Chỉ còn hơn 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán 2022, song ai cũng có thể thấy rằng xét về sức mua thì mùa mua sắm lớn nhất trong năm vẫn là một ẩn số.
Chỉ còn hơn 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán 2022, song ai cũng có thể thấy rằng xét về sức mua thì mùa mua sắm lớn nhất trong năm vẫn là một ẩn số.
Hơn nửa năm 2021, thị trường chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19 với những tháng dài giãn cách xã hội, thu nhập người tiêu dùng giảm mạnh nên sức tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ giảm theo, trừ những mặt hàng thiết yếu.
Quan sát từ góc độ kinh doanh hàng hóa trong suốt năm qua, có thể thấy hình thức bán lẻ hiện đại đang ngày một chiếm ưu thế nhiều hơn, đặc biệt dưới áp lực của đại dịch, các kênh bán hàng truyền thống có vẻ như đang “lép vế” trước xu hướng chuyển sang các hình thức mua bán hiện đại để tránh tiếp xúc trực tiếp quá nhiều giữa người mua - người bán.
Các kênh bán lẻ truyền thống mà đại diện tiêu biểu là các sạp chợ, cửa hàng tạp hóa thường trông chờ mùa mua sắm Tết của khách hàng, họ chủ động trữ hàng để đón đầu trước khoảng 1-2 tháng. Mùa Tết 2022 cũng được trông chờ sẽ giúp họ “gỡ gạc” sau nhiều tháng liền sụt giảm doanh thu, lợi nhuận do hầu hết phải đóng cửa để phòng dịch. Trong khi các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi vẫn trữ hàng hóa với số lượng khá bình thường thì hầu hết tiểu thương chỉ trữ hàng trong dè dặt vì sợ sức mua kém.
Trên thực tế, người tiêu dùng vẫn sẽ mua hàng tết, song đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi khá nhiều và khá sâu cách mua sắm. Dễ thấy nhất là rất nhiều người tiêu dùng đã chọn mua hàng trực tuyến thay vì đi mua trực tiếp. Và ở góc cạnh này, các kênh mua bán hiện đại xoay trở khá nhanh. Các hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ nhanh chóng tăng nhân sự, cải tiến công nghệ, phần mềm, ra mắt các ứng dụng mua sắm và thanh toán trực tuyến để thu hút khách hàng. Các nền tảng mua sắm trực tuyến vốn đang trên đà lớn mạnh (Lazada, Shopee, Tiki…) nay càng “bành trướng” hơn khi có “cú hích” từ dịch Covid-19. Nhiều nền tảng thậm chí còn bán cả thực phẩm tươi sống giao tận nhà chỉ bằng một “cú” click, phục vụ khách hàng cả những mặt hàng trước đây ngỡ như “đất sống” của bán lẻ truyền thống. Các chuỗi cửa hàng bách hóa lớn không chỉ phủ sóng ở đô thị mà còn “tràn” về nông thôn, “lấy” đi lượng khách quen của các sạp chợ, các cửa hàng truyền thống.
Sự thay đổi quá nhanh và quá sâu của thị trường dưới tác động của đại dịch rõ ràng đã đặt những người bán lẻ truyền thống vào một áp lực không nhỏ về đổi mới cách bán hàng. Họ cần xác định nhanh điểm yếu, thế mạnh của mình và xoay chuyển nhanh cho kịp với “tình hình mới”. Hiện tại, thế hệ người tiêu dùng trẻ đã không còn mặn mà với việc mua sắm trực tiếp tại các sạp chợ hay cửa hàng truyền thống nữa. Họ vẫn tiêu dùng hàng thiết yếu nhưng cách mua sắm đã khác đi rất nhiều.
Vậy nên, có lẽ sắp tới đây thị trường vẫn tiếp tục đổi thay và đòi hỏi cả bán lẻ truyền thống lẫn bán lẻ hiện đại thay đổi để thích nghi. Tuy nhiên, bán lẻ truyền thống cần phải nỗ lực rất nhiều để “theo kịp” thị hiếu và thói quen tiêu dùng mới. Trong đó, tư duy quan trọng nhất có lẽ là sự thích nghi linh hoạt, uyển chuyển để có thể tồn tại và phát triển.
Vi Lâm