị ảnh hưởng, giá nhiều sản phẩm nhập về tăng khoảng 10%...
Chị Trương Thị Kim Cương, chủ sạp quần áo ở chợ Tân Hiệp cho hay, năm nay do sức mua thấp, thêm vào đó nhiều mối cung ứng hàng ở TP.HCM giảm lượng hàng sản xuất cho dịp Tết nay nên lượng hàng nhập về bán của sạp giảm 50%.
Nhiều chủ cửa hàng tạp hóa, đại lý bánh kẹo, nước ngọt cùng rơi vào tình cảnh tương tự, lưỡng lự không dám nhập hàng nhiều vì lo ngại tình hình thị trường, nhu cầu tiêu thụ không cao, cũng như những diễn biến khó lường của dịch Covid-19.
Bà Thu Hà, chủ một cửa hàng tạp hóa ở P.Tân Phong (TP.Biên Hòa) cho hay, mọi năm bà nhập đa dạng các mặt hàng bánh kẹo, mứt tết, các loại hạt, bia, nước ngọt... khoảng hơn 1 tháng trước thời điểm Tết Nguyên đán để phục vụ nhu cầu mua sắm của khách hàng trong dịp Tết. Tuy nhiên năm nay, các mặt hàng đều tăng giá do biến động của giá vận chuyển, giá nguyên liệu cũng như dịch bệnh trong thời gian vừa qua nên bà khá lo lắng cho vụ hàng cuối năm.
“Nếu không nhập hàng thì không có hàng bán, trong khi giá hàng mùa tết tăng từng ngày, đặt hàng hóa, bia tết sớm mới được các công ty đến sắp xếp gian hàng trưng bày đẹp, khuyến mãi nhiều. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh còn quá phức tạp, chẳng may gia đình có thành viên nhiễm Covid-19 phải đóng cửa hàng thì không biết xoay xở ra sao. Do vậy, tôi chấp nhận nhập hàng ít hơn năm ngoái để an tâm hơn” - bà Hà bộc bạch.
Hải Hà